Thấy gì từ việc đại sứ Mỹ tại Iraq bị tấn công?

16:29 | 03/01/2020

1,107 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dư luận thế giới mấy ngày qua đặc biệt chú ý đến việc đại sứ quán Mỹ tại Iraq bị người biểu tình tấn công, đốt phá tan hoang. Nhưng ẩn đằng sau những sự kiện ồn ào này lại là một cuộc chiến giằng co giữa Iraq, Mỹ và Iran.
thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan cong
Người biểu tình tấn công sứ quán Mỹ tại Iraq

Ngày 31/12, cả ngàn người biểu tình tràn vào khu vực các tòa đại sứ tại Baghdad, bao vây sứ quán Mỹ, phóng hỏa, ném gạch đá vào bên trong. Các phần tử quá khích sau đó dùng ô tô phá cổng, tràn vào bên trong sứ quán, đốt phá phòng tiếp tân. Sự cố khiến nhiều người liên tưởng đến vụ các phần tử cực đoan tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ tại Tripoli. Tuy nhiên, thảm kịch Benghazi đã không lặp lại ở Baghdad, khi đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ sứ quán đã cố thủ trên nóc tòa nhà chính, chĩa súng về phía người biểu tình, liên tục bắn hơi cay, lựu đạn choáng và phát loa răn đe, yêu cầu họ không xâm nhập cơ sở ngoại giao Mỹ. Trước phản ứng của lính Mỹ, người biểu tình đã rời khỏi đại sứ quán. Ngày 1/1/2020, người biểu tình Iraq đã tạm ngưng gây sức ép lên sứ quán Mỹ ở Baghdad, sau khi các lãnh đạo dân quân và chính quyền yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình ngày càng có dấu hiệu bạo lực suốt 2 ngày. Tuy nhiên, căng thẳng giữa các bên không vì vậy chấm dứt.

Ngay sau đó, 100 lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ đóng tại Kuwait đã được triển khai khẩn cấp bằng trực thăng tới đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Đây là lực lượng được huấn luyện chuyên biệt để đối phó những tình huống bất ngờ phát sinh tại Trung Đông. Đợt triển khai quân còn đi kèm màn phô diễn sức mạnh của hai trực thăng vũ trang AH-64 Apache. Tình hình căng thẳng bất ngờ tại Iraq đã buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hủy bỏ vòng công du Đông Âu và Trung Á. Phát biểu sau đó, ông Pompei khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực tối đa lên Iran, buộc quốc gia Cộng hòa Hồi giáo phải chịu trách nhiệm cho mọi "hành động tàn ác". Mỹ cũng chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq sau vụ tấn công. Về phần mình, Tổng thống Trump cáo buộc Iran xúi giục bạo lực tại đại sứ quán Mỹ ở Iraq và nói rằng Tehran sẽ phải chịu trách nhiệm. Iran triệu đặc phái viên Thụy Sĩ, người đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, để phàn nàn về những gì họ mô tả là "ngôn từ hiếu chiến" của Washington.

thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan cong

Làn sóng biểu tình chống Mỹ ở Iraq bắt nguồn từ việc quân đội Mỹ vào ngày 29/12 đã tiến hành một loạt cuộc oanh kích vào lực lượng Hezbollah thân Iran ở Iraq và Syria. Chiến dịch được tung ra sau một vụ pháo kích bằng rocket ở phía bắc Baghdad, làm một lính Mỹ thiệt mạng ngày 27/12. Chiến dịch này đã sát hại 19 người trong lực lượng Hezbollah. Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh chiến dịch trả đũa thành công. Tổng thống Iraq đã lên án cuộc tấn công này, yêu cầu Washington cần thiết phải tôn trọng chủ quyền của Iraq. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, đợt oanh kích này chỉ là bước khởi đầu, nếu lực lượng thân Iran không chấm dứt các cuộc tấn công. Lời cảnh cáo của Mỹ đã không ngăn chặn được 4 quả rocket khác bắn vào một căn cứ khác có lính Mỹ trú đóng. Những vụ tấn công nhắm vào các cơ sở có người Mỹ đã diễn ra từ nhiều tuần lễ qua ở Iraq: 11 cuộc tấn công trong vòng 2 tháng qua. Ngay cả đại sứ quán Mỹ nằm trong khu vực Vùng Xanh ở Baghdad, nơi mà an ninh cực kỳ chặt chẽ, cũng đã bị nhắm đến.

