Vì sao hội nghị OPEC thất bại?

09:17 | 18/04/2016

2,888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc họp giữa các nước trong và ngoài OPEC tại Doha đã thất bại vì Iran không tham dự. Arập Xê út ngay lập tức có thái độ “bất cần”, phá hội nghị và dọa sẽ dìm chết Iran bằng dầu. Hết đấu với Mỹ, Arập Xê út quay sang đọ sức với Iran. Hậu quả của hành động này có thể sẽ kéo giá dầu giảm sâu hơn nữa.
tin nhap 20160418090709
Bộ trưởng Dầu mỏ của Qatar, Arập Xê út, Venezuela và Nga tại phiên họp báo tối 17/4 tại Doha

Ngày 17-4, Bộ trưởng dầu mỏ 16 nước - cung cấp 1/2 sản lượng dầu thô toàn cầu - đã nhóm họp tại Doha, Qatar, để bàn về việc đóng băng sản lượng trong một nỗ lực ổn định thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ngày 14-4, Iran cho biết Bộ trưởng Dầu mỏ nước này sẽ không tham dự cuộc họp tại Doha mà thay vào đó chỉ cử Thống đốc OPEC của nước này tới tham dự cuộc họp. Song cuối cùng Iran cũng không cử ai đến cả khiến cuộc họp bị trì hoãn mãi đến chiều 17-4 mới bắt đầu.

Trước đó, Iran đã bác bỏ các lời kêu gọi đóng băng sản lượng khi cho rằng nước này muốn đưa sản lượng về các mức trước khi bị cấm vận rồi mới bắt đầu kìm hãm sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh hôm 16-4 cho biết "Chúng tôi [Iran] đã nói với một số nước thành viên OPEC và ngoài OPEC, kể cả Nga, rằng họ sẽ phải chấp nhận thực tế là Iran đang quay lại thị trường dầu mỏ".

Thái độ của Iran đã khiến Arập Xê út “lên máu” và tìm cách “phá” hội nghị. Ngay buổi sáng 17-4, Arập Xê út thêm một mục mới vào dự thảo thỏa thuận đóng băng khối lượng khai thác dầu được chờ ký kết ở Doha. Đó là yêu cầu bắt buộc tất cả các nước thành viên OPEC phải tham gia vào thoả thuận. Iran không tham gia, tuyên bố không ký cam kết. Điều kiện của Arập Xê út như thế có khác nào phá hội nghị.

Arập Xê út chủ xướng việc đóng băng lượng dầu bơm vào thị trường đã cay cú với quyết định của Iran. Tối 17-4, trong giờ giải lao của cuộc họp tại Doha, Phó Hoàng thái tử Arập Xê út Mohammed bin Salman cho Bloomberg biết rằng, nước này có thể tăng sản lượng dầu thô thêm hơn một triệu thùng một ngày ngay lập tức nếu “muốn”. “Chúng tôi có thể tăng sản lượng từ 11,5 triệu thùng một ngày ngay lập tức đến 12,5 triệu trong sáu đến chín tháng nếu chúng tôi muốn"- ông Mohammed bin Salman khẳng định. Ông cũng nói thêm rằng: "Tôi không cho rằng chúng ta nên sản xuất nhiều hơn, nhưng chúng tôi có thể sản xuất nhiều hơn. Chúng tôi có thể sản xuất 20 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu chúng tôi đầu tư vào năng lực sản xuất, nhưng chúng ta không thể sản xuất hơn 20 triệu thùng vì như vậy giá dầu sẽ rẻ như cho". Với lời đe dọa trên, Arập Xê út cho rằng nếu đóng băng sản lượng thì cùng làm còn không thì chết chung. Thị trường đang thừa bứa dầu mỏ, nếu Ryad tiếp tục bơm dầu vào sẽ càng kéo giá dầu xuống. Như thế việc Iran trở lại thị trường sẽ hoàn toàn bất lợi.

Sản lượng dầu thô của Arập Xê út đạt kỷ lục 10,564 triệu thùng/ngày hồi tháng 6-2015, theo số liệu của nước này báo cáo lên OPEC. Sản lượng sau đó ổn định ở 10,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1-2016 - mức đề xuất đóng băng sản lượng.

Trong khi đó, trong tháng 3-2016, Nga bơm 10,9 triệu thùng/ngày, biến động nhẹ so với mức của tháng 1-2016, theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga.

Những lời đe dọa của Arập Xê út có nguy cơ kéo giá dầu đi xuống. Hồi tháng trước, Nga và Arập Xê út đã đồng thuận sẽ đóng băng mức sản lượng của tháng 1-2016, tức là chỉ bơm vào thị trường lượng dầu như tháng 1 và không tăng cho đến tháng 10-2016. Nhờ đó giá dầu đã tăng từ 30USD lên gần 50USD vào tuần trước.

Cuộc ghanh đua của các ông lớn đang khiến các nước xuất khẩu dầu nhỏ khóc dở mếu dở vì giá dầu thấp. Hồi năm 2014, nếu Arập Xê út, đứng đầu OPEC, mà chấp nhận hạ sản lượng dầu thì giá dầu không xuống thấp như hôm nay. Đằng này, Ryad muốn dìm chết các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ nên thay vì giảm sản lượng, nước này tiếp tục giữ nguyên lượng dầu bơm vào thị trường. Hậu quả là dầu từ khoảng 100USD/thùng vào cuối năm 2013 nay chỉ còn trên dưới 40USD, thậm chí có lúc còn xuống dưới 30USD.

Cuộc đấu giữa các ông lớn trong ngành dầu mỏ thế giới đang khiến chính họ chịu thua thiệt trước tiên. Kể từ sau khi giá dầu bắt giảm vào tháng 11-2014 đến nay, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã phải móc hầu bao 315 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại tệ quốc gia để bù cho nguồn thu mất đi do giá dầu giảm. Trong đó, Arập Xê út phải xuất ra 138 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ, chiếm gần một nửa trong tổng số tiền các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải bỏ ra để bù cho nguồn thu từ giá dầu giảm. Tiếp theo là Nga, Algeria, Libya và Nigeria. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, Arập Xê út phải chi ra 381 triệu USD từ kho dự trữ ngoại tệ, mức cao nhất tính theo quý từ năm 1962 đến nay.

Hãng Fitch Ratings hôm 13-4 đã hạ mức tín nhiệm của Arập Xê út xuống còn AA-. Standard & Poor cũng như Moody đã thực hiện điều tương tự trước đó. Fitch cho rằng, Riyadh sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn trong năm nay và một "phần lớn các nhu cầu tài chính của chính phủ sẽ được tài trợ bằng cách vay nợ nước ngoài".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 12-4 dự báo thâm hụt ngân sách của Arập Xê út trong năm nay sẽ bằng 10,2% GDP, cao nhất kể từ năm 1998, khi giá dầu giảm xuống 10 USD/thùng. Tương tự như vậy, United Arab Emirates cũng đang đối mặt với thâm hụt cán cân thanh toán trong năm nay, lần đầu tiên kể từ khi số liệu thống kê đáng tin cậy bắt đầu vào năm 1980, theo IMF. Cuối năm 2015, Arập Xê út đã phải phát hành trái phiếu để tăng thu ngân sách do giá dầu giảm.

Trở lại với cuộc đấu giữa Arập Xêút và Iran về dầu mỏ, các chuyên gia cho rằng hành động không tham gia cùng Ryad đóng băng sản lượng đợt này là cách Tehran muốn trả thù vụ Arập Xê út xử tử giáo sĩ Nimr Baqr al Nimr hồi tháng 1-2016.

Sâu xa hơn, đối với Iran, Arập Xê út đang làm thiệt hại quyền lợi của khối Arập và Hồi giáo. Hai tội “lớn nhất” mà Iran gán cho Arập Xê út là sản xuất dầu khí với khối lượng lớn làm giá nhiên liệu giảm và ủng hộ khủng bố Sunni mà điển hình là IS.

