Ngành dầu mỏ Trung Quốc chuẩn bị gì trước cuộc chiến thương mại với Mỹ?

08:40 | 12/05/2025

134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển, đạt trung bình khoảng 10,9 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường năng lượng Vortexa.
Ngành dầu mỏ Trung Quốc chuẩn bị gì trước cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển. Hình minh hoạ

Chuyên gia Emma Li của Vortexa cho biết, nguyên nhân chính là do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khi Mỹ gia tăng sức ép trừng phạt, buộc các nhà máy lọc dầu Trung Quốc phải tranh thủ đặt hàng nhiều hơn và tích trữ thêm dầu trong các kho chứa trên đất liền.

Đà nhập khẩu tăng mạnh này còn được hỗ trợ bởi giá dầu thế giới liên tục giảm trong những tháng gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tranh thủ mua vào.

Tốc độ tích trữ trong nước tăng vọt

Trong suốt tháng 4, Trung Quốc đã đẩy mạnh bơm dầu vào các bể chứa trong nước. Tính trong 5 tuần kết thúc vào ngày 4/5, tốc độ tích trữ trung bình lên tới hơn 1,1 triệu thùng/ngày – cao hơn rõ rệt so với tháng 3.

Trước đó, phần lớn lượng dầu tích trữ trong tháng 3 diễn ra tại tỉnh Sơn Đông và chủ yếu là dầu từ Iran. Tuy nhiên, đợt tăng mới nhất lại diễn ra trên phạm vi rộng hơn – khoảng 80% nằm ngoài Sơn Đông – do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tranh thủ tận dụng giá dầu quốc tế biến động để mua vào, theo bà Li.

Tính đến đầu tháng 5, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc mới chỉ sử dụng khoảng 62% công suất các bể chứa dầu thô, cho thấy vẫn còn nhiều chỗ trống để tiếp tục tích trữ trong thời gian tới.

Hoạt động bảo trì định kỳ tại các nhà máy lọc dầu, kết hợp với chiến lược tái tích trữ dầu thô đang được triển khai, được dự báo sẽ khiến tồn kho tiếp tục tăng trong suốt quý III năm nay.

Ngoài ra, động thái tăng sản lượng của Ả Rập Xê Út – một thành viên chủ chốt của OPEC+ – từ tháng 6, cùng việc nước này giảm mạnh giá bán chính thức (OSP) cho thị trường châu Á trong tháng 5, đã khiến nguồn cung dầu trở nên dồi dào hơn.

Thêm vào đó, tình trạng dư cung tại khu vực Đại Tây Dương cũng đang gia tăng, mở ra cơ hội lớn để Trung Quốc tiếp tục gom mua các loại dầu thô phổ biến với giá rẻ, bà Li nhận định.

Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu nhiều dầu từ các nguồn bị trừng phạt

Dù từ cuối năm 2023 đến nay, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước, nhưng nhu cầu đối với dầu thô giá rẻ vẫn rất lớn.

“Các nhà máy lọc dầu tư nhân – thường gọi là ‘teapot’ – tập trung dọc bờ biển Trung Quốc, ngày càng ưu tiên nhập khẩu dầu từ các nguồn đang bị trừng phạt để tiết kiệm chi phí”, chuyên gia Emma Li từ Vortexa cho biết.

Dữ liệu của Vortexa cho thấy lượng dầu thô và condensate (dầu ngưng tụ) từ Iran nhập vào Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm nhẹ, xuống dưới 1,5 triệu thùng/ngày – so với mức cao kỷ lục 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình từ đầu năm 2024 là khoảng 1,4 triệu thùng/ngày.

Dầu từ Bắc Cực nổi lên như lựa chọn thay thế

Từ ngày 10/1, dầu từ vùng Bắc Cực của Nga bắt đầu được chuyển hướng mạnh mẽ sang Trung Quốc. Loại dầu này được vận chuyển trên các tàu nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và bị nhiều khách hàng truyền thống từ chối.

