Thái Lan: Đâu là lối thoát?

09:44 | 13/02/2014

2,743 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phong trào biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu chống lại chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên đến đỉnh điểm nhưng sẽ không thể lật đổ được bà Yingluck trên đường phố. Tuy nhiên, giờ đây ngày càng thấy rõ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay không có dấu hiệu chấm dứt và cũng không có bất kỳ cơ hội nào cho việc nối lại quan hệ giữa các phe phái đối địch vào một thời điểm khi mà Thái Lan cần có một chính phủ hòa hợp để duy trì vị thế là một trung tâm đầu tư quan trọng hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Thật vậy, các cuộc biểu tình có đông người tham gia nhất là vào thời điểm tháng 11 và 12 năm 2013. Mục tiêu đã được tuyên bố của ông Suthep về việc đánh bật các lực lượng chính trị và gia đình của Thủ tướng Thái Lan bị phế truất Thaksin Shinawatra ra khỏi chính phủ và thậm chí là ra khỏi Thái Lan gần như đã thất bại hoàn toàn.

thai-9952-1392201095.jpg

Một cử tri Thái bức xúc khi điểm bỏ phiếu buộc phải đóng cửa do cản trở từ phía người biểu tình chống chính phủ. (Ảnh: AFP).

Sự xuất hiện của Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-Ocha, và các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao khác tại địa điểm bầu cử Quốc hội Thái Lan được coi là một dấu hiệu quan trọng cho thấy rằng quân đội Thái Lan không muốn lên nắm quyền. Các hoạt động biểu tình đang được củng cố tại công viên Lumpini ở trung tâm thủ đô Bangkok là một dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm số cuộc biểu tình cũng như số lượng người biểu tình.

Thực tế, vụ bất ổn hiện nay không có dấu hiệu kết thúc cho thấy mối nguy hiểm đáng kể mà đất nước Thái Lan vẫn đang phải đối mặt. Bị các cử tri bác bỏ trong các cuộc bỏ phiếu trong 15 năm trước hoặc một khoảng thời gian tương tự, đảng Dân chủ đối lập giờ đây hy vọng đưa mọi chuyện ra tòa án, nơi trong quá khứ đã trao cho đảng này một loạt phán quyết có lợi.

Vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay là một cuộc điều tra được thủ lĩnh đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva đưa ra trước Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan đối với Thủ tướng Yingluck, trong đó cáo buộc bà Yingluck thiếu trách nhiệm đối với chương trình trợ giá gạo đầy tranh cãi của Chính phủ Thái Lan, một chương trình giờ đây dường như đã bị thất bại.

Đây là một âm mưu nguy hiểm có nguy cơ gây ra nội chiến ở Thái Lan. Việc đảng cầm quyền giành chiến thắng thêm một cuộc bầu cử nữa, mặc dù với một tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn cuộc bầu cử năm 2011 mà đảng Vì nước Thái của Thủ tướng Yingluck đã đánh bại đảng Dân chủ, thì người dân nông thôn ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan có thể bùng nổ sự giận dữ nếu như tòa án phế truất bà Yingluck.

Ngay cả khi cuộc bỏ phiếu diễn ra khá yên ổn ngoại trừ 5 điểm bỏ phiếu ở các quận của thủ đô Bangkok và một số tỉnh ở miền Nam, nhiều người trong số những người ủng hộ đảng Dân chủ vẫn nói rằng phong trào Áo Đỏ ủng hộ chính phủ và các đồng minh của họ không có sự hiểu biết thực sự về dân chủ và đã bị lừa bịp để bỏ phiếu cho chế độ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.

Một doanh nhân phương Tây có thời gian dài sống tại Thái Lan cho rằng nếu như Thaksin và gia đình ông ta "cuốn gói" và biến mất vào các trung tâm mua sắm ở Dubai, thì khi đó sự hỗn loạn sẽ giảm dần - giới thượng lưu truyền thống và những người miền Nam có thể kiểm soát trở lại, và phần lớn của Thái Lan sẽ chỉ có những ký ức về cựu anh hùng của họ. Đó là một suy nghĩ đầy thèm muốn. Không có các cuộc mưu sát, điều đó chưa chắc xảy ra. Đây là điều mà nhiều người biểu tình và các nhà lãnh đạo của họ từ chối công nhận. Một người nào đó có thể nói điều mà người đó thích ở Thaksin, nhưng ông ta sẽ không bỏ đi. Ông ta phải đạt được thỏa thuận thông qua việc đề nghị một thỏa thuận tốt hơn và một ứng cử viên thay thế hấp dẫn hơn. Mỗi cuộc đảo chính, quân sự và tư pháp, mỗi cuộc biểu tình lớn được tổ chức bởi lực lượng này, đã phớt lờ thực tế này, và do đó càng chọc giận hơn nữa đa số người dân và gây ra một sự phản ứng, cho dù là trong các cuộc bỏ phiếu hay là trên đường phố.

Dường như ít có khả năng rằng phe đối lập Thái Lan sẽ đưa ra một thỏa thuận tốt hơn - và đảng Vì Nước Thái cũng sẽ không bỏ rơi Thaksin. Cho dù đảng Vì Nước Thái có giành chiến thắng trong cuộc chiến nay hay không, thì cũng có ít hy vọng giành chiến thắng trong một cuộc chiến mở rộng hơn – một đất nước đoàn kết. Ở giai đoạn này, cả Thaksin và người em gái Yingluck cũng như đảng Dân chủ đều không đại diện cho tương lai. Dường như cũng không có bất kỳ cơ hội nào cho một lực lượng chính trị thứ ba xuất hiện.

Trong khi đó, các nhóm lợi ích lâu năm ở Bangkok, trong đó có một số ngân hàng lớn nhất của Thái Lan, các công ty bất động sản và các nhóm lợi ích thương mại, có vẻ như sẵn sàng hy sinh vị thế của Thái Lan là một trung tâm công nghiệp và thương mại của khu vực Đông Nam Á.

Vào ngày 10/1 vừa qua, Phòng Thương mại Nhật Bản nói rằng đất nước Thái Lan đang ở bên bờ vực đánh mất sự tín nhiệm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vào một thời điểm khi mà các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Malaysia, Philippines và Indonesia đang vươn lên. Ông Kyoichi Tanada, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Toyota Thái Lan, hôm 20/1 vừa qua đã nói rằng doanh nghiệp này vẫn chưa xác định chắc chắn thời gian biểu cho kế hoạch phát triển của họ.

Theo nhà nghiên cứu Pavin Chachavalpongun thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), tương lai chính trị Thái Lan vẫn đầy rẫy bất ổn sau cuộc bầu cử bị gián đoạn hôm 2/2 vừa qua. Những người biểu tình chống chính phủ, do cựu nghị sĩ quốc hội thuộc đảng Dân chủ đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu, đã phong tỏa và đóng cửa một số điểm bỏ phiếu. Đêm trước bầu cử cũng chứng kiến người biểu tình và các nhóm ủng hộ bầu cử đấu súng, khiến nó trở thành cuộc bầu cử đẫm máu nhất tại Thái Lan.

Do cuộc bầu cử bị gián đoán, bà Yingluck Shinawatra có thể trở thành thủ tướng tạm quyền trong nhiều tháng. Một loạt cuộc bầu cử bổ sung sẽ được tổ chức và kiểm phiếu. Tuy nhiên, việc chậm trễ công bố kết quả sẽ khiến chính phủ của bà tiếp tục nắm quyền, làm gia tăng nguy cơ biểu tình căng thẳng. Dường như các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục kéo dài, với mục đích tạo ra một tình thế không thể kiểm soát buộc giới tư pháp hoặc quân đội phải can thiệp.

Bề ngoài, cuộc khủng hoảng tại Thái Lan được mô tả thuần túy là sự bất mãn của Bangkok với cái gọi là “chế độ Thaksin”, bị cáo buộc đã làm vẩn đục Thái Lan với nạn tham nhũng sâu sắc. Anh trai của bà Yingluck đã bị lật đổ khỏi cương vị Thủ tướng trong cuộc đảo chính năm 2006 do chính phủ của ông bị cáo buộc nuôi mầm tham nhũng và bất kính với Hoàng gia. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã không thể loại bỏ Thaksin khỏi chính trường Thái Lan, khi khai sinh phong trào Áo Đỏ và sự ủng hộ mạnh mẽ với nhánh chính trị Thaksin.

Tuy nhiên, luận điệu chống tham nhũng - vốn trở thành nguồn gốc chính về tính hợp pháp của họ, lại không làm nổi lên được vấn đề rằng liệu Thaksin có phải là kiểu chính trị gia tham nhũng tồi tệ nhất trong lịch sử Thái Lan hay không.

Quả thực những công bố gần đây cho thấy đảng Dân chủ cũng không hoàn toàn trong sạch. Chẳng hạn như bản thân ông Suthep cũng dính líu tới vô số vụ án tham nhũng trong nhiều năm. Vậy tại sao phải nhấn mạnh đến vấn đề này? Lý do là bởi nếu quá tập trung vào Thaksin và sự tham nhũng của ông sẽ có thể khiến người ta nhầm tưởng rằng đây là nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng Thái Lan.

Quan sát kĩ hơn cho thấy khả năng cạnh tranh kém hơn trong cuộc chơi chính trị bầu cử có thể là nguyên nhân thúc đẩy đảng Dân chủ tìm cách hạ bệ Chính quyền Yingluck. Lần cuối cùng đảng này giành được chiến thắng bầu cử áp đảo là vào năm 1992. Trong khi đó, Thaksin và những người nhận ủy thác chính trị của ông đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử diễn ra từ năm 2001, và có thể một lần nữa đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 2/2.

