TBT báo Dân Trí nói về tình trạng vi phạm bản quyền báo chí

17:12 | 22/03/2013

2,572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc, Tổng Biên tập báo Dân Trí, ông Phạm Huy Hoàn đã có bài tham luận về bản quyền báo chí. Chúng tôi xin đăng toàn văn bài tham luận này.

>> Làng báo TP HCM 'góp lửa' cho cuộc chiến bản quyền

Bên “Tây” tôn trọng đồng nghiệp như nào?

Tôi xin nêu 2 trong nhiều trường hợp mà tôi đã trực tiếp giải quyết về báo in và báo điện tử.

Tôi may mắn được làm báo trong 2 thời kỳ: Thời kỳ thịnh vượng của báo in và thời kỳ lên ngôi của báo điện tử.

Trường hợp thứ nhất, vào thời kỳ báo in phát triển: Tôi muốn đề cập tới việc báo nước ngoài tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí Việt Nam như thế nào?

Vào thời gian đầu những năm 90 của thế kỷ 20, thời kỳ Internet chưa phát triển, khi  đó tôi là Tổng Biên tập (TBT) báo Lao Động. Tôi được mời tham gia Hiệp hội nhà báo khối các nước nói tiếng Pháp. Trong quan hệ đồng nghiệp, TBT một tờ báo Pháp muốn được dịch một bài trên Lao Động, đã gửi thư tới báo xin phép được dùng bài đó.

Sau khi được báo Lao Động đồng thuận bằng văn bản do TBT ký chuyển qua Fax, phía đối tác mới cho dịch bài của báo Lao Động để đăng trên báo Pháp. Khi bài viết được xuất bản TBT báo đó còn gửi bài đã dịch kèm thư cám ơn tới báo Lao Động.

Ông Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập báo điện tử Dân Trí

 

Trường hợp  thứ 2, tôi muốn dẫn chứng thêm việc báo Dân Trí vi phạm bản quyền bị phản ứng như thế nào?   

Sự việc diễn ra ở thời kỳ Internet phát triển: Cách đây 1 năm khi phóng viên báo Dân Trí trang tiếng Anh Dtinews lấy lại một tin thời sự của CNN không xin phép.

Chỉ sau 1 ngày TBT báo nhận được thư phát nhanh của Ban Biên tập CNN nêu rõ Dtinews đã vi phạm bản quyền, yêu cầu phải gỡ bỏ ngay khi nhận được thư cảnh báo, nếu không thực hiện TBT sẽ được triệu tập hầu tòa tại Mỹ để giải quyết vụ kiện vi phạm Luật Bản quyền.

Phía CNN còn biên soạn sẵn một bản cam kết bằng tiếng Anh trong đó yêu cầu TBT ký xác nhận lời hứa của mình: Từ nay không sử dụng tin bài của CNN khi chưa được phép. Thư cũng yêu cầu văn bản trả lời phải gửi phát nhanh để CNN nhận được kịp thời.

Tất nhiên, tôi không bao giờ muốn hầu tòa ở Mỹ nên ký ngay cam kết và nhắc phóng viên không bao giờ được sử dụng tin bài của CNN khi chưa được phép của chủ sở hữu.

Hai ví dụ nêu trên khẳng định mỗi tác phẩm báo chí đều có bản quyền và được pháp luật bảo vệ không chỉ theo thông lệ quốc tế, mà cũng là thông lệ của luật pháp Việt Nam từ trước đến nay. Nếu các bên chưa có hỏa thuận trao đổi thông tin thì không bên nào được sử dung tùy tiện mọi tin bài không thuộc sở hữu của mình.

Và chuyện "đạo báo" ở Việt Nam

Cách đây 5 năm, năm 2007 các báo Tuổi Trẻ ,Thanh Niên, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng và Tiền Phong đã ký thỏa thuận về trao đổi và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan đến loại hình báo điện tử. 

Trong bản thỏa thuận này nêu rõ: Yêu cầu các báo điện tử hoặc các trang tin điện tử khác tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí của các báo tham gia thỏa thuận.

Tuy nhiên trong thỏa thuận vẫn bảo vệ quyền độc lập của mỗi báo tham gia có thể ký thỏa thuận tương tự với báo  khác. Vì vậy đến lúc này có 2 báo trong 5 báo nêu trên đã ký thỏa thuận hợp tác thông tin với báo Dân Trí .

Đây là một thỏa thuận có tính tích cực cần được nhân rộng và thực hiện rộng rãi để tránh tệ nạn “cắt-dán” tùy tiện. Việc ký thỏa thuận này sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng ngang nhiên đạo báo, vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ của một số báo điện tử  và các trang tin điện tử .

Trên tinh thần tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí của Dân Trí và các đồng nghiệp  trong nước và nước ngoài, từ 5 năm qua, báo điện tử Dân Trí đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với Tổng biên tập của 56 cơ quan báo đài từ Trung ương đến địa phương và ký hợp đồng mua tin của các hãng tin nước ngoài.

