Toàn cảnh chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc (Kỳ 2)

11:00 | 14/06/2013

379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù công khai thông báo các vụ thử của hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ lời giải thích chính thức nào về động cơ của việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa...

>> Toàn cảnh chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc (Kỳ 1)

>> Vì sao nước Mỹ quyết theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa NMD?

Một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương

Mặc dù Trung Quốc công khai loan báo các vụ thử của hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng không hề đưa ra bất cứ lời giải thích chính thức nào về động cơ của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, hoặc kế hoạch triển khai các khả năng phòng thủ tên lửa trong tương lai. Do đó, các tuyên bố chính thức của Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn trả lời.

Nhưng giới thạo tin về Trung Quốc nhận định Bắc Kinh có thể theo đuổi ít nhất 3 con đường trong tương lai: Tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ phòng thủ tên lửa đồng thời hạn chế triển khai các hệ thống tác chiến; triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm bảo vệ toàn bộ đất nước, ít nhất khỏi một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo quy mô nhỏ như hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ hiện nay; triển khai một số phương tiện đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ các mục tiêu chiến lược như các ICBM hoặc các trung tâm chỉ huy và kiểm soát chiến lược.

Đối với con đường thứ nhất, học giả nổi tiếng về chiến lược hạt nhân và kiểm soát vũ khí của Trung Quốc Li Bin cho rằng Bắc Kinh có thể tập trung nỗ lực phát triển công nghệ nhằm “đánh giá các khả năng” chứ không phải đang đề ra kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Hơn nữa, các vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa năm 2010 và 2013 của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã đạt được công nghệ “tìm diệt”, nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc có một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể tiêu diệt các tên lửa đang trên đường bay tới Trung Quốc từ nước khác”.

Li Bin cho rằng trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc hiện nay, việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để chống lại lực lượng hạt nhân tấn công của Mỹ sẽ không hiệu quả. Nếu Trung Quốc muốn sử dụng một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để hạn chế thiệt hại do tên lửa chiến lược của Mỹ gây nên, Bắc Kinh cần phát triển các phương tiện đánh chặn nhiều hơn Mỹ. Nhưng Trung Quốc phải tiêu tốn tiền của nhiều hơn Mỹ để xây dựng khả năng của mình.

Tên lửa QW-1M trong một triển lãm quốc phòng ở Trung Quốc

Hơn nữa, một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy, nếu có đủ các phương tiện đánh chặn, cũng sẽ tiêu tốn các khoản chi phí rất lớn và sẽ tác động tiêu cực tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hiện nay của Mỹ hiện đang ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược Mỹ-Trung. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tác chiến, một hệ thống phòng thủ điểm nhằm bảo vệ một số khu vực chống lại cuộc tấn công tên lửa đạn đạo sẽ là cách tiếp cận hợp lý hơn.

Đối với Trung Quốc, một hệ thống phòng thủ điểm sẽ là lựa chọn thích hợp hơn nhiều một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nếu Bắc Kinh quyết định phát triển công nghệ “tìm diệt” thành một hệ thống phòng thủ tên lửa.

Theo Li Bin, một hệ thống phòng thủ điểm có thể được sử dụng để bảo vệ các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc, vì vậy nó sẽ đảm bảo các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc tồn tại trước một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để chỉ đạo một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa đối phương.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể sử dụng hệ thống phòng thủ như vậy để bảo vệ một số vũ khí hạt nhân chiến lược và tăng khả năng tồn tại của chúng. Thực tế, trước đó Li Bin nhấn mạnh khả năng các hệ thống phòng thủ điểm có thể tăng khả năng tồn tại của các ICBM đặt dưới hầm ngầm của Trung Quốc.

(Còn tiếp)

H.Phan (Tổng hợp)