"Hành trình bất tử" của người lính bảo vệ Gạc Ma

07:08 | 14/03/2023

189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Những ngày đầu trở về từ Gạc Ma, cứ nhắm mắt tôi lại thấy cảnh tượng kinh hoàng với tiếng đạn bắn liên thanh, hình ảnh nhiều đồng đội ngã xuống khiến tôi không thể chợp mắt", Đại tá Hoàng Bùi Hải kể.

Vừa cưới xong ra Gạc Ma chiến đấu

Những ngày tháng 3, ký ức về trận hải chiến Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam) lại ùa về trong tâm trí của người cựu binh - Đại tá Hoàng Bùi Hải (SN 1962, quê xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Ông là một trong số những chiến sĩ may mắn sống sót trên chuyến tàu HQ604, tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 35 năm. Nhớ về ký ức hào hùng, ông Hải không thể tin được mình may mắn sống sót trở về sau trận chiến đẫm máu năm ấy.

"Những ngày đầu khi trở về, cứ nhắm mắt lại tôi lại thấy cảnh tượng kinh hoàng trong trận chiến. Tiếng đạn bắn liên thanh, hình ảnh nhiều đồng đội ngã xuống cứ thế ùa về khiến nhiều đêm tôi không thể chợp được mắt", ông Hải chia sẻ.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 1
Đại tá Hoàng Bùi Hải, cựu binh Gạc Ma nhớ lại trận hải chiến ngày 14/3/1988.

Ngày 11/3/1988, Thượng úy Hoàng Bùi Hải, Đại đội trưởng đại đội Pháo binh của đảo Song Tử Tây, thuộc Quần đảo Trường Sa, nhận quyết định làm Đảo trưởng đảo Cô Lin.

Ông nhớ lại khi đó vừa kết thúc kỳ nghỉ phép về quê cưới vợ. "Cưới vợ xong, tôi ngay lập tức trở về đơn vị, nhận quyết định ra làm Đảo trưởng đảo Cô Lin. Lúc đó với tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, tôi vui lắm", cựu Đại đội trưởng chia sẻ.

Ngay trong đêm 11/3, ông cùng hơn 120 chiến sĩ được trang bị quân tư trang và vũ khí, nhận nhiệm vụ ra Trường Sa để xây nhà giàn. Hôm sau, tàu HQ604 do Đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đưa ông cùng đồng đội lên đường ra đảo.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 2
Tàu HQ 604 chở các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ (Ảnh: Tư liệu trên mạng Internet).

"Trên chuyến tàu có hơn 120 chiến sĩ, được phân công đóng tại hai khung đảo. Chúng tôi còn chưa biết hết tên, đơn vị công tác của nhau. Theo kế hoạch, tôi và 11 chiến sĩ khác được đưa ra khung đảo Cô Lin, còn lại ra khung đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, khi gần đến Gạc Ma, trận chiến đã xảy ra. Tôi còn chưa kịp đến Cô Lin", cựu binh Hoàng Bùi Hải nhớ lại.

Chiều 13/3, khi gần đến đảo Gạc Ma, tàu HQ604 bị quân Trung Quốc chèn ép, không cho vào đảo. Lúc bấy giờ, thuyền trường Vũ Phi Trừ sử dụng kế nghi binh, lấy cớ đưa con tàu chở hàng tiếp tế vào đảo Sinh Tồn để đánh lạc hướng quân địch, tìm cách vào đảo Gạc Ma.

Gần đến đảo Sinh Tồn, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ điều khiển tàu đổi hướng, tăng tốc cập bến vào Gạc Ma khiến quân địch bất ngờ, không kịp trở tay. Khoảng 17h ngày hôm ấy, các chiến sĩ của ta đã vào được đảo. Ngay trong đêm, khi thủy triều vừa rút, tất cả chiến sĩ trên tàu được huy động vận chuyển gỗ, tre ra dựng nhà giàn, cắm cờ trên đảo Gạc Ma để khẳng định chủ quyền.

"Tôi không tin mình còn sống"

Khoảng 8h ngày 14/3, thủy triều dâng lên, đảo Gạc Ma mênh mông trong biển nước, quân địch với 3 tàu chiến cùng nhiều cano chở theo binh lính và vũ khí áp sát đảo Gạc Ma, yêu cầu quân ta rút khỏi đảo.

Giữa tình thế nguy cấp, Chỉ huy trưởng Trần Đức Thông hô lớn: "Ai bơi được thì bơi xuống, giữ lấy cờ, giữ lấy biển đảo". Sau tiếng hô lớn, hàng chục chiến sĩ nhảy xuống nước để ngăn không cho quân địch giật cờ.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 3
Những ngày tháng 3, ký ức về trận hải chiến Gạc Ma lại ùa về trong tâm trí cựu binh Hoàng Bùi Hải.