Hồi tháng trước, các nước thành viên OPEC đã kết thúc cuộc họp hàng năm tại Vienna (Áo) mà không có một thỏa thuận nào được đưa ra do những bất đồng giữa Arập Xê út và Iran liên quan đến việc tiếp tục duy trì hay cắt giảm sản lượng dầu.

Một vài đại diện của OPEC cho biết họ không thấy bất cứ cơ hội cải thiện mối quan hệ vốn đã rất “bấp bênh” giữa Iran và Arập Xê út, do đó khả năng hai nước này có thể đi đến một thỏa thuận về dầu mỏ là vô cùng khó khăn.

Các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) lo ngại khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Arập Xê út đang làm trầm trọng thêm cuộc chiến giành thị phần trên thị trường năng lượng, gây thêm áp lực lên giá dầu đang ngày càng giảm sâu.

Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến xung đột Iran và Arập Xê út hiện nay. Theo nhà phân tích Pháp Georges Maibrunot, Iran và Arập Xê út đang leo thang trả đũa nhau. Trước vụ hành quyết giáo sĩ Shiite 10 ngày, thủ lĩnh một tổ chức đối lập Syria tên Zarhan Alloush bị không quân Damas giết chết. Nhân vật này là cột trụ của Arập Xê út và của “Quân đội Hồi giáo”, một tổ chức nổi dậy tại Syria do Riyad tài trợ. Ngoài việc hành quyết tín đồ Shia để trả thù Iran, Riyad còn có thể gia tăng viện trợ quân sự cho các tổ chức nổi dậy tại Syria thuộc phe Sunni và sẽ làm chiến sự leo thang trong những ngày tới.

Việc hội nghị Doha thất bại có thể sẽ kéo giá dầu tụt sâu hơn nữa. Ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, Citigroup dự đoán nếu không có thỏa thuận nào được thông qua, giá dầu sẽ sụt giảm "nghiêm trọng". Giá dầu ngày 12-4 đã tăng kỷ lục, tiệm cận 50USD/thùng, nhưng đã giảm liên tục trong 4 ngày gần đây và dừng ở mức 40,36 USD/thùng với dầu WTI kỳ hạn tháng 5, dầu Brent giao tháng 6 cũng rơi xuống 43,30 USD/thùng.

Ngày 17-4, Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết các bên cần thêm thời gian để tham vấn, cuộc họp của OPEC được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.

tin nhap 20160418090709

Arập Xê út dọa sẽ dìm chết Iran bằng dầu

Cuộc họp giữa các nước trong và ngoài OPEC diễn ra tại Doha mà không có Iran tham dự. Các nước này muốn đóng băng sản lượng dầu bơm vào thị trường nhưng Iran nói họ vừa trở lại sân chơi không thể làm thế. Arập Xê út “lên máu” dọa tăng sản lượng dầu lên 12,5 triệu thùng/ngày để đẩy giá dầu tiếp tục xuống thấp, từ đó khiến Iran thua thiệt.

tin nhap 20160418090709

Giá dầu giảm - ai được, ai mất?

Trước phiên họp OPEC ngày 27/11/2014 về việc quyết định không giảm sản lượng khai thác, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30%, từ trung bình 115USD/thùng xuống khoảng 70USD/thùng. Điều gì khiến giá dầu giảm và ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới?

tin nhap 20160418090709

“Chiến tranh dầu mỏ” lại bắt đầu?

Quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC đã khiến giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc sau khi đã giảm liên tiếp trong mấy tháng qua. Vì sao OPEC lại có cách ứng xử “lạ đời” này và những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đã và đang chịu ảnh hưởng từ giá dầu giảm như thế nào?

tin nhap 20160418090709

Hội nghị OPEC thất bại hoàn toàn, giá dầu sẽ giảm thê thảm

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, hội nghị của Bộ trưởng dầu mỏ 16 nước trong và ngoài OPEC tại Doha đã không thể đi đến thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu

S.Phương

Theo AFP. AP, Reuters, CNN