Thấy gì từ trận chiến Gạc Ma 14/3/1988?

07:30 | 14/03/2016

2,101 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiến hành xâm chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (14-3-1988), quân Trung Quốc đã thảm sát tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam bằng súng bộ binh và pháo hạm 100mm.

Mặc dù lực lượng quá chênh lệch và để chấp hành chủ trương, mệnh lệnh kiên trì thuyết phục và không sử dụng vũ khí trước có trong tay để đánh lại bọn cướp đảo, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta đã dũng cảm chiến đấu bằng cách giương cao ngọn cờ chính nghĩa, lời kêu gọi hòa bình và tình hữu nghị… để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo dòng lịch sử

Thực hiện quyết tâm bảo vệ cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao bằng sự hiện diện lực lượng trên các đảo này của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, ngày 12-3-1988, tàu HQ-605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm Thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ ngày 14-3-1988. 

Vào 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Vũ Phi Trừ làm Thuyền trưởng và tàu HQ-505 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp và cùng đi trên hai tàu 604, 505 có 2 phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 88, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông- Phó Lữ Đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn 6 thuộc Bộ Tham mưu. Sau 29 giờ bí mật hành quân vượt sóng to, gió lớn, 5 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ 605 đã cắm cờ Tổ quốc trên đảo Len Đao.

Chiều  ngày 3-3-1988, tàu HQ-505 đến thả neo ở đảo Cô Lin và HQ-604 thả neo ở đảo Gạc Ma. Sau khi thả neo được 30 phút, một tàu hộ vệ của Trung Quốc từ đảo Huy Gơ chạy về đảo Gạc Ma, có lúc cách tàu ta 500m. 17 giờ ngày 13-3-1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604, dùng loa gọi sang khiêu khích.

thay gi qua cuoc chien dau 14 3 1988

Mặc dù bị uy hiếp, lực lượng ta trên hai tàu HQ-604 và HQ-505 động viên nhau giữ vững quyết tâm, không mắc mưu khiêu khích. Trung Quốc lại cho một tàu hộ vệ và 2 tàu vận tải thay nhau cơ động quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình đó, 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Huy Trừ chỉ huy bộ đội quyết tâm giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Thực hiện mệnh lệnh ấy, tàu HQ-604 cùng lực ượng công binh Trung đoàn 83 khẩn trương thả thuyền, vật liệu xuống đảo Gạc Ma; lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo ngay trong đêm.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ các tàu có sẵn từ trước, tăng cường khiêu khích, đe dọa. Ban Chỉ huy tàu HQ-604 nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực và bộ binh, do đó chúng ta cần bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến, quyết tâm bảo vệ đảo Gạc Ma.

6 giờ ngày 14-3-1988, Trung Quốc dùng 3 xuồng máy đưa 40 quân đổ bộ lên đảo và tiến về phía cờ ta. Dựa thế đông quân, binh lính Trung Quốc xông đến giật cờ ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giật lại cờ.

Quân Trung Quốc nổ súng bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông lên cứu đồng đội bị bắn và đã anh dũng hy sinh.

Không uy hiếp được bộ đội ta, binh lính Trung Quốc rút khỏi đảo. 7 giờ 30 phút ngày 14-3-1988, Trung Quốc dùng 2 tàu bắn pháo 100mm vào tàu HQ-604 làm tàu bị hư hỏng nặng. Chúng cho quân xông về phía tàu ta.

Lúc này bộ đội ta nhận lệnh được sử dụng súng bộ binh bắn trả để tự vệ. Quân ta đánh trả quyết liệt, địch đành phải rút lui. Sau đó, chúng tiếp tục nã pháo làm tàu ta bị thủng và chìm dần xuống biển.

Tại Cô Lin, 6 giờ ngày 14-3-1988, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ lên đảo. Khi thấy tàu 604 bị địch bắn chìm, đồng chí Vũ Huy Lễ -Thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh cho tàu nhổ neo, ủi bãi, lấy thân tàu làm cột mốc chủ quyền. Phát hiện tàu ta cơ động lên đảo, hai tàu trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ-505.

Mặc dù tàu bị bốc cháy, bất chấp hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 vừa dập lửa, cấp cứu thương binh, vừa cho tàu ủi bãi thành công và đưa xuồng đến cứu vớt bộ đội trên tàu HQ-604 chìm ở Gạc Ma.

Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14-3-1988, phát hiện tàu HQ-605 nổ máy lao lên đảo, tàu Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu ta, làm tàu bốc cháy và chìm ngay mép đảo. Cán bộ, chiến sĩ ta dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn.

Những điều cần rút ra

Nhìn lại sự kiện đã diễn ra, sách “Lịch sử công tác Đảng công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000)” do Nxb Quân đội nhân dân ấn hành năm 2002 viết: “Thay mặt đồng bào cả nước ghi nhận công lao chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ giữ đảo Trường Sa, tháng 4-1988, Hội đồng Nhà nước đã quyết định thưởng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công cho 15 tập thể, 14 cá nhân trong đó có 13 đơn vị và 12 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam lập được thành tích đặc biệt xuất sắc.

Nhưng công tác tư tưởng còn bộc lộ sự giản đơn, khuôn sáo, máy móc, một chiều, làm cho nhận thức và hành động dễ lệch sang một phía.

Điển hình như trong việc xử lý tình huống chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia ở một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đầu năm 1988: khi quân địch đã dùng vũ lực ào lên cướp đảo  mà bộ đội ta vẫn còn kiên trì thuyết phục quân thù, không sử dụng vũ khí có trong tay đánh thẳng vào đội hình bọn xâm lược, hất chúng xuống biển để bảo vệ mình, bảo vệ đảo.

Đó là sự máy móc, do công tác tư tưởng tiến hành chưa thấu đáo của ta, trong đó có phần thiếu sót của lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp chiến lược” (Tr.789).

Như vậy, trước khi có Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và sau này là Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), thì việc xác định đối tác, đối tượng vẫn còn nhiều lúng túng. Công tác tư tưởng vẫn duy tình, nặng nợ với những ràng buộc vốn có, với những tình cảm nặng ân tình trong cuộc kháng chiến trước đây.

Ta luôn dựa vào những tuyên bố, cam kết để giữ lấy tình hữu hảo. Nhưng hàng loạt hành vi bội tín của “bạn vàng” Trung Quốc cho thấy, họ không coi Việt Nam là đối tác, nói gì đến chuyện làm bạn. Họ chỉ muốn Việt Nam lệ thuộc. Từ bài học xương máu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa (14-3-1988), trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về đối tượng, đối tác.

Hiểu rõ tính hai mặt tồn tại, đan xen một cách phổ biến trong “mỗi đối tác” và “mỗi đối tượng”. Qua đó, giúp chúng ta có cái nhìn biện chứng khoa học để trong từng thời điểm cụ thể, nhận rõ đâu là đối tác để tranh thủ hợp tác và đâu là đối tượng để đấu tranh.

Với đối tượng có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ, ngấm ngầm thực hiện âm mưu xâm lấn biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phóng viên nước ngoài trong chuyến thăm hữu nghị Philippin, ngày 21-5-2014: “Chúng tôi luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận điều thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Nguyễn Quân Lệnh