Không thể bán ở các thị trường quen thuộc, Nga đã chuyển hướng các lô hàng dầu từ Bắc Cực sang Trung Quốc, thông qua hình thức vận chuyển từ tàu này sang tàu khác (STS) tại khu vực Biển Đông, sang các tàu không bị trừng phạt.

Kết quả là trong tháng 4, lượng dầu từ Bắc Cực của Nga nhập vào Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 280.000 thùng/ngày – phần nào bù đắp sự sụt giảm từ nguồn Iran.

Dầu từ Viễn Đông Nga tiếp tục được ưa chuộng

Ngoài ra, các loại dầu nhẹ từ vùng Viễn Đông Nga – như Sokol và Sakhalin Blend – tiếp tục được các nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc ưa chuộng, với tổng lượng nhập khẩu trong tháng 4 vượt 220.000 thùng/ngày. Lý do là vì những loại dầu này có tỷ lệ chưng cất cao, phù hợp với quy mô nhỏ của các nhà máy lọc dầu tư nhân, lại nằm gần về mặt địa lý, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Trung Quốc giảm mua dầu ESPO và Urals của Nga, nhưng vẫn tăng gom hàng từ các nguồn bị trừng phạt

Theo dữ liệu từ Vortexa, trong tháng vừa qua, lượng dầu thô chủ lực của Nga – bao gồm dầu ESPO Blend và Urals – nhập vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển tăng cao khi phải sử dụng các tàu không nằm trong danh sách trừng phạt, khiến giá thành của những loại dầu này trở nên kém cạnh tranh hơn so với các nguồn dầu khác đang được bán với giá chiết khấu sâu, theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Vortexa.

Dù gặp khó khăn về vận chuyển, tổng lượng dầu thô được bán với mức giá chiết khấu mà Trung Quốc nhập từ Iran, Venezuela và các cảng phía bắc của Nga trong tháng 3 và 4 vẫn đạt kỷ lục – khoảng 2,4 triệu thùng/ngày.

“Điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng chấp nhận sử dụng dầu từ các nguồn bị trừng phạt, đồng thời dựa vào “đội tàu bí mật” để đảm bảo nguồn cung giá rẻ trong một thế giới đầy biến động”, bà Emma Li, chuyên gia phân tích cấp cao của Vortexa, nhận xét.

Bước sang tháng 5, khối lượng dầu bị trừng phạt nhập vào Trung Quốc có thể tạm thời giảm, do hoạt động bảo trì tại các nhà máy lọc dầu tư nhân bị chậm tiến độ.

Tuy nhiên, bất chấp những gián đoạn này, nhu cầu về nguyên liệu đầu vào giá rẻ tại Trung Quốc vẫn rất cao. Các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ thậm chí có thể khiến các công ty Trung Quốc đẩy mạnh gom hàng, củng cố vị thế của nước này như là điểm đến hàng đầu cho các loại dầu nhạy cảm về chính trị.

“Nếu không có thay đổi lớn trong chính sách toàn cầu, hoặc biến động mạnh về nhu cầu, xu hướng phụ thuộc vào nguồn cung dầu bị trừng phạt nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong những tháng tới”, bà Li nhận định.

Ông lớn dầu mỏ Trung Quốc nâng chi tiêu vốn lên mức kỷ lụcÔng lớn dầu mỏ Trung Quốc nâng chi tiêu vốn lên mức kỷ lục
Những dấu hiệu cho thấy ngành dầu mỏ Trung Quốc đang suy yếu dầnNhững dấu hiệu cho thấy ngành dầu mỏ Trung Quốc đang suy yếu dần
Giới dầu mỏ Trung Quốc được lợi gì trước cú sốc thuế quan của ông Trump?Giới dầu mỏ Trung Quốc được lợi gì trước cú sốc thuế quan của ông Trump?

Nh.Thạch

AFP