"Sau khi một số anh em nhảy xuống biển, tôi và số còn lại xuống khoang để chuẩn bị súng, sẵn sàng chiến đấu. Chỉ ít phút sau, quân địch nổ phát súng đầu tiên khiến Trung úy Trần Văn Phương (Đảo trưởng đảo Gạc Ma) hy sinh. Ngay sau đó là trận hải chiến, đánh giáp lá cà giữa ta và địch để giữ lấy chủ quyền, giữ lá cờ của ta", ông Hải nhớ lại.

Ông kể tiếp, khoảng 8h10, quân địch xả súng liên hoàn về phía tàu HQ604. Trước tình thế đó, quân ta điều động thêm tàu 605 ra đóng đảo Len Đao và tàu 505 ra đóng đảo Cô Lin.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 4
Cựu binh Hoàng Bùi Hải (bìa trái) ngày còn trẻ (Ảnh: D.T).

Theo lời cựu binh Hoàng Bùi Hải, khi đó đạn bắn như mưa về tàu HQ604, các chiến sĩ ở dưới nước hy sinh gần hết. Ông ở trên tàu cũng bị loạt đạn bắn trọng thương khắp người rồi bất tỉnh. Con tàu sau đó chìm dần, quân địch cũng rút qua tấn công tàu HQ505 ở Cô Lin.

"Khi tàu HQ604 đang chìm, nước biển chạm vào người khiến tôi tỉnh lại, nhìn xung quanh đồng đội đã hy sinh gần hết, tôi kéo được miếng ván gỗ trên tàu rồi thả trôi trên biển. Trận chiến kéo dài khoảng 30 phút, đạn bắn ra như mưa, đến giờ tôi không thể tin được mình vẫn còn sống", ông Hải ngậm ngùi.

Lênh đênh trên biển hơn một giờ đồng hồ với nhiều vết thương chi chít cơ thể, Thượng úy Hải được các chiến sĩ còn sống sót trên đảo dùng chiếc xuồng nhôm duy nhất còn sót lại ứng cứu.

Theo ông Hải, một chiếc xuồng nhôm lúc đó có khoảng 30 người nằm cạnh nhau, trong đó có cả thi thể những đồng đội đã hy sinh. "Lúc ấy, tôi nằm cạnh thi thể anh Phương, Đảo trưởng Gạc Ma suốt nhiều giờ. Đến khoảng 17h cùng ngày, tàu 505 ra đưa chúng tôi về đảo Sinh Tồn để cấp cứu", người cựu binh cho hay.

Dòng thư tay viết vội và cuộc hội ngộ bất ngờ

Sau khi tàu HQ505 cập cảng Cam Ranh, ông Hải cùng đồng đội được đưa đến Bệnh viện 175 Sài Gòn để điều trị. Tại bệnh viện, mặc dù vết thương khiến ông kiệt sức nhưng ông đã cố gắng viết một bức thư gửi về cho người cha ở quê nhà.

"Ngón tay tôi bị mảnh đạn găm vào nên khó viết thư, tôi cố gắng lắm chỉ viết được vài dòng với nội dung 'Con đang công tác ở Sài Gòn, nghe tin ở Trường Sa có chiến sự, nhưng bố yên tâm, con không sao cả'. Sau đó tôi nhờ cô y tá ra bưu điện gửi về cho bố", ông Hải nhớ lại.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 5
Những vết thương trên cánh tay của cựu binh Hải sau trận hải chiến Gạc Ma.

Một tháng sau, đang nằm điều trị ở bệnh viện thì ông Hải bất ngờ khi nhìn thấy bố đứng trước cửa phòng bệnh. Giây phút hội ngộ ấy, hai bố con chỉ lặng lẽ ôm nhau khóc.

"Lúc đó, bố tôi chỉ nói một câu duy nhất 'sống được là may rồi'. Có lẽ ông thấy dòng chữ trên thư viết quá xấu nên đoán tôi vừa tham gia trận chiến và đi tìm con. Sài Gòn khi ấy đâu đâu cũng có thông tin về Trường Sa. Hình ảnh chúng tôi bị thương được dán khắp các nhà ga, vì vậy ông đã tìm đến được bệnh viện, ông Hải kể.

Hành trình bất tử của người lính bảo vệ Gạc Ma - 6
Một vết thương lớn ở lưng người cựu chiến binh Hoàng Bùi Hải.

Sau quá trình điều trị, ông Hải xuất viện và trở lại đơn vị công tác với thương tích 45%. Đến tháng 2/1991, ông chuyển vùng về Quân khu 4 và công tác ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa.

Từ năm 2020, ông Hải về hưu. Hiện ông đang sinh sống tại phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trở lại thời bình, cựu binh Hoàng Bùi Hải mong tìm gặp lại được những người đồng đội năm xưa đã từng một thời xông pha ra trận, để cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng về trận hải chiến bảo vệ Gạc Ma.

Theo Dân trí

Trận hải chiến và hơn 1.000 ngày tù đày trong ký ức người lính Gạc MaTrận hải chiến và hơn 1.000 ngày tù đày trong ký ức người lính Gạc Ma
Lá thư cuối cùng của người lính Gạc MaLá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma
Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thựcNgôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực
Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức AnhDi nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh
Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988
Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.