Đảng Dân chủ cũng thường tìm kiếm đường tắt dẫn họ đến quyền lực. Chẳng hạn như thỏa thuận kín do quân đội làm trung gian đã giúp họ có thể thành lập một chính phủ thiểu số hồi cuối năm 2008. Các thành viên của nhóm quyền lực cũ, từ quân đội, hoàng tộc đến các doanh nhân quyền lực và quan chức cấp cao, ít nhiều đều ủng hộ đảng Dân chủ và các cuộc biểu tình chống chính phủ bởi họ muốn bảo vệ lợi ích quyền lực cá nhân của mình.

Hiện đảng Dân chủ đã cam kết khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử về những sai phạm, hi vọng Tòa án Hiến pháp sẽ can thiệp và hủy bỏ bầu cử.

Trong khi đó, các cơ quan bị chính trị hóa như Ủy ban chống tham nhũng có thể trở thành công cụ quan trọng để hủy hoại chính phủ tạm quyền. Hiện cơ quan này đang điều tra cơ chế trợ giá gạo, vốn bị cáo buộc bị nạn tham nhũng hoành hành. Thậm chí ngay cả khi Ủy ban Bầu cử có thể tổ chức bỏ phiếu tại đủ số khu vực bầu cử còn lại nhằm đảm bảo số lượng nghị sĩ cần thiết, và nếu bà Yingluck tái đắc cử thủ tướng, không có gì đảm bảo rằng chính phủ của bà sẽ tồn tại trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các lực lượng chống chính phủ có thể kích động bạo lực đến điểm hoàn toàn mất kiểm soát, với hi vọng xảy ra đảo chính quân sự. Trong trường hợp này, một chính phủ mới sẽ được dựng lên bất chấp việc thiếu tính hợp pháp và sức nặng pháp lý. Trong bối cảnh tâm lý bất an về quá trình truyền ngôi vua là yếu tố thực sự đằng sau sự bất ổn chính trị hiện nay, người Thái nên thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng sẽ không sớm được giải quyết. Có thể mất vài năm trước khi lãnh đạo tất cả các phe phái chính trị chia rẽ hiện nay có thể nhất trí về một sự đồng thuận chính trị mới. Điều này cũng phụ thuộc vào việc hoàng gia mới làm thế nào để tái định hình bối cảnh chính trị tại Thái Lan. Họ có thể giúp kết thúc nhiều năm bất ổn chính trị lâu nay, hoặc làm nó trầm trọng hơn.

Nhưng bất ổn đang diễn ra có thể làm mất đi những lợi thế địa chính trị mà Thái Lan đang có. Quốc gia này đã chứng tỏ khả năng mạnh mẽ trong việc hạn chế những bất ổn chính trị tới phát triển kinh tế và tới nay vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi tình trạng bất ổn này kéo dài trong bối cảnh đang xuất hiện những thay đổi mới, thuận lợi cho khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có thể không tranh thủ được thời cơ này.

Bất ổn chính trị tại Thái Lan cũng gây ra nỗi nghi ngờ về cam kết của Thái Lan đối với một số dự án hạ tầng và đầu tư quan trọng trong khu vực vào thời điểm mà một số quốc gia láng giềng đang nhấn mạnh sự hội nhập hơn. Là thành viên tích cực của ASEAN, Bangkok tin rằng với sự kết nối khu vực tốt hơn sẽ hỗ trợ tầm nhìn trở thành trung tâm kết nối thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc.

Bất ổn chính trị cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng hưởng lợi của Bangkok từ chiến lược tái cân bằng Đông Nam Á của cả Mỹ và Trung Quốc. Khi Washington mở rộng sự can dự với các đối tác Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, cường quốc này đã mở rộng liên minh với Indonesia, Singapore và Philippines, mở rộng sự hợp tác với Việt Nam và Campuchia. Liên minh chiến lược Mỹ - Thái Lan vẫn khá mạnh nhưng chính sách tái can dự trở lại châu Á của Mỹ vẫn chưa mang lại lợi ích thực sự cho Thái Lan. Bất ổn chính trị cũng nhắc nhở Bắc Kinh rằng cường quốc này phải đánh giá lại các kế hoạch mở rộng xuống Đông Nam Á khi đối tác được lựa chọn như Thái Lan không còn tin cậy.

Ở góc độ khu vực, cũng có những nhân tố chiến lược khác đối với sự bất ổn của Thái Lan. Khi mà cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài, một số quốc gia khu vực có thể được hưởng lợi từ sự bất ổn tại Thái Lan. Nếu Bangkok tiếp tục phải tập trung cho vấn đề nội bộ trong cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát mặc du chính phủ cảnh báo phải bầu cử bổ sung vào đầu tháng 3 để Quốc hội họp vào tháng 4 và Ủy ban Bầu cử phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy nếu không tổ chức bầu cử trong vòng 30 ngày kể từ 2/2/2014.

                                        V.N.A