Thấy gì từ vụ Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị phế truất?

19:52 | 08/05/2014

4,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Thủ tướng Yingluck bị Tòa Hiến pháp Thái Lan phế truất ngày hôm qua đang đặt nền chính trị đất nước Chùa Vàng trước một bước ngoặt bản lề. Sự “lên ngôi” của Tòa Hiến pháp liệu có giúp Thái Lan thoát khỏi cái vòng biểu tình-đảo chính triền miên không?

Thấy gì từ vụ Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị phế truất?

Thủ tướng Yingluck trả lời báo chí sau khi bị Tòa Hiến pháp Thái Lan phế truất ngày 7/5

Từ gần 10 năm qua, hầu như năm nào ở Thái Lan cũng diễn ra biểu tình mang tính chính trị. Lúc thì phe Áo Đỏ ủng hộ gia đình Tharsin xuống đường, lúc thì phe Áo Vàng biểu tình phản đối.

Những cuộc biểu tình này thường kết thúc bằng một cuộc đảo chính, hoặc do quân đội tiến hành hoặc do tư pháp ra phán quyết. Qua nhiều thập niên dựa vào đảo chính “như một biện pháp mặc định” để khôi phục sự ổn định, Thái Lan đã tạo ra một loại “văn hóa đảo chính”, trong đó việc lặp đi lặp lại các cuộc đảo chính khiến giới trí thức nước này nghĩ rằng đó là lối thoát duy nhất khi có bế tắc chính trị. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế tái diễn suốt bao năm qua khiến đời sống chính trị tại Thái Lan luôn mất ổn định.

Joshua Kurlantzick, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Council on Foreign Relations, cho rằng sở dĩ Thái Lan hay có những cuộc đảo chính, một phần là vì thặng dư tướng lĩnh. So với gần như tất cả quân đội trên thế giới, quân đội Thái Lan có quá nhiều sĩ quan cao cấp không cần thiết cho Bộ Quốc phòng và cho việc chiến đấu. Mặc dù không có kẻ thù nào, Thái Lan có hơn 1.700 tướng lĩnh và đô đốc, một tỷ lệ quá cao so với quân đội Mỹ. Theo Kurlantzick, hầu hết các sĩ quan cao cấp của Thái Lan “không có việc làm thực sự”. Sự rảnh rỗi khiến họ nghĩ rằng để có thể đạt được uy tín, tiền bạc, thậm chí cảm thấy mình cần thiết, họ chỉ còn cách can thiệp vào chính trị.

Ngoài việc thặng dư tướng lĩnh, vẫn theo phân tích của ông Kurlantzick, Thái Lan có một thể chế phức tạp, không là một chế độ quân chủ tuyệt đối, mà cũng không phải là một chế độ quân chủ lập hiến thực sự. Sự can thiệp vào đời sống chính trị của hoàng gia vô hình trung củng cố quan điểm rằng, chia rẽ chính trị của Thái Lan chỉ có thể được giải quyết một cách không chính thức, bởi một vị minh quân hoặc một tướng lĩnh từ quân đội.

Muốn bỏ được thói quen dựa vào những biện pháp nằm bên ngoài hiến pháp, Joshua Kurlantzick cho rằng, mọi phía liên quan phải có những thay đổi. Theo Kurlantzick, dù các cuộc biểu tình có thể giúp cho phe đối lập đạt mục đích trong thời gian ngắn hạn, liên tục dùng biện pháp này để loại bỏ phe ủng hộ Shinawatra sẽ làm cho Thái Lan suy yếu, mà cũng không giúp cho đảng Dân chủ ở một vị trí cạnh tranh tốt hơn trong những cuộc bầu cử tới. Đảng Dân chủ đã không giành được một cuộc bầu cử quốc gia kể từ đầu những năm 1990 và vì thế cần phải hiểu nhu cầu của giới nghèo, trở nên hấp dẫn hơn với người dân Thái ở nông thôn, nếu muốn giành chiến thắng.

Thay đổi quân đội có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nhất. Nhưng, Kurlantzick lập luận, nếu ở các nước khác trong khu vực, như Myanmar và Indonesia, nơi quân đội tham gia nhiều hơn vào chính trị còn thay đổi được thì Thái Lan cũng làm được. Giống như Indonesia, Chính phủ Thái Lan có thể giảm bớt quân số, nhất là các cấp lãnh đạo, một mặt dùng tiền này đảm bảo lương hưu cho binh sĩ và bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao của quân đội vào các cơ quan chính phủ khác, để họ khỏi quá rảnh tay, mà trở thành thực sự hữu dụng cho đất nước.

Hoàng gia cũng phải thay đổi để “tiếp tay” trong việc phá vỡ văn hóa đảo chính của Thái Lan. Thay đổi trong hoàng gia của Thái Lan có thể đang diễn tiến. Vị vua tôn kính vừa ăn mừng sinh nhật thứ 86 trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Sau khi nhà vua qua đời, người kế nhiệm ông sẽ không có lợi thế của một quyền lực được tích tụ qua nhiều thập niên vận động chính trị, Thái Lan nhờ đó có thể sẽ phát triển thành một chế độ quân chủ lập hiến thực sự và phải củng cố vai trò của các cơ quan được chính thức được thiết lập để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tòa án.

Việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan vừa phế truất Thủ tướng Yingluck theo luật vừa lóe lên như một giải pháp bền vừng cho nền chính trị Thái. Ở một số nước dân chủ, đời sống chính trị ổn định là nhờ vai trò của tòa án Hiến pháp. Chẳng hạn tại Mỹ. Năm 2000, sau khi giành được sự đề cử của đảng Cộng hoà, ứng cử viên G.W.Bush phải đối đầu với Phó tổng thống Al Gore, người được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Bush giành được 271 phiếu của cử tri đoàn, trong khi Gore có 266 phiếu. Bush được chọn bởi 47,9% của tổng số cử tri, còn số người bầu cho Gore cao hơn chút ít (48,4%), nhưng không ai giành được đa số của 105 triệu phíếu bầu. Đó là lần đầu tiên, kể từ sau năm 1888, một người thắng cử khi nhận được ít phiếu phổ thông hơn người thất cử. Đó cũng là lần đầu tiên, kể từ sau năm 1876, người thắng cuộc bởi phiếu bầu của cử tri đoàn phải trải qua một cuộc tranh tụng gay gắt trước khi được công nhận thắng cử bởi phán quyết của Tối cao Pháp viện.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù vai trò của Tòa án Hiếp pháp tại Thái Lan vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi các phe phái chính trị cũng như quân đội và nhà vua, nhưng cơ quan này đã dần thể hiện được quyền tài phán trong các cuộc tranh chấp chính trị.

Trước mắt Thái Lan có thể lại rơi vào khủng hoảng chính trị ngắn hạn trong những ngày tới bởi phe Áo Đỏ ủng hộ bà Yingluck tuyên bố sẽ lại xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, về dài hạn nếu Tòa án Hiến pháp Thái Lan tiếp tục củng cố được vài trò của mình trong các vụ đối đầu chính trị thì đây sẽ là một lối thoát bền vững cho những bế tắc chính trị tại Thái Lan trong nhiều năm qua. Đương nhiên, đi kèm với đó phải là có sự thay đổi từ phía Hoàng gia cũng như quân đội Thái.

 

Th.Long

tổng hợp