Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực

08:55 | 14/03/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lần về quê ăn Tết năm 1988, anh Hoàng Văn Túy nói rằng, 3 tháng nữa được xuất ngũ sẽ trở về với ba mẹ. Nhưng lời hứa đó không bao giờ thành hiện thực, người lính hải quân đã mãi mãi ra đi.

Người cha già và mâm giỗ đặc biệt

Những ngày tháng 3 này, chúng tôi có dịp về thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), ghé thăm gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Túy (SN 1966) - người lính đã anh dũng hi sinh trong sự kiện Gạc Ma, ngày 14/3/1988.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 1
Năm nào cũng vậy, đến ngày con trai hi sinh, cụ Hoàng Nhỏ lại chuẩn bị một mâm giỗ chung cho các Liệt sĩ Gạc Ma (Ảnh: M.P).

Những ngày này, cụ Hoàng Nhỏ (ba của Liệt sĩ Hoàng Văn Túy) và người thân lại chuẩn bị một mâm cỗ đặc biệt, đặt hướng ra biển để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội đã hi sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Cụ Nhỏ chia sẻ, việc làm giỗ chung cho 64 liệt sĩ Gạc Ma được cụ thực hiện từ năm 2013, đến nay cũng đã gần 10 năm. Mâm giỗ đặc biệt này bao giờ cũng có đủ 64 chiếc bát và 64 đôi đũa.

"Cứ đến ngày giỗ của các con là tui lại soạn mâm cơm với đủ 64 chiếc bát, đôi đũa, hướng về phía biển. Các con đã sống cùng nhau, hi sinh cùng nhau vì biển đảo quê hương, nên ngày giỗ, tui luôn tin các con cũng sẽ cùng nhau về đây, bên mâm cơm này của ba", cụ Nhỏ tâm niệm.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 2
"Các con đã sống cùng nhau, hi sinh cùng nhau vì biển đảo quê hương nên ngày giỗ, tui luôn tin các con cũng sẽ cùng nhau về đây, bên mâm cơm này của ba", cụ Nhỏ tâm niệm (Ảnh M.P).

Những năm trước đây, trong ngày giỗ chung của 64 liệt sĩ Gạc Ma, cụ Nhỏ luôn trực tiếp soạn lễ cúng, tự tay mình xới cơm hay múc từng thìa cháo trắng lần lượt vào 64 chiếc bát rồi hướng về phía biển khấn vái, gọi tên con trai và những đồng đội của con đã hi sinh. Mỗi lần như vậy, nước mắt của người cha già lại rơi.

Năm nay cũng đã ngoài 90, sức khỏe của cụ Nhỏ ngày một yếu, mắt mờ, lưng còng, đi lại khó nhọc, thế nên việc làm giỗ cho các liệt sĩ Gạc Ma do con, cháu của cụ đảm nhiệm.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 3
Cụ Nhỏ luôn dặn dò con cháu phải khắc ghi công lao của các anh hùng, liệt sĩ, khi cụ trăm tuổi, con cháu sẽ tiếp tục thay cụ làm giỗ cho các liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma (Ảnh: M.P).

"Năm nào gia đình tôi cũng soạn một mâm giỗ như vậy để tưởng nhớ về anh trai và đồng đội đã hi sinh. Ba tôi cũng dặn dò, sau này ba trăm tuổi, các con, các cháu cứ tiếp tục thay ba thờ cúng, làm giỗ tri ân các anh", anh Hoàng Văn Vũ, em trai của liệt sĩ Hoàng Văn Túy chia sẻ.

Ngôi mộ gió và lời hứa còn dang dở

Liệt sĩ Hoàng Văn Túy là con trai thứ 4 của cụ Nhỏ. Năm nay, dù đã ngoài 90, sức khỏe yếu, thế nhưng hình ảnh về người con trai kiên trung và lần gặp con cuối cùng trong tâm trí cụ Nhỏ chưa bao giờ phai nhạt.

Gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt với những nếp nhăn của tuổi già, cụ Nhỏ chậm rãi kể, con trai cụ - liệt sĩ Hoàng Văn Túy nhập ngũ năm 1985, trước khi hi sinh, anh có về ăn Tết với gia đình hai ngày.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 4
Mỗi lần nhắc đến con trai, cụ Nhỏ lại rưng rưng nước mắt (Ảnh: Tiến Thành).

Trong chuyến trở về quê hương ngắn ngủi vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thìn (1988), liệt sĩ Túy nói với cụ Nhỏ rằng, chỉ khoảng ba tháng nữa là anh sẽ được ra quân, tới lúc đó sẽ trở về quê hương, lấy vợ, phát triển kinh tế và chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già.

Nào ngờ lần tiễn biệt đó cũng là lần cuối cùng cụ Nhỏ gặp con trai, bởi chưa đầy một tháng sau, liệt sĩ Túy đã anh dũng hi sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong trận Hải chiến Gạc Ma.

"Năm đó, nó về thăm nhà vào hôm 30 Tết, đón giao thừa xong thì phải quay vào đơn vị luôn. Lúc ra đi, Túy còn dặn tui đừng lo lắng, ở nhà phải giữ gìn sức khỏe, ít tháng nữa được ra quân nó sẽ về. Ngờ đâu, đó là lần cuối cùng ba con gặp nhau. Con tui đã hi sinh ở Trường Sa. Mất con ai cũng đau cả, nhưng tui luôn tự hào, khi nó đã hi sinh xương máu của mình cho Tổ quốc", cụ Nhỏ rưng rưng nước mắt.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 5
Liệt sĩ Hoàng Văn Túy, người lính hải quân kiên trung đã hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 (Ảnh: Tiến Thành).

Hiện nay, cụ Nhỏ đang ở cùng với con trai út là anh Hoàng Văn Vũ, cũng là người chăm lo hương khói, thờ tự liệt sĩ Hoàng Văn Túy. Theo anh Vũ, vì không thể đưa thi hài anh trai về với đất mẹ nên vào năm 2002, gia đình và chính quyền địa phương đã lập một ngôi mộ gió cho liệt sĩ Hoàng Văn Túy tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Ninh.

"Ngày nhận tin anh hi sinh, ba tôi như chết lặng, ông luôn mong thông tin đó có sự nhầm lẫn, một thời gian sau ông mới chấp nhận sự thật là anh đã mãi mãi ra đi. 34 năm trôi qua, điều khiến ba tôi và gia đình day dứt nhất vẫn là thi hài anh mãi nằm lại ở biển khơi, không thể trở về với đất mẹ", anh Vũ tâm sự.

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực - 6
Ngôi mộ gió của liệt sĩ Hoàng Văn Túy tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Ảnh: H.T).

Còn với người dân thôn Tân Định nói riêng và xã Hải Ninh nói chung, suốt nhiều năm qua, họ đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ Nhỏ, chiều nào cũng một mình lặng lẽ đi ra bờ biển đầu làng, đôi mắt ngấn lệ nhìn thẳng ra phía biển khơi. Nơi đó có đứa con kiên trung của cụ đã mãi mãi nằm lại cùng lời hứa trở về không thành hiện thực...

Theo Dân trí

Trận hải chiến và hơn 1.000 ngày tù đày trong ký ức người lính Gạc MaTrận hải chiến và hơn 1.000 ngày tù đày trong ký ức người lính Gạc Ma
Những người giữ biểnNhững người giữ biển
Ngày giỗ đặc biệt sau hơn 30 năm của Liệt sĩ Gạc MaNgày giỗ đặc biệt sau hơn 30 năm của Liệt sĩ Gạc Ma
Người dầu khí và hành trình tri ân những liệt sĩ Gạc MaNgười dầu khí và hành trình tri ân những liệt sĩ Gạc Ma
Xúc động chuyện thầy giáo đi tìm di ảnh chiến sĩ Gạc MaXúc động chuyện thầy giáo đi tìm di ảnh chiến sĩ Gạc Ma