Làng báo TP HCM "góp lửa" cho cuộc chiến bản quyền

15:32 | 21/03/2013

1,046 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng ngày 21/3/2013, tại TP HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Bản quyền báo chí và các vấn đề pháp lý liên quan” do Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TPHCM phối hợp tổ chức.

Đầu năm 2013, cuộc chiến bản quyền báo chí nổ ra mạnh mẽ với sự khởi phát của Báo Năng lượng Mới – Petrotimes và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của một loạt các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tờ báo lớn ở khu vực phía Nam. Buổi tọa đàm được tổ chức như là dịp “những người làm báo ngồi với nhau”, chia sẻ, thảo luận và cùng đưa ra tiếng nói cho vấn đề bản quyền báo chí.

Ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

 

Tham dự hội nghị có ông Phạm Quốc Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền Thông, Hội Nhà báo TP HCM. Cùng với đó là lãnh đạo của nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và TP HCM, đại điện các trang tin điện tử.

Mở đầu hội thảo, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã gọi tình trạng vi phạm bản quyền trên lĩnh vực báo chí là “vấn nạn”. Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đồng thời hoan nghênh Báo Năng lượng Mới – Petrotimes nổ phát súng cho chiến dịch: “Đây không phải là phát súng đầu tiên, nhưng là phát súng mạnh mẽ nhất mở đầu cho phong trào này.”

Phong trào này diễn ra vào đúng dịp hội nghị báo chí toàn quốc nên được kỳ vọng sẽ mang lại hiểu quả không chỉ về mặt dư luận mà còn cả về việc thay đổi các cơ sở pháp lý. “Sau làn sóng Petrotimes tạo ra, anh em báo chí sẽ tạo thêm các làn sóng mới, sau tọa đàm này sẽ có thêm các tọa đàm khác. Làng báo chúng ta sẽ chung sức để công sức lao động của người làm báo chân chính được nhìn nhận xứng đáng” – Nhà báo Phạm Quốc Toàn nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM Huỳnh Dũng Nhân cũng cho rằng: Tình trạng vi phạm bản quyền trong lịch vực báo chí diễn ra quá phổ biến và lâu nay, làng báo gần như sống chung với nó. Đã đến lúc các cơ quan báo chí chí phải lên tiếng và các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc kịp thời, tránh tình trạng mất kiểm soát như lâu nay.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM Huỳnh Dũng Nhân

 

Nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới – Petrotimes, người được xem là châm ngòi cho cuộc chiến bản quyền trên báo điện tử cho rằng: “Đang có một sự “không bình thường” tồn tại ở đây. Nhiều trang mạng sống bằng công nghệ copy-paste, sử dụng công sức của người làm báo theo kiểu “bắc nồi lên lưng người khác nấu cháo”. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chấp nhận”.

Lý giải về “sự im lặng” này, nhà báo Nguyễn Như Phong phân tích: “Chúng ta im lặng vì chúng ta lầm tưởng rằng thiệt hại của việc ăn cắp tin bài là không đáng kể. Rồi trong đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí lại có tâm lý “ngại đụng chạm”, sợ có ai đó “chống lưng” cho những trang web này.”

Công nghệ ăn tin bài của các trang tổng hợp tin vô hình trung đã tạo ra một đội ngũ những người làm báo kiểu Salon, copy-paste mà không chịu đi, không chịu tìm tòi cái hay, cái mới phục vụ độc giả.

“Lỗi ở đây, theo tôi là xuất phát từ chúng ta, từ những người làm báo. Các báo bị ăn cắp, bị móc túi mà không kêu lên, không phản ứng, không kiện ra tòa. Quyền lợi của mình, mình không thiết tha thì có ai có thể thiết tha giúp mình được!”

Tiếp nối phát biểu của nhà báo Nguyễn Như Phong, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus kể câu chuyện về việc một công ty phần mềm tìm đến báo của ông và chào bán đúng sản phẩm chuyên phục vụ cho công nghệ ăn cắp tin bài.

Ông Minh còn viện dẫn nhiều trường hợp các trang tin tổng hợp copy rồi cắt xén tin bài nhưng lại không hiểu vấn đề, gây sức ép với doanh nghiệp “Cơ quan báo chí chính thống thì ít, các trang tin tổng hợp thì ngày càng nhiều, sợ rằng, báo chí chính thống sẽ không đỡ nổi”

Ông Minh mạnh dạn đề xuất: “Theo tôi là các báo cũng không nên liên minh để lấy tin bài của nhau mà nên thành lập liên minh các báo tôn trọng bản quyền, không lấy cắp tin bài của nhau. Còn việc đưa việc vi phạm bản quyền ra tòa, tôi ủng hộ”.

Nhìn ở một góc độ khác, nhà báo Đức Liên của Báo VietNamNet đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước: Các cơ quan quản lý cấp phép cho các trang tin tổng hợp ra đời thì phải quản lý được các trang này. Nhà báo Đức Liên cũng ủng hộ việc khởi kiện những trang tin tổng hợp vi phạm bản quyền.

Buổi tọa đàm không chỉ thu hút các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí mà thu hút cả giới luật sư. Dưới cái nhìn của một chuyên gia tư vấn pháp luật, luật sư Phan Đăng Thanh bày tỏ quan điểm: Đúng là trong xã hội hiện đại, không ai sống được một mình, sự nhờ vả, cộng sinh là bình thường nhưng phải làm sao cho đúng pháp luật. Không nên gọi việc lấy tin bài là “trộm” hay “cướp” mà phải gọi chính xác là “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Ông trăn trở: “Việc trích dẫn tác phẩm của nhau, nếu mang ra kinh doanh, quảng cáo thì đương nhiên phạm luật. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận lại xem pháp luật của chúng ta đang có kẻ hở nào để việc ăn cắp này diễn ra từ lâu và công khai.”

Luật sư Phan Đăng Thanh kiến nghị: “Các cơ quan chức năng ngoài việc xem xét để điều chỉnh luật còn phải thực hiện việc xử phạt như một biện pháp thông thường. Đừng để đợi đến lúc phải lôi nhau ra tòa.”

Miền Nam vốn được xem là “miền đất của báo chí” với nhiều tờ báo lớn, có lượng độc giả đông đảo nên vấn đề bản quyền báo chí luôn được quan tâm. Nhiều tờ