Thái Lan:

Thủ lĩnh phe biểu tình bị bắn chết, khủng hoảng đi về đâu?

16:23 | 27/01/2014

3,728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một thủ lĩnh của của phe biểu tình ở Thái Lan đã bị bắn chết hôm qua trong lúc những người đối lập tìm cách ngăn chặn việc bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử trước kỳ hạn vào tuần tới. Tình trạng vô Chính phủ hiện nay sẽ đưa cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đi về đâu?

Đoàn biểu tình vẫn tiếp tục bao vây nhiều địa điểm bỏ phiếu ở Bangkok, làm gián đọan tiến trình bầu cử

Hôm qua, 26/1, phát ngôn viên Akanat Promphan của phe biểu tình cho biết ông Suthin Tharathin, một trong những thủ lĩnh cực đoan chống chính phủ Yingluck Shinawatra, đã bị bắn vào đầu trong khi phát biểu ở phía sau một chiếc xe tải. Trong khi đó, Trung tâm Cấp cứu Erawan ở Bangkok cũng xác nhận một người bị sát hại và 9 người khác bị thương trong vụ nổ súng này tại vùng ngoại ô Bangkok.

Ông Suthin là người thứ 10 bị sát hại trong vòng 3 tháng nay liên quan tới các vụ biểu tình chống Chính phủ.

Ông Suthin Tharathin là thủ lĩnh của nhóm cực đoan Dhamma Army. Nhóm này gồm những người theo Phật giáo cực đoan thân Hoàng Gia, có nhiệm vụ phân phát miễn phí thức ăn cho những người biểu tình, kể từ đầu phong trào xuống đường đòi lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Vụ bắn chết người này xảy ra trong bối cảnh một số địa điểm mở cửa phòng phiếu cho cử tri bỏ phiếu trước thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội chính thức vào ngày 2/2. Gần một nửa số phòng phiếu tại thủ đô Bangkok đã phải ngừng hoạt động sau vài giờ mở cửa vì bị những người biểu tình thuộc phe đối lập phong tỏa.

Những người biểu tình chống lại cuộc bầu cử bởi vì họ biết rằng đảng hiện đang cầm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ thắng cử. Họ tố cáo bà tham nhũng. Điều trái khoáy là họ có được sự ủng hộ của Ủy ban bầu cử, định chế chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bỏ phiếu; dường như định chế này làm mọi cách để phá hỏng cuộc bầu cử với lý do là cuộc bỏ phiếu có nguy cơ dẫn đến các vụ bạo động.

Thất bại trong việc tổ chức bỏ phiếu ngày hôm qua, báo hiệu điềm không tốt lành cho cuộc bầu cử ngày 2/2. Ủy ban bầu cử mong muốn lùi lại ba tháng thời điểm bỏ phiếu, nhưng chính phủ lo ngại là nếu chấp nhận đề xuất này thì sẽ không có bầu cử tại Thái Lan nữa.

Thực vậy, mục tiêu của phe đối lập là phải tiến hành cải tổ sâu rộng hệ thống chính trị Thái Lan, trước khi tổ chức bầu cử Quốc hội, nhằm ngăn chặn việc mua phiếu bầu.

Trong khi đó, quân đội Thái Lan theo lý là đưới quyền thủ tướng thì bất động và trong tương lai có lẽ chỉ tự động can thiệp khi tình thế bắt buộc để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đi vào bế tắc. Các lực lượng cảnh sát thuộc quyền điều động của Chính phủ, nay dường như cũng không muốn thi hành lệnh của Thủ tướng bắt giam người lãnh đạo cuộc biều tình Suthep Thaugsuban, vì cho rằng có liên quan đến hoạt động chiếm đóng các bộ của chính phủ là phạm pháp, cũng như một cáo buộc giết người có liên quan đến cuộc trấn áp quân sự đối với người biểu tình đối lập vào năm năm 2010 khi ông này còn là phó Thủ tướng, khiến hàng chục người thiệt mạng.  

Theo ý kiến của các nhà phân tích, tình trạng vô chính phủ hiện nay sẽ đưa cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đi theo hai hướng.

Một là phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng theo Hiến pháp của Thủ tướng Yingluck thành công khi được quân đội hậu thuẫn. Nghĩa là lệnh bắt giam những người lãnh đạo các cuộc biểu tình vì các hoạt động chống Chính phủ vượt quá quyền dân chủ, vi phạm luật pháp quốc gia được thi hành hiệu quả, với sự đồng tình của quân đội, các cuộc biểu tình tự tan rã, cuộc bầu cử Quốc hội mới ngày 2/2 tới đây sẽ diễn ra và kết thúc tốt đẹp, đảng nào chiếm đa số tại quốc hội sẽ thành lập chính phủ mới, sự ổn định chính trị được tái lập và vận hành bình thường trở lại theo Hiến pháp.  

Hai là phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng theo Hiến pháp của Thủ tướng Yingluck thất bại, khi không được quân đội hậu thuẫn. Trong chiều hướng này quân đội Thái Lan theo tiền lệ, lại một lần nữa phải can thiệp để tái ổn định tình hình. Nếu điều này xảy ra, thì trong 81 năm qua, với 18 lần làm đảo chính, lần thứ 19 này có lẽ là lần đầu tiên quân đội Thái Lan phải làm một cuộc “đảo chính bất đắc dĩ”, chẳng đặng đừng  phải can thiệp khi tình thế bắt buộc để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn hai tháng quá đã đi vào bế tắc, nhằm sớm chấm dứt tác hại nhiều mặt cho nhân dân và đất nước Thái Lan của mình.

Nh.Thạch

tổng hợp