Mỹ khởi động chiến dịch gỡ bỏ quy định về năng lượng lớn nhất lịch sử

15:51 | 17/05/2025

54 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tuần này, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) chính thức công bố bước đi đầu tiên trong chiến dịch quy mô lớn nhằm cắt giảm các quy định hiện hành. Theo thông báo trên website chính thức, DOE đề xuất bãi bỏ hoặc điều chỉnh 47 quy định, mở đầu cho “nỗ lực gỡ bỏ quy định lớn nhất từ trước đến nay” trong ngành năng lượng Mỹ.
Mỹ khởi động chiến dịch gỡ bỏ quy định về năng lượng lớn nhất lịch sử
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright. Ảnh Reuters

Đây là bước thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump trong Sắc lệnh Hành pháp “Quy định từ số 0 để giải phóng năng lượng Mỹ”. Khi hoàn tất, kế hoạch này dự kiến sẽ loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà khỏi Bộ luật Quy định Liên bang – một trong những đợt cắt giảm sâu rộng nhất trong lịch sử.

Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright cho biết, thông thường, việc loại bỏ một vài quy định có thể mất nhiều năm. Nhưng lần này, đội ngũ của DOE đã làm việc liên tục suốt hơn 110 ngày để giảm chi phí và mang lại hiệu quả thực tế cho người dân.

Trong số 47 quy định được đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ, đáng chú ý có: Đơn giản hóa thủ tục nhập – xuất khẩu khí đốt; rút gọn quy trình xin phép truyền tải điện ra nước ngoài; và loại bỏ các yêu cầu chứng nhận, xác minh độc lập liên quan đến báo cáo khí nhà kính tự nguyện.

Đề xuất cũng đề cập đến việc bãi bỏ một số ưu đãi cho năng lượng tái tạo, gia hạn thời gian áp dụng quy định về công trình liên bang sử dụng năng lượng sạch, và đơn giản hóa quy trình mua dầu thô cho Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).

Liên quan đến SPR, DOE cũng xác nhận công ty Strategic Storage Partners đã trúng thầu hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD để quản lý và vận hành kho này. SPR giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nước Mỹ trước rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu, đồng thời hỗ trợ các cam kết quốc tế về năng lượng.

Tổng thống Trump ra sắc lệnh yêu cầu rà soát và cắt giảm các quy định năng lượng

Ngày 9/4, Nhà Trắng chính thức công bố sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump mang tên “Lập ngân sách quy định từ số 0 để giải phóng năng lượng Mỹ”. Theo đó, Tổng thống yêu cầu một số cơ quan liên bang phải đưa điều khoản hết hiệu lực vào các quy định liên quan đến lĩnh vực năng lượng, trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này nhằm buộc các cơ quan phải định kỳ rà soát lại hệ thống quy định hiện hành, tránh tình trạng các quy định lỗi thời tiếp tục tồn tại không cần thiết.

Một tài liệu tóm tắt được công bố cùng ngày trên website Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Trump hiện đang “tập trung cao độ” vào việc đảm bảo nước Mỹ có nguồn năng lượng dồi dào, không chỉ đơn thuần chú trọng vào hiệu quả sử dụng năng lượng như trước đây.

Trước đó, tại phiên điều trần đầu tháng này trước Tiểu ban Năng lượng và Phát triển Nguồn nước thuộc Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện, Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright khẳng định rõ ràng các ưu tiên của ông đối với Bộ Năng lượng: “Tôi đặt mục tiêu khởi đầu một kỷ nguyên hoàng kim mới cho sự thống trị năng lượng của Mỹ, đồng thời tăng cường an ninh quốc gia và dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo”.

Ông Wright nhấn mạnh: “Một nguồn năng lượng dồi dào và ổn định chính là nền tảng cho một quốc gia mạnh mẽ và thịnh vượng. Năng lượng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn bảo vệ các quyền tự do và tạo điều kiện cho những đột phá công nghệ thay đổi cuộc sống”.

Thông điệp này sau đó cũng được đăng tải trên website chính thức của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE).

Trong tháng này, DOE cũng ra thông báo cho biết Bộ trưởng Wright đã đại diện Mỹ ký kết hai thỏa thuận hợp tác quan trọng với Ả Rập Xê Út, bao gồm: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Hoàng thân Abdulaziz bin Salman Al Saud – Bộ trưởng Năng lượng, và Biên bản Hợp tác về khoáng sản chiến lược với Bandar Alkhorayef – Bộ trưởng Công nghiệp và Tài nguyên Khoáng sản. Các văn kiện này được ký trong khuôn khổ chuyến công du do Tổng thống Trump dẫn đầu.

Dự báo về suy thoái lớn trong ngành đá phiến MỹDự báo về suy thoái lớn trong ngành đá phiến Mỹ
Tham vọng thay đổi địa chính trị hay thúc đẩy thỏa thuận kinh tếTham vọng thay đổi địa chính trị hay thúc đẩy thỏa thuận kinh tế
Sự bất ổn buộc Engie phải đánh giá lại các dự án năng lượng tại MỹSự bất ổn buộc Engie phải đánh giá lại các dự án năng lượng tại Mỹ

Nh.Thạch

Reuters