Mì chính có phải là nguyên nhân gây dị ứng, tê mỏi, khó thở, đau đầu không?

17:12 | 29/12/2023

664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mì chính là gia vị không còn xa lạ với người Việt. Một số tin đồn cho rằng gia vị này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau đầu, tê mỏi, khó thở… Cùng nghe PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam làm sáng tỏ các tin đồn này.

Mì chính có ảnh hưởng đến não bộ không?

Lý giải tin đồn này, PGS.TS. Phạm Ngọc Khái cho biết: Theo các nghiên cứu khoa học, khi chúng ta ăn mì chính từ thực phẩm hay gia vị thì mì chính sẽ được chuyển hóa hầu hết tại hệ tiêu hóa để tạo thành năng lượng cho hoạt động của ruột. Do đó, mì chính từ chế độ ăn không thể đi vào trong máu. Đồng thời, cơ thể con người có cấu trúc “hàng rào máu - não” phát triển hơn hẳn các động vật linh trưởng khác, giúp ngăn sự di chuyển glutamate từ máu vào não. Vậy nên, mì chính từ chế độ ăn không thể ảnh hưởng đến não bộ.

Mì chính có phải là nguyên nhân gây dị ứng, tê mỏi, khó thở, đau đầu không?
Mì chính từ chế độ ăn không thể ảnh hưởng đến não bộ/Ảnh minh họa

Mì chính có gây dị ứng hay một số triệu chứng tê mỏi, khó thở, đau đầu… không?

Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex (Codex Alimentarius Commision), không xếp mì chính vào danh mục các chất gây dị ứng cho cơ thể con người. Ủy ban này liệt kê các nhóm chất có thể gây dị ứng bao gồm hải sản, cá, đậu phộng, đậu nành, trứng, sữa, ngũ cốc có chứa gluten…

Người ta còn biết đến Hội chứng nhà hàng Trung Quốc xuất hiện từ năm 1968 do lá thư của một bác sĩ người Mỹ gửi đến một tạp chí khoa học để mô tả cảm giác mỏi cổ, tê gáy và đau đầu sau khi ăn tại một nhà hàng Trung Quốc. Ông giả định các nguyên nhân có thể là nước tương, rượu, muối, mì chính. Từ lá thư này đã dẫn đến tin đồn rằng mì chính gây ra các triệu chứng kể trên.

Tuy nhiên, FDA đã đưa ra mô hình nghiên cứu khuyến nghị để xác định mì chính có phải là nguyên nhân của các triệu chứng này không. Kết quả nghiên cứu thực hiện theo đúng mô hình của FDA cho thấy mì chính không phải nguyên nhân gây ra các triệu chứng tê bì, khó thở, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi... JECFA cũng xác nhận mì chính không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng này. Có một số giả định cho rằng, nguyên nhân của các triệu chứng đến từ sự kết hợp thực phẩm hay có vấn đề khác về sự an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nên sử dụng bao nhiêu gam mì chính mỗi ngày?

PGS.TS. Phạm Ngọc Khái cho biết một số gia vị quen thuộc như muối và đường có khuyến nghị liều dùng hàng ngày. Tuy nhiên, với mì chính, quy định về liều dùng hàng ngày của mì chính là “không xác định”.

Liều dùng hàng ngày “không xác định” có nghĩa là về góc độ an toàn, không cần quy định mỗi người hàng ngày chỉ được dùng bao nhiêu gam, chúng ta có thể sử dụng tùy theo khẩu vị cho từng món ăn khác nhau.

Mì chính có phải là nguyên nhân gây dị ứng, tê mỏi, khó thở, đau đầu không?
Liều dùng hàng ngày của mì chính là “không xác định”.

Cụ thể, JECFA và EC/SCF xác nhận mì chính là một gia vị an toàn với liều dùng hàng ngày (ADI - acceptable daily intake) “không xác định”. Tại Việt Nam, theo thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, mì chính cũng được liệt vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và không quy định liều dùng hàng ngày.

Các nước phát triển trên thế giới có sử dụng mì chính không?

Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, mì chính hiện được dùng phổ biến tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Do khác biệt về văn hóa và thói quen nấu nướng tại mỗi quốc gia, cách thức dùng mì chính tại các nước cũng khác nhau. Tại Mỹ hay các quốc gia Châu Âu và cả Nhật Bản, với những hạn chế về thời gian nấu nướng, người tiêu dùng ở các quốc gia này có xu hướng sử dụng các gia vị tổng hợp như hạt nêm, nước xốt... để nêm nếm món ăn, họ cũng thường sử dụng nhiều thực phẩm chế biến hơn; trong các gia vị tổng hợp và thực phẩm chế biến này thường đã có sẵn mì chính. Tại các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc..., người tiêu dùng có thói quen sử dụng mì chính trực tiếp trong quá trình nêm nếm món ăn. Như vậy, có thể thấy, mì chính được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia từ châu Á, châu Mĩ đến châu Âu, điểm khác biệt nằm ở cách sử dụng mà thôi.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV