Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988

10:48 | 13/03/2023

553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Phan Xuân Dạch có hơn 10 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa. Với ông, chiến dịch CQ 88, sự kiện trên đảo đá Gạc Ma mãi là ký ức không bao giờ quên.

Trường Sa và những ký ức không quên

Trung tá Phan Xuân Dạch (SN 1943), nguyên là Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, nguyên Chính ủy Trung đoàn Công binh 83 Hải quân - 2 đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Quần đảo Trường Sa.

Sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, ông Dạch nhập ngũ năm 1964 và công tác, chiến đấu, học tập ở nhiều đơn vị trong quân đội. Cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cùng đồng đội lập nên bao chiến công oai hùng, đặc biệt, là quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với Quần đảo Trường Sa (1981 - 1992).

"Lính Trường Sa ngày ấy rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ, nhất là nước sạch, rau xanh, không có thông tin liên lạc. Một năm chỉ có 2 tháng biển lặng để tàu có thể tiếp tế. Có thời điểm vì không có rau xanh, chiến sỹ thiếu chất mà phải ăn cơm chan B1 để đảm bảo sức khỏe", ông Dạch cho biết.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 1
Trung tá Phan Xuân Dạch, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, nguyên Chính ủy Trung đoàn Công binh 83 Hải quân.

Bên cạnh là một người chỉ huy của lực lượng Hải quân, ông Dạch còn kiêm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Trên cương vị là Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, ông Dạch là người biết rất rõ về chiến dịch CQ 88 và cả sự kiện trên đảo đá Gạc Ma năm 1988.

"Giữa năm 1986, Trung Quốc đưa tàu đến gần các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày một nhiều hơn. Để giữ vững chủ quyền, bên cạnh các đảo đã giải phóng, các lực lượng Hải quân tiếp tục triển khai lực lượng đóng giữ trên nhiều đảo như: Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông, Đá Lớn, Tiên Nữ, Tốc Tan, Núi Le", ông Dạch kể.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 2
Tàu HQ 604 (Ảnh tư liệu).

Vào đầu tháng 3/1988, thực hiện chỉ thị từ cấp trên, lực lượng Hải quân Việt Nam tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng và đóng giữ các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.

Thời điểm này, ông Dạch được cấp trên giao nhiệm vụ lên tàu ra Quần đảo Trường Sa kiểm tra, động viên tinh thần các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ đảo, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Cùng đợt còn có biên đội 3 tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 tiến ra Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.

Vào chiều 13/4/1988, mặc dù bị tàu địch ngăn cản, tuy nhiên cán bộ chiến sỹ trên tàu HQ 604 và HQ 505 đã nâng cao tinh thần cảnh giác, bình tĩnh, khôn khéo xử lý để tiếp cận Gạc Ma và Cô Lin, cắm cờ thể hiện chủ quyền, cũng như chuyển vật liệu lên xây dựng đảo.

Rạng sáng 14/3/1988, tàu HQ 605 cũng đã thả neo, cử cán bộ chiến sỹ lên cắm cờ trên đảo Len Đao.

Bị tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích, uy hiếp, bộ đội ta vẫn không hề nao núng, kiên quyết bám các bãi đá. 6h ngày 14/3/1988, phía địch đã thả 3 xuồng chở quân đổ bộ lên Gạc Ma, dựa vào thế đông người, tiến đến hòng giật cờ của ta.

Trước sự quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ Tổ Quốc của các cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, quân địch đã nổ súng vào Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Đảo trưởng.

Gần một giờ sau, không khuất phục được ý chí kiên cường của bộ đội ta, đối phương đã dùng súng bắn xối xả vào các cán bộ, chiến sỹ trên đảo rồi ra xuồng rút về tàu. Tiếp đó, chúng dùng hỏa lực mạnh bắn vào tàu HQ 604 khiến tàu hư hỏng và chìm xuống biển.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 3
Cựu binh Gạc Ma trong một lần thắp hương tưởng niệm, thả hoa đăng tri ân 64 liệt sỹ đã ngã xuống vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Khi thấy tàu HQ 604 bị bắn phá, 2 tàu còn lại là HQ 505 và HQ 605 đã nhanh chóng nổ máy lao thẳng lên bãi Cô Lin và Len Đao, kiên quyết giữ đảo. Thấy vậy, các tàu địch đã nổ súng bắn phá khiến các tàu của ta bị hư hỏng nặng. Sự kiện xảy ra tại Gạc Ma, đã có 64 cán bộ chiến sỹ của ta anh dũng hy sinh.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng với người lính kiên trung

Trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, thời điểm xảy ra trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, ông Dạch cũng có mặt ở Trường Sa và thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác.

"Khi tàu chúng tôi đang ở Sinh Tồn Lớn, cách Gạc Ma khoảng 20km thì tôi nghe tiếng súng, ai cũng lo lắng cho các đồng đội đang ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Sau đó thì nắm được thông tin phía Trung Quốc bắn phá tàu và giết hại nhiều chiến sỹ trên tàu HQ 604, bắn hư hỏng, chìm tàu HQ 605, HQ 505", ông nhớ lại.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 4
Ông Dạch có hơn 10 năm gắn bó với Quần đảo Trường Sa, với ông, Trường Sa là quê hương thứ 2.

Sau khi các tàu của ta bị bắn phá, ông Dạch nhận chỉ thị từ cấp trên, khẩn trương chỉ huy tàu tiến về đảo Tiên Nữ, đề phòng phía Trung Quốc có thể chiếm đảo. Trong tình huống bắt buộc, sẽ cho tàu ủi lên đảo để khẳng định chủ quyền. Bởi Tiên Nữ là đảo xa đất liền Việt Nam nhất, là đảo tiền tiêu thuộc Quần đảo Trường Sa.

"Chúng tôi neo gần đảo Tiên Nữ thì có 2 tàu Trung Quốc xuất hiện, khoảng cách chỉ khoảng 1km. Tôi động viên anh em sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đảo đến cùng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi thấy tàu mình xuất hiện và đã có nhà chòi trên đảo thì rời đi", ông Dạch chia sẻ.

Chiếc tàu của ông Dạch và đồng đội sau đó gặp thời tiết xấu, mắc cạn ở đảo Tiên Nữ, được tàu Liên Xô hỗ trợ, lai dắt về đất liền.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 5
Cựu binh Gạc Ma bên mộ Liệt sỹ Trần Văn Phương.

Trong số những người lính, đồng đội của ông Dạch đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma, có 13 người là đồng hương Quảng Bình. Trong đó có Thiếu úy Trần Văn Phương, người trước lúc hy sinh vẫn giữ chặt lá cờ Tổ Quốc và hô lớn: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ Quốc và truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Trước khi lên đường ra Gạc Ma, Thiếu úy Phương cũng tìm gặp để chào người thủ trưởng Phan Xuân Dạch. Nào ngờ đó là lần cuối cùng mà vị Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân gặp gỡ người lính, người đồng hương mà ông luôn quý mến.

"Sau khi tập trung để giao nhiệm vụ ra Trường Sa, Phương đã đến gặp tôi chào để lên đường. Tôi cũng đã động viên, dặn dò cậu ấy cố gắng vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn hẹn sẽ gặp lại ở Trường Sa, nào ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng", ông Dạch đượm buồn.

Năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Dạch vẫn khỏe mạnh, với tác phong nhanh nhẹn của con nhà binh. Ông hiện là Trưởng ban liên lạc truyền thống Hội cựu chiến binh Trường Sa tại Quảng Bình.

Gạc Ma trong ký ức vị Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Hải quân năm 1988 - 6
Ông Dạch và đồng đội hàn huyên, ôn lại kỷ niệm về Trường Sa.

Ông Dạch và những người lính Trường Sa ngày ấy vẫn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu, ôn lại quá khứ hào hùng một thời và đặc biệt hơn là để tưởng nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 đã lùi vào quá khứ, nhưng mãi là vết hằn đau thương nhắc nhớ thế hệ trẻ rằng "Tổ Quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ Quốc". 64 cán bộ chiến sỹ dũng cảm chiến đấu và hóa thành bất tử, các anh đã hy sinh cho Tổ Quốc trường tồn.

Theo Dân trí

Ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thựcNgôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma và lời hứa mãi mãi không thành hiện thực
Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức AnhDi nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh
Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988Cựu binh Gạc Ma từng nhận giấy báo tử không thể quên ngày 14/3/1988