Trong tuần vừa qua, chúng tôi cũng đang tiếp tục nhận được thêm gần 10 văn bản đề nghị từ các đồng nghiệp muốn cùng tham gia với 56 báo đài đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với Dân Trí.

Chúng tôi cho rằng đây là một hoạt đông bình thường trong khuôn khổ của Luật Báo chí và Luật Sở hữu trí tuệ, mỗi báo có thể tìm đến các đối tác có những thông tin thích hợp với tôn chỉ của báo mình để ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin, bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí  trong khuôn khổ của luật pháp hiện hành.

Tránh kẻ xấu lợi dụng

Tại sao chúng ta phải làm ngay việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí?

Nhiều năm qua, một số báo điện tử và cả những trang tin điện tử của các công ty truyền thông không có chức năng hoạt động báo chí (không có TBT) đã ngang nhiên sao chép “cắt–dán” thông tin báo chí từ các báo chính thống lên trang tin của mình để kinh doanh quảng cáo.

Những phát hiện gần đây trên trang tin Petrotimes về việc đạo báo đã chỉ rõ tới việc làm sai trái của nhiều trang tin điện tử và lên án việc làm phi pháp này. Việc đạo báo ngày càng lan rộng đến mức công khai, coi như chuyện đương nhiên họ được phép “sống trên mồ hôi” của hàng trăm nhà báo miệt mài bỏ biết bao công sức cho từng tác phẩm báo chí của mình.

Với các website kiểu này, họ chỉ cần một số ít người hiểu biết công nghệ, dùng mọi tiểu xảo nhanh nhất để sao chép các thông tin mới nhất trên các báo.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí và nhà báo Nguyễn Như Phong - TBT báo Năng lượng Mới, Petrotimes ký hợp tác trao đổi thông tin giữa hai báo.

 

Mục đích cuối cùng của họ là gì?  Họ đã kiếm được nguồn tiền lớn về quảng cáo trên nền tảng nguồn tin bài của các báo, nhưng  lại hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì về tính chính xác của các tin bài đó.

Luật Báo chí quy định tác giả và TBT phải chịu trách nhiệm về từng nội dung tin bài xuất bản trên báo. Nếu bài viết có nội dung sai phạm, nhà báo và TBT có tác phẩm báo chí sai phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Thời gian qua, có nhà báo bị xét xử tại tòa án và bị tuyên án, chịu những hình phạt đã được luật pháp quy định...

Nhưng các báo điện tử sao chép hoặc website của các công ty sao chép các tin bài có sai phạm đó, không những không bị xét xử mà còn kiếm bộn tiền về quảng cáo từ nguồn tin mà báo gốc đã bị xử phạt... Thậm chí, khi báo gốc đã phải xóa bỏ thông tin sai nhưng trên các website sao chép vẫn  tồn tại một cách tùy tiện, vô trách nhiệm.

Trong tuần qua, những ý kiến phân tích của nhiều luật sư, nhiều nhà báo đã khẳng định hiện tượng “sao–chép” tùy tiện các tác phẩm báo chí đang vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bản quyền… Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác kiểm tra, để có biện pháp xử lý những sai phạm để ngăn chặn ngay sức lan tỏa ngày một gia tăng hiện tượng đạo báo tùy tiện của một số báo điện tử và  nhiều trang tin điện tử. 

Một tín hiệu tích cực tôi nhận được khi viết tham luận này là: Giám đốc Công ty Quản lý trang tin điện tử Baomoi.com đã chính thức thông báo ngừng sao chép tin bài của Petrotimes, VNExpress và Dân Trí. Tổng giám đốc Công ty VC Corporation đã có văn bản xác nhận gửi tới tôi, đã phổ biến tới 9 trang tin điện tử của Công ty VC sẽ không trích dẫn, sử dụng tin bài của Dân Trí kể từ ngày 11/3/2013. 

Theo tôi, đây là tín hiệu mở đầu đáng quan tâm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan cấp phép cho các trang tin điện tử hoạt đông trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành. Thanh tra Bộ có thể coi đây là những tấm gương ban đầu rất đáng biểu dương từ các công ty truyền thông nêu trên.

Tôi hy vọng, điểm xuất phát này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Thanh tra Bộ xử lý tất cả các báo điện tử, các trang tin điện tử khác còn đang cố tình sai phạm tự  ý sao chép, khi chưa được đối tác cho phép sử dụng thông tin theo quy định của Luật Báo chí và Luật Sở hữu trí tuệ

Đối với xã hội, báo chí luôn là cơ quan hướng dẫn dư luận trong việc thực thi pháp luật của Nhà nước. Nếu các trang tin điện tử của các công ty truyền thông nêu trên đã gương mẫu tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí, thì hơn bao giờ hết các báo điện tử và các trang tin điện tử khác cũng cần gương mẫu tuân thủ và tôn trọng những quy định của luật pháp, “không sao chép” khi chưa được chủ sở hữu ký văn bản thỏa thuận cho phép.

 

Phạm Huy Hoàn

(Các tiêu đề phụ trong bài viết do Petrotimes tự đặt)