Trở về tuổi thơ với những trò chơi dân gian

08:48 | 01/06/2012

10,370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trò chơi dân gian trẻ em ra đời và gắn liền cùng môi trường sống vốn rất gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam, tác động không nhỏ đến sự phát triển cả về thể chất, tâm hồn và trí tuệ các em.

Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Các em bé khoảng 2-3 tuổi thường được các anh chị và người lớn cho chơi trò Chi chi chành chành hay Nu na nu nống. Kèm theo những động tác của trò chơi là các bài đồng dao, vừa cho trẻ tập nói, vừa tạo niềm hưng phấn, thích thú.

Chơi nu na nu nống

Rồng rắn lên mây là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, có liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp: “Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nắc/ Có nhà khiển binh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không…”. Đồng dao được cấu trúc theo một lôgic riêng, đôi khi không có nghĩa gì cả, nhưng bằng tư duy liên tưởng, trẻ em vẫn có thể nhập vào câu hát để dẫn đến những kết cục bất ngờ: cái ngược đời, cái phi lý, lại có thể chấp nhận vì đấy là bài hát của trẻ em.

Ô ăn quan là một trò chơi dân gian của trẻ em người Kinh mà chủ yếu là các bé gái. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi.

Trẻ em trên đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa đang chơi trò chơi dân gian ô ăn quan (ảnh: Wiki).

Trò chơi nhảy lò cò hay còn gọi là nhảy ngục dành cho các em thiếu niên, nhi đồng; có thể chơi từ 2 đến 5 người. Trò chơi nhằm rèn luyện chân tay khỏe khoắn, dẻo dai.

Các em gái rất thích thú với trò chơi chuyền hoặc nhảy dây. Trò chơi này rèn luyện sức bền, sự khéo léo nhanh nhẹn. Trong khi chơi chuyền, các cô bé thường đọc các bài đồng dao để tạo thêm không khí vui tươi.

Chơi chuyền (ảnh: Tuổi trẻ)

Các em trai thì thích thú với trò đánh khăng, đánh đáo, bắn bi, chơi quay. Các trò chơi này tạo sự ganh đua, giúp các em thể hiện bản tính của mình cũng như tạo mối liên kết giữa các thành viên trong một đội chơi.

Khi có đông người, hoặc sinh hoạt tập thể, các trò chơi thường được tổ chức đó là bịt mắt bắt dê, ú tim (trốn tìm) hay như trò kéo co thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo.

Thả diều là trò chơi được rất nhiều các em nhỏ ưa thích. Trước hết, các em phải mày mò làm cho được chiếc diều theo ý thích của mình sau đó đem ra bờ đê, hoặc bãi đất trống rồi căng dây, chạy đón gió để thả lên trời. Mỗi cánh diều bay cao là mỗi một ước mơ, một điều mong ước của các em gửi gắm trong đó.

Các trò chơi dân gian Việt Nam thường đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.

Trò chơi dân gian Việt Nam là một kho tàng đời sống tinh thần phong phú và rộng lớn. Những trò chơi dân gian trẻ em cần gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ, tạo môi trường sống cộng đồng trong sáng trong tâm hồn trẻ thơ.

 L.Trang

tổng hợp

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...