Các quan chức Iraq công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và Iran không được tiến hành chiến tranh tại Baghdad hay ở một nơi nào đó trên lãnh thổ nước này. Iraq và Iran là hai quốc gia duy nhất có đa phần là người Shiite, trong khi phần còn lại của thế giới Hồi giáo chủ yếu là người Sunni. Hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh chết chóc (1980-1988) nhưng mối quan hệ của họ đã thay đổi sau sự sụp đổ của Saddam Hussein vào năm 2003. Iran hiện đang hỗ trợ nhiều đảng phái và các nhóm vũ trang ở Iraq. Iran cũng như Mỹ đã giúp đỡ Iraq rất nhiều trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Iraq, vốn đã trải qua nhiều năm bạo lực và xung đột, đang tiếp tục bất an với các cuộc tấn công chết người, mặc dù ít thường xuyên hơn. Theo Reuters, tình hình an ninh tại Iraq xấu đi có liên quan đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran một năm trước và khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Iran.

thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan cong
Cảnh tan hoang tại đại sứ quán Mỹ ở Iraq

Iraq hiện đang ở vị thế mong manh, vì Washington đang gây sức ép để Baghdad bớt quan hệ thân thiết hơn với Tehran vì cho rằng các nhóm vũ trang Iraq ủng hộ Iran. Kể từ cuộc xâm lược do Mỹ lãnh đạo vào năm 2003, sự hiện diện của người Mỹ đang gây tranh cãi ở Iraq. Ở đỉnh điểm của cuộc chiến, 170.000 quân nhân Mỹ đã có mặt Iraq, trước khi có cuộc rút quân lớn vào cuối năm 2011. Lính Mỹ sau đó quay trở lại Iraq một lần nữa, lần này là nằm trong liên minh quốc tế chống IS vào năm 2014. Thông báo hồi tháng 2/2019 của Tổng thống Donald Trump cho biết quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq để "theo dõi Iran" sau khi quân đội Mỹ rời khỏi Syria. Tuyên bố này đã gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng Iraq, họ kêu gọi giới lập pháp nước này “mời” các lực lượng Mỹ rời khỏi đất nước. Các phe vũ trang theo dòng Shiite ở Iraq gần gũi với Iran đã thúc đẩy việc thảo luận một dự luật nhằm áp đặt lịch trình rút quân cho Mỹ.

Chính quyền Baghdad dường như ý thức được nguy hiểm khi “trâu bò đánh nhau” nên từ lâu đã tìm cách tự cứu lấy mình. Sau hơn một thập kỷ bị quốc tế cấm vận dưới thời Saddam Hussein và 15 năm tiếp theo chìm trong bạo lực đẫm máu bao gồm một cuộc chiến tàn khốc chống lại IS (cuối năm 2017, Iraq tuyên bố đã đánh thắng IS), Iraq gần đây đã tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đến thăm như Mỹ, Iran hay Jordan. Cách đây không lâu, Baghdad đã khởi xướng một cuộc hòa giải giữa Qatar, quốc gia chống đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và Syria, quốc gia đang chật vật tái hòa nhập về khối Arab. Theo AFP, gần đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq Faleh al-Fayyadh thậm chí đã tự mình đến Riyadh (thủ đô của Arab Saudi) để gửi một thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran về kế hoạch tái thiết khu vực.

Đứng giữa Washington và Tehran, “Iraq đóng vai trò như một tòa án chuyên xử những vụ rắc rối”, nhà khoa học địa chính trị Karim Bitar nói. Theo chuyên gia này, việc tái thiết và củng cố chính quyền Iraq có thể đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều nếu Iraq không tự biến mình thành một chiến trường chính trị, kinh tế và ngoại giao sau khi từng là chiến trường quân sự của thế giới trước đó. Nhà khoa học chính trị Iraq Ihssan al-Chemmari cho rằng, sự căng thẳng Iran - Mỹ là “quá sâu đậm để Iraq đưa ra một sáng kiến” trong khu vực và chính quyền Iraq còn phải quan tâm đến vấn đề nội bộ bị chia rẽ bởi những lợi ích khác nhau. Cụ thể, tham vọng ngoại giao thân Mỹ của của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi là hoàn toàn trái ngược với phương châm chống Mỹ của Quốc hội.

Theo cảnh báo của chuyên gia Fanar Haddad tại Đại học Quốc gia Singapore, nếu Chính phủ Iraq thật sự “chọn phe” thì chính sách đối ngoại “không rắc rối” mà Baghdad duy trì bấy lâu này sẽ “tan thành mây khói”. Đó là vì quyền lực ở chính trường nước này bị “chia năm xẻ bảy” bởi nhiều thế lực và đồng minh khác nhau của Iraq. “Điều này (chia rẽ nội bộ) sẽ buộc Iraq phải làm mất lòng hoặc Iran hoặc Mỹ, trong khi họ cần phải duy trì mối quan hệ thân thiết với cả hai”, ông Bitar phân tích. Còn ông Haddad nhận định, nếu không làm cả hai vừa lòng, Iraq sẽ rất dễ “mất lợi ích ngoại giao”.

Nhờ vào chính sách ngoại giao hợp lý, Iraq vừa thành công trong việc nối lại giao dịch đường bộ với nước láng giềng Jordan và sắp mở lại các đồn biên phòng đã đóng cửa suốt 30 năm với Arab Saudi. Nhưng với những diễn biến trong mấy ngày qua, xem ra vị thế trung lập của Iraq đang lâm vào tình huống nguy hiểm.

thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan congNgoại trưởng Mỹ hoãn thăm Ukraine, tập trung vào tình hình ở Iraq
thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan congNhóm Iraq kêu gọi người biểu tình rút khỏi sứ quán Mỹ
thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan congMỹ gửi quân tiếp viện đến Iraq
thay gi tu viec dai su my tai iraq bi tan congTrump tố Iran xúi giục bạo lực ở Iraq

H.Phan

AFP