Triều Tiên điều 35 tàu ngầm áp sát Hàn Quốc

19:13 | 23/08/2015

2,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lúc cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thì Bình Nhưỡng lại điều 35 tầu ngầm và pháo binh sát biên giới Hàn Quốc.
trieu-tien-dieu-35-tau-ngam-ap-sat-han-quoc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một chuyến thị sát các đơn vị tàu ngầm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay tố cáo rằng Bình Nhưỡng đã huy động 70% lực lượng tàu ngầm của Triều Tiên (trên tổng số 50) và pháo binh áp sát biên giới với Hàn Quốc trong khi cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên tiếp tục diễn ra vào hôm nay 23/8 nhằm tránh nguy cơ chiến tranh.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, tình hình hiện rất nghiêm trọng vì lần đầu tiên số tàu ngầm Triều Tiên di chuyển về phương nam nhiều gắp 10 lần mức độ bình thường kể từ khi chiến tranh 1950-1953 chấm dứt. Hãng tin này cho hay quân đội Mỹ- Hàn đã tăng cường theo dõi để kịp thời phản ứng.

Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc lên án Bình Nhưỡng “tráo trở, hai mặt: vừa đàm phán vừa huy động lực lượng”.

Hai phái đoàn thương thuyết Nam-Bắc Triều Tiên đã gặp lại nhau vào trưa nay 23/8 tại biên giới sau 10 tiếng đồng hồ gián đoạn. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan Jin và cố vấn an ninh của lãnh đạo Triều Tiên Hwang Pyong So trước đó đã gặp nhau lúc 18 giờ ngày 22/8.

Theo các chuyên gia, hai bên phải cố gắng đạt được “một thỏa hiệp nào đó” để làm giảm căng thẳng sau các trận pháo vào tuần trước. Reuters ghi nhận một thay đổi đáng chú ý: hãng thông tấn KCNA sử dụng quốc hiệu Đại Hàn Dân Quốc, thay vì bọn “bù nhìn Hàn Quốc” để loan tin cuộc đàm phán với Seoul.

Giới phân tích xem đây là dấu hiệu tích cực. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng thông báo là hai bên sẽ tiếp tục xóa bớt xung khắc.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mô tả quan chức hai bên “vẫn đang tiếp tục thu hẹp các khác biệt”.

Tuy nhiên những khác biệt là rất lớn khi quân đội hai nước đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Bình Nhưỡng dọa tấn công phủ đầu miền nam nếu Seoul không chịu tắt hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền ở biên giới.

Trong khi đó, Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên phải xin lỗi vì vụ đặt mìn khiến hai binh sĩ miền nam bị thương. Giới quan sát nhận định chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ không xin lỗi, trong khi Seoul sẽ không chấp nhận việc bị coi là yếu thế hơn.

Rất có thể, Seoul và Bình Nhưỡng sẽ đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ lần tới ở cấp bộ trưởng quốc phòng.

Dập tắt ngọn lửa chiến tranh Triều Tiên - Hàn Quốc

Dập tắt ngọn lửa chiến tranh Triều Tiên - Hàn Quốc

Sau hai ngày căng thẳng sau các vụ đấu pháo ở biên giới, hôm nay Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý ngồi lại bàn đàm phán.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới