Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988

11:08 | 12/03/2023

255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Ngày 14/3/1988, với người lính Gạc Ma, chúng tôi làm sao có thể quên được", cựu binh Lê Minh Thoa bồi hồi.

Trong căn nhà nhỏ ở đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cựu binh Lê Văn Thoa (56 tuổi - tên thường gọi là Lê Minh Thoa, một trong 9 chiến sĩ hải quân sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma 1988) tận dụng khoảng không gian chật hẹp ở tầng dưới để bán phở mưu sinh hàng chục năm qua.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 1
Cựu binh Lê Minh Thoa hàng ngày mưu sinh với quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa (Ảnh: Doãn Công).

Quán phở với cái tên đặc biệt "Gạc Ma - Trường Sa", như để nhắc nhớ ông về trận chiến bi hùng mà 64 đồng đội của ông đã ngã xuống, những người may mắn sống sót trở về cũng mang thương tích đầy mình.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 2
Tấm bảng hiệu phở Gạc Ma - Trường Sa để tưởng nhớ về những đồng đội đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma (Ảnh: Doãn Công).

"Tên quán Gạc Ma - Trường Sa nhắc nhở tôi phải sống kiên cường, để không hổ thẹn với những đồng đội đã ngã xuống. Và tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc", ông Thoa nói.

Cựu binh Lê Minh Thoa kể lại là một trong 9 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam may mắn còn sống sót sau trận chiến Gạc Ma - Trường Sa (14/3/1988), ông cùng 8 đồng đội bị phía Trung Quốc giam giữ hơn 3 năm mới được trao trả về nước.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 3
Bức ảnh kỷ niệm cùng đồng đội ở đảo Gạc Ma là một trong những kỷ vật quý giá của cựu binh Lê Minh Thoa (Ảnh: Doãn Công).

Ông Thoa trầm ngâm thuật lại, rạng sáng 14/3, các tàu của quân địch yêu cầu quân ta phải hạ cờ. Trước sự kiên trung của các chiến sĩ hải quân Việt Nam, tàu địch nã đạn tàn khốc, nhấn chìm tàu HQ 604.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 4
Bức họa con tàu lịch sử HQ 604 do chính người con gái cựu binh Lê Minh Thoa vẽ khi nghe cha kể về trận chiến bi hùng (Ảnh: Doãn Công).

Tàu HQ 604 chìm, ông Thoa lúc đó nhờ vớ được 2 quả bí ngô làm phao, cầm cự gần 1 ngày trên biển trước khi bị địch bắt cùng 8 đồng đội sống sót sau trận chiến. Tháng 11/1991, ông Thoa cùng đồng đội mới được trao trả về nước.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 5
Một tấm hình kỷ niệm ông Thoa chụp trong một lần ra đảo Trường Sa Đông (Ảnh: Doãn Công).

"Tôi cùng 8 đồng đội may mắn sống sót trở về là một điều kỳ diệu, vì lúc đó ai cũng nghĩ mình sẽ chết. Thời điểm ấy, đơn vị đã gửi giấy báo tử, cả nhà đau đớn lập bàn thờ tôi rồi. Vậy nên cuộc sống hôm nay dẫu còn chật vật nhưng chẳng là gì so với sự hy sinh xương máu, tính mạng của những đồng đội tôi", ông Thoa trầm ngâm.

Gia đình cựu binh Lê Minh Thoa hiện đang sống cùng cha mẹ. Hai vợ chồng ông Thoa mưu sinh chủ yếu nhờ vào quán phở buổi sáng để nuôi 3 người con ăn học. Hàng ngày, vợ chồng ông thức dậy từ tờ mờ, lụi cụi nấu nồi phở, tất bật phục vụ khách.

Đến nay, quán phở Gạc Ma - Trường Sa trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân, du khách. Ngoài những khách quen thường xuyên, nhiều du khách tới Bình Định cũng tìm đến thưởng thức tô phở của ông chủ quán là cựu binh Gạc Ma.

Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988 - 6
Nhiều khách đến quán thưởng thức tô phở đặc biệt "Gạc Ma - Trường Sa" (Ảnh: Doãn Công).

Những ngày này, như mọi năm, ông Thoa nôn nao thu xếp công việc để vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để dự lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tổ chức ngày 14/3 hàng năm.

Đã 35 năm trôi qua nhưng nỗi nhớ đồng đội không bao giờ nguôi trong lòng người cựu binh. Điều quý giá nhất với ông là còn được gặp đồng đội đã sinh tử có nhau, thắp nén hương thơm tưởng nhớ 64 người đã hy sinh.

Ông và đồng đội vẫn luôn giữ liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. "Chúng tôi luôn dặn dò động viên nhau phải luôn mỉm cười, sống kiên cường, sống sao để không phải hổ thẹn với đồng đội đã mất", ông Thoa bồi hồi.

Theo Dân trí

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức AnhDi nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh
Lá thư cuối cùng của người lính Gạc MaLá thư cuối cùng của người lính Gạc Ma
Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thựcNgôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực