Ngày giỗ đặc biệt sau hơn 30 năm của Liệt sĩ Gạc Ma
Hơn 30 năm đi tìm di ảnh
Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi đã có dịp về xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, đến thăm gia đình Liệt sĩ Trần Quốc Trị (SN 1966), người con anh dũng của quê hương Quảng Bình đã hy sinh trong sự kiện hải chiến Gạc Ma năm 1988 và được lắng nghe câu chuyện về hành trình hơn 30 năm đi tìm di ảnh cho anh.
Thôn 4 xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, quê hương của Liệt sĩ Trần Quốc Trị. |
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Trần Quốc Tuấn (SN 1954), anh trai của Liệt sĩ Trần Quốc Trị cho biết, em trai ông là một người hiền lành, siêng năng. Năm 1986, khi tuổi đời vừa tròn 20, theo tiếng gọi của tổ quốc, chàng trai Trần Quốc Trị đã lên đường nhập ngũ.
Và rồi 2 năm sau đó, vào ngày 14/3/1988, trong lúc làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma, anh Trị cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh ngã xuống khi tuổi xuân còn phơi phới, để lại nỗi buồn cho bạn bè và người thân, đặc biệt là người mẹ của mình.
"Lúc nhập ngũ, chú Trị đã có người thương rồi, chú ấy có ý định khi ra quân sẽ về xin dạm ngõ, lấy người con gái chú ấy thương. Thế nhưng chú ấy và đồng đội đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma. Lúc nhận giấy báo tử, mẹ tôi đã khóc rất nhiều, bà buồn bã, sầu muộn mà đổ bệnh. Cách đây 3 năm mẹ tôi cũng đã mất", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Thanh Bình, người anh thứ 2 của Liệt sĩ Trần Quốc Trị cũng lập bàn thờ em trai tại nhà, tuy nhiên hơn 30 năm không có di ảnh. |
Ông Tuấn cũng cho biết, ngày Liệt sĩ Trần Quốc Trị hy sinh, gia đình không thể tìm thấy một bức ảnh nào để đặt lên bàn thờ. Nhiều năm sau đó, gia đình Liệt sĩ Trị cũng đã gõ cửa nhờ nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân giúp đỡ với hy vọng có được một tấm di ảnh, tuy nhiên hơn 30 năm kể từ ngày Liệt sĩ Trị hy sinh, niềm hy vọng đó vẫn không thể trở thành hiện thực.
Ngày giỗ đặc biệt của liệt sĩ Gạc Ma
Tưởng chừng việc tìm di ảnh cho Liệt sĩ Trần Quốc Trị đi vào ngõ cụt thì bất ngờ đã đến với gia đình ông Tuấn khi vào cuối năm 2020, khi PGS.TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực 3 đến thăm và đưa ra một tấm ảnh. Vừa ngắm nhìn bức ảnh, ông Tuấn đã vỡ òa khi nhận ra ngay trong ảnh chính người em trai út của mình, Liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Hành trình đi tìm di ảnh cho Liệt sĩ Trần Quốc Trị là một câu chuyện nhiều cảm xúc của PGS.TS Ngô Văn Minh. Năm 2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, ông đã đến thăm khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm.
Ở đây, ông đã chứng kiến 63 liệt sĩ đều có di ảnh, riêng Liệt sĩ Trần Quốc Trị chỉ là một ô trống. Phía Ban Quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma dù đã tìm nhiều cách nhưng rất tiếc vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của Liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Điều này đã khiến PGS.TS Ngô Văn Minh day dứt, không yên, khi trở về, ông đã quyết định bắt đầu hành trình "Tìm ảnh cho anh" suốt chiều dài các tỉnh miền Trung. Ông đã chia sẻ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối với nhiều người để cùng tìm kiếm di ảnh Liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Đến ngày 1/10/2020, PGS.TS Ngô Văn Minh đã đến được địa chỉ cần tìm đó là kho lưu trữ tàng thư căn cước công dân, thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình.
Tại đây, bức ảnh chân dung quý giá của Liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được tìm thấy trong niềm vui vỡ òa của PGS.TS Ngô Văn Minh và cả những cán bộ công an đã hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Bức di ảnh của Liệt sĩ Trần Quốc Trị. |
"Hình ảnh của Trị luôn nằm trong tâm trí tôi, khi nhận bức ảnh, tôi đã không kìm nổi cảm xúc mà bật khóc. Điều mong ước của mẹ tôi và cả gia đình cuối cùng đã trở thành hiện thực, chỉ tiếc là mẹ không còn được nhìn thấy di ảnh của Trị, di ảnh như là em đã trở về", ông Tuấn xúc động nhớ lại.
Sau hơn 30 năm mỏi mòn chờ đợi và không ngừng tìm kiếm, bức di ảnh của Liệt sĩ Trần Quốc Trị đã trở về với gia đình. Bàn thờ Liệt sĩ Trần Quốc Trị tại ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà đã đầy đủ, trọn vẹn hơn khi có bức di ảnh của anh.
Ông Tuấn cầm trong tay bức di ảnh quý giá của người em út, Liệt sĩ Trần Quốc Trị. |
Vào ngày 10/3 (ngày 27/1) âm lịch vừa qua, những người anh trai của Liệt sĩ Trần Quốc Trị cũng đã tổ chức làm giỗ của người em út trung kiên. Sau 33 năm, đây là cái giỗ đặc biệt nhất đối với gia đình Liệt sĩ Trị, đặc biệt bởi lẽ bàn thờ của anh đã đầy đủ, trọn vẹn hơn khi có tấm di ảnh. Đây là niềm mong mỏi bao nhiêu năm qua của những người anh trai cũng như người mẹ đã khuất của Liệt sĩ Trị.
Ông Bình tự hào khi kể về người em trai út của mình. |
"Từ trước đến nay, vì không có ảnh nên chúng tôi đành để Bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ của Trị để thay thế. Mỗi lần thắp hương cho em, hay đến ngày giỗ là tôi lại chạnh lòng. Cũng rất may, sau bao nhiều năm, chúng tôi đã có tìm thấy di ảnh em, có di ảnh, chúng tôi như được đón em trở về.
Vừa rồi, vào ngày giỗ của Trị, người trong nhà đều xúc động và cảm thấy ấm lòng vì mong mỏi bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Chúng tôi cũng đã nói về tấm ảnh, kể cho các con, các cháu nghe về Gạc Ma, về sự hy sinh anh dũng của người chú, người ông Trần Quốc Trị và những người đồng đội", ông Bình tâm sự.
Được biết, ngoài việc đưa di ảnh của Liệt sĩ Trần Quốc Trị về với gia đình, PGS.TS Ngô Văn Minh cũng mang một bức ảnh của Liệt sĩ Trị vào Khánh Hòa để bàn giao cho Ban quản lý Khu tưởng niệm Gạc Ma, bổ sung vào phần ảnh còn thiếu của Liệt sĩ Trị tại nhà trưng bày.
Theo Dân trí
-
Sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ, nhiều người và phương tiện rơi xuống sông
-
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 1 Hải quân sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3
-
Thủ tướng kiểm tra, động viên công tác khắc phục hậu quả bão tại Hải Phòng
-
Dạy tốt, học tốt bên bờ sóng Trường Sa
-
Thủ tướng đi thị sát, động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh