Tin nóng thế giới hôm nay - 27/3

19:54 | 27/03/2019

362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ áp đặt trừng phạt với mạng lưới tài trợ cho lực lượng vệ binh Iran. Triều Tiên chỉ trích Mỹ về "kế hoạch chiến tranh sinh hóa dai dẳng". Australia và Hà Lan lần đầu tiên gặp Nga về vụ máy bay MH17.
tin nong the gioi hom nay 273Đặc phái viên Mỹ tới Trung Quốc chuẩn bị cho thượng đỉnh lần 3 Mỹ-Triều Tiên?
tin nong the gioi hom nay 273Tổng thống Ukraine Poroshenko đang tranh cử với Tổng thống Nga Putin?
tin nong the gioi hom nay 273
Các thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (Ảnh: THX/TTXVN)

1. Mỹ áp đặt trừng phạt với mạng lưới tài trợ cho lực lượng vệ binh Iran

Chính phủ Mỹ ngày 26/3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một mạng lưới các công ty và cá nhân tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vì cho rằng mạng lưới này đang cung cấp hàng tỷ USD cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

25 cá nhân và tổ chức đã bị đưa vào "danh sách đen", trong đó bao gồm 4 công ty đặt tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE mà Washington cho là "bình phong" của IRGC và Bộ Quốc phòng Iran. Ngoài ra, trong số các thực thể bị trừng phạt còn bao gồm các ngân hàng và cơ quan tài chính như ngân hàng Ansar, Atlas Exchange và công ty Atlas của Iran. Bộ Quốc phòng Iran cũng nằm trong danh sách trừng phạt này do đã hỗ trợ IRGC về mặt hậu cần.

Hiện IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị của Iran cũng như kinh tế của nước này.

2. Triều Tiên chỉ trích Mỹ về "kế hoạch chiến tranh sinh hóa dai dẳng"

Theo Yonhap, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27/3 đã lên án Mỹ về điều nước này gọi là sự chuẩn bị dai dẳng cho "cuộc chiến sinh hóa" chống lại Bình Nhưỡng, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại ở Hà Nội cuối tháng Hai vừa qua.

Theo KCNA, động thái nói trên nhằm biến Hàn Quốc thành một "bãi thử lớn" cho chiến tranh sinh hóa và gây ra thảm họa đối với người dân Triều Tiên. "Điều đáng lo ngại hơn là thực tế Mỹ đang thúc đẩy một kế hoạch chiến tranh sinh hóa cùng với các cuộc tập trận chiến tranh khác nhau chống Triều Tiên bất chấp bầu không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên" - tờ báo này viết.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên bị đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc tại Hà Nội mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

3. Australia và Hà Lan lần đầu tiên gặp Nga về vụ máy bay MH17

Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Australia Marise Payne nhân chuyến thăm Australia, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok ngày 27/3 cho biết các quan chức Australia và Hà Lan mới đây đã có cuộc họp đầu tiên với các đối tác Nga về vụ máy bay MH17 bị bắn hạ năm 2014.

Ông Stef Blok nói chưa thể tiết lộ những nội dung được thảo luận cụ thể trong cuộc họp trên, nhưng 2 nước vẫn cam kết đạt được “sự thật, công lý và trách nhiệm". Trong khi đó, bà Payne khẳng định cam kết "không lay chuyển" của Australia và Hà Lan trong việc theo đuổi công lý cho các nạn nhân của vụ tấn công.

Chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ bởi một tên lửa do Nga sản xuất gần biên giới Ukraine, làm chết 298 người, trong đó có 38 người Australia.

4. Afghanistan triệu hồi Đại sứ sau phát biểu của Thủ tướng Pakistan

Afghanistan vừa triệu hồi Đại sứ nước này tại Pakistan sau phát biểu của Thủ tướng Pakistan Imran Khan liên quan việc thành lập chính phủ ở nước láng giềng.

Trước đó, tờ Express Tribune của Pakistan dẫn phát biểu của Thủ tướng Imran Khan ngày 25/3 cho rằng việc thành lập một chính phủ lâm thời ở Afghanistan sẽ thúc đẩy đàm phán giữa Mỹ và Taliban, trong bối cảnh Taliban từ chối đàm phán với chính quyền Kabul hiện nay.

Phản ứng về phát biểu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan ngày 26/3 nêu rõ Kabul đã triệu Phó Đại sứ Pakistan đến để trao đổi về những bình luận "thiếu trách nhiệm" của ông Khan.

Chính phủ Afghanistan coi phát biểu này của nhà lãnh đạo Pakistan là "một ví dụ điển hình về chính sách can thiệp của Islamabad cũng như sự thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền quyết định của người dân Afghanistan".

5. Mỹ đặt mục tiêu đưa người trở lại Mặt Trăng trong 5 năm tới

Trong cuộc họp của Hội đồng vũ trụ quốc gia Mỹ tại thành phố Huntsville ngày 26/3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã trực tiếp đề ra nhiệm vụ 5 năm tới, tức năm 2024, cơ quan chức năng Mỹ sẽ phải vận dụng mọi phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng.

Ông Pence khẳng định mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng là chính sách quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông nhấn mạnh: "Hai công dân Mỹ sẽ được đưa vào không gian trên tàu vũ trụ được phóng đi bằng tên lửa của Mỹ và từ lãnh thổ Mỹ". Việc đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng là bước đi nền tảng đầu tiên chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng và tiến tới việc đưa người Mỹ đặt chân lên Sao Hỏa.

Phó Tổng thống Pence mạnh mẽ yêu cầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đẩy nhanh tiến độ phát triển siêu tên lửa để thực hiện nhiệm vụ trên, khôi phục chương trình đưa người Mỹ vào không gian đình đốn từ năm 2011 đến nay.

Lâm Anh (t/h)