Triển vọng nào cho "xe buýt xanh"

14:52 | 30/05/2012

1,527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Xe buýt xanh” sử dụng khí nén thiên nhiên CNG được xem là giải pháp tối ưu về mặt chi phí lẫn môi trường cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng của TP HCM vốn đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện giao thông gây ra. Tuy nhiên, việc phát triển “xe buýt xanh” cũng vấp phải không ít rào cản đòi hỏi cần phải được sớm tháo gỡ một cách đồng bộ!

Tín hiệu lạc quan

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) vừa đưa ra đề án đầu tư lắp ráp trong nước 300 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén Compressed Natural Gas – CNG với tổng kinh phí đầu tư khoảng 743 tỉ đồng.

Bên cạnh đề án trên, TP HCM đang dự kiến xây dựng tuyến xe buýt BRT (xe buýt nhanh) trên Đại lộ Đông – Tây (tức Đại lộ Võ Văn Kiệt) theo mô hình xe buýt xanh, với các xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch – khí nén thiên nhiên CNG và hệ thống mái che bằng cây xanh. Mô hình BRT là hình thức sử dụng xe buýt loại lớn (80 chỗ) chạy trên các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo không ùn tắc, tuân thủ đúng thời gian và lộ trình, đồng thời chở được số lượng hành khách lớn.

Xe buýt sử dụng khí CNG

Nhìn lại việc triển khai thí điểm sử dụng xe buýt chạy bằng khí CNG tại TP HCM trong thời gian qua, các chuyên gia vận tải cho rằng, “xe buýt xanh” đã khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội về lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường so với xe buýt sử dụng dầu diesel.

Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) chính là đơn vị đầu tiên mạnh dạn đầu tư vốn nhập 21 chiếc “xe buýt xanh” từ nước ngoài về, hoạt động từ tháng 8/2011 với tuyến đầu tiên có lộ trình chợ Bến Thành – Chợ Lớn (mã số 01). Sau đó đến Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP HCM đã đưa vào hoạt động 5 “xe buýt xanh” trên tuyến số 104 (Bến xe An Sương – Đại học Nông lâm) vào tháng 1/2012. Ngoài ra, còn có thêm một số xã viên của Liên hiệp HTX vận tải TP HCM bỏ ra khoảng 9 tỉ đồng mua 6 chiếc “xe buýt xanh” và hoạt động vào tháng 5/2012 trên tuyến số 104.

Đại diện của Saigon Bus cho rằng “xe buýt xanh” đã giảm khí thải độc hại ra môi trường (giảm 53-63%), không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, động cơ vận hành êm, giảm tiếng ồn, khí thải độc hại, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, tiết kiệm chi phí nhiên liệu khoảng 200 triệu đồng/xe/năm (21%), có camera giám sát, thùng vé bán tự động…

Còn theo ông Trịnh Quốc Bình, Phó trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM) thì qua thời gian triển khai thí điểm, Sở GTVT TP HCM nhận thấy việc sử dụng xe buýt CNG đã tiết kiệm được 30-40% chi phí nhiên liệu so với xe buýt sử dụng dầu diesel và giảm 100% khói đen, không có mùi hôi. Mức độ ồn giảm được khoảng 3dB so với động cơ nhiên liệu lỏng. Lượng phát thải khí CO2 giảm 20%, NOx giảm 57%, CO giảm 63,5%.

Có thể nói, đã đến lúc có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho TP HCM phát triển vận tải hành khách công cộng sạch, xanh. Được biết một trong những yếu tố lợi thế hỗ trợ để mở rộng “xe buýt xanh” tại TP HCM là đề án đầu tư 1860 xe buýt giai đoạn 2011-2013 của TP HCM có khuyến khích xe buýt thân thiện với môi trường. Theo đó doanh nghiệp nhập xe buýt xanh về hoạt động sẽ được hỗ trợ 70% vốn vay với mức lãi suất 5%. Hơn thế nữa, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng chung cho cả nước đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường”. Chính phủ cũng cho phép ưu tiên miễn, giảm thuế cho việc nhập khẩu các phụ tùng dùng để sản xuất xe sử dụng khí CNG mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Cần tháo gỡ rào cản

Hiện nay, giá xe buýt CNG nếu được đóng mới, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc vào khoảng 2,5 tỉ đồng, trong khi xe buýt chạy bằng dầu chỉ đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Chính vì nguồn tài chính đầu tư cho “xe buýt xanh” khá cao nên việc doanh nghiệp vận tải công cộng mạnh dạn rót vốn không phải là chuyện dễ dàng.

Sở GTVT TP HCM vẫn còn khá băn khoăn vì giá xe buýt đóng mới trong nước tương đương giá xe nhập khẩu nguyên chiếc đã được miễn thuế. Chính điều này khiến Sở GTVT đã đề nghị Samco cần làm rõ các khoản mục chi phí đóng mới để cơ quan quản lý thẩm định giá xe buýt CNG của đề án 300 “xe buýt xanh” này.

Về phía Liên hiệp các HTX vận tải TP HCM vốn đang có ý định thay thế toàn bộ 29 xe chạy bằng dầu diesel đã xuống cấp của tuyến 104 bằng “xe buýt xanh” nhưng cũng phải đắn đo vì việc đầu tư có khó khăn về tài chính.

Còn theo ông Cao Đăng Tuấn, Trưởng phòng Điều hành Saigon Bus, mỗi ngày tiền vé mà Saigon Bus thu về từ một chiếc “xe buýt xanh” chỉ hơn 1 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư cho một xe mới là trên 2 tỉ đồng. Giá vé không đổi, trợ giá không tăng nhưng vốn đầu tư cho một chiếc “xe buýt xanh” lại cao gấp đôi so với xe buýt thường, nên việc đầu tư thêm cũng cần phải cân nhấc kỹ càng!

Ngoài ra, một yếu tố cực kỳ quan trọng để “xe buýt xanh” hoạt động ổn định chính là cần đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu khí CNG ổn định. Đồng thời các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách công cộng cũng mong mỏi rằng, chi phí nhiên liệu của xe CNG chỉ vào tầm khoảng 60-65% so với chi phí nhiên liệu của xe buýt chạy bằng dầu diesel mới mong có lãi.

Được biết Công ty Cổ phần Kinh doanh Dầu khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) – đơn vị thành viên Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) hiện là nhà cung cấp khí CNG chính yếu cho “xe buýt xanh” tại TP HCM.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng, để có được một trạm cung cấp khí CNG đòi hỏi cần phải có mặt bằng rộng, liệu có trạm xăng dầu nào trên địa bàn TP HCM đủ sức để thay thế vào đó là các trạm khí CNG? Đây không phải là điều đơn giản!

Nên chăng Nhà nước cần xem xét miễn thuế nhập khẩu xe buýt CNG, miễn thuế nhập khẩu các bộ phận động cơ của xe buýt CNG để các doanh nghiệp đóng mới “xe buýt xanh” trong nước có thể sản xuất với mức giá có thể chấp nhận được. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và có khung trợ giá riêng cho các doanh nghiệp vận tải công cộng bỏ vốn đầu tư nhằm xã hội hóa “xe buýt xanh”.

CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4 – metane (chiếm 85%- 95%)được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, mỏ dầu (khí đồng hành) hoặc khí nhà máy (thu được trong quá trình sản xuất của các nhà máy lọc dầu), qua xử lý và nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar) để tồn trữ vào bồn chuyên dụng. Do thành phần đơn giản dễ xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như SO2, NO2, CO…và hầu như không phát sinh bụi. Vì vậy, sử dụng CNG thay thế các nhiên liệu truyền thống như than, dầu sẽ bảo vệ môi trường và giảm chi phí.

Thế Vinh

Báo Năng Lượng Mới số 124 ra ngày 29-5-2012