Thí sinh ngày càng “tham vọng” vào hệ Đại học

16:20 | 30/12/2013

946 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, do thay đổi về chính sách tuyển sinh liên thông, khối trường CĐ công lập chỉ tuyển được khoảng 65%, còn ngoài công lập chỉ còn khoảng 37%, so với năm 2012 đều giảm trên 14%.

Gần 100 trường chỉ đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2013 có 98 trường đạt tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu dưới 50%. Cụ thể, ở bậc ĐH có 25 trường ngoài công lập và ở CĐ có 73 trường CĐ (gồm 58 trường công lập và 15 trường ngoài công lập).

Một thống kê khá thú vị của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh năm 2013, với mức điểm sàn ĐH đưa ra toàn quốc có 562.449 thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn ĐH trở lên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH là 348.859. Như vậy, tỷ lệ giữa số thí sinh đạt từ điểm sàn ĐH trở lên so với chỉ tiêu là 161,23%. Với nguồn tuyển dồi dào như vậy nên khối các trường công lập được hưởng lợi tối đa khi tỷ lệ tuyển so với chỉ tiêu chung của các trường đạt 98,26 % (tăng hơn 7% so với năm 2012). Ngược lại trường ngoài công lập lại tụt giảm gần 1% (đạt 72,51%).

Số liệu cũng cho thấy thí sinh ngày càng “tham vọng” trong việc chen chân vào học hệ ĐH và “thờ ơ” với bậc CĐ. Điều này thể hiện việc tỷ lệ nhập học so với chỉ tiêu có độ chênh nhau rất lớn. Trường CĐ công lập chỉ tuyển được khoảng 65% còn ngoài công lập chỉ còn khoảng 37%, so với năm 2012 đều giảm trên 14%.

Việc các trường CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu bởi năm 2013 Bộ GD-ĐT đã siết chặt quy định đào tạo liên thông, đưa ra những ràng buộc khó hơn để có thể liên thông từ CĐ lên ĐH.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong tổng số 353 trường ĐH, CĐ tuyển sinh năm 2013, có 20 trường tuyển vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu đã xác định trong đó có 13 trường ĐH (8 trường công lập và 5 trường ngoài công lập) và 7 trường CĐ (5 trường công lập và 2 trường ngoài công lập).

Có thể tăng học phí Đại học

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đối với 4 trường tự chủ tài chính gồm ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ không được cấp ngân sách chi thường xuyên. Nhưng thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng đề án trình chính phủ để các trường này được tăng học phí.

Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, năm qua toàn xã hội đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kêu gọi các trường tiết kiệm ngân sách bằng cách “cắt hết các hội thảo, hội nghị không cần thiết, hạn chế tối đa hoặc cắt hoàn toàn việc đi công tác nước ngoài”.

4 trường ĐH tự chủ tài chính sẽ được đề xuất tăng học phí.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định: “Dứt khoát lương cho cán bộ, giáo viên không được thiếu. Trường nào khó khăn phải báo cáo ngay để tìm hướng xử lý, khắc phục”.

Bộ GD - ĐT vẫn yêu cầu các trường phải cân đối chỉ tiêu tuyển sinh với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy theo chuyên ngành. Với từng nhóm ngành, lãnh đạo Bộ GD - ĐT yêu cầu giảm chỉ tiêu khối kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu khối kỹ thuật, công nghệ, y dược, nghệ thuật.

Vấn đề này đã được Bộ đề cập và triển khai từ mùa tuyển sinh năm 2013. Chỉ tiêu ngành sư phạm cũng sẽ điều chỉnh giảm dần trong các năm tới. Đối với chỉ tiêu liên thông, các trường chỉ được tuyển sinh tối đa bằng 20% hệ đại học, cao đẳng chính quy. Đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiếp tục giảm theo lộ trình 20%/năm.

Khánh An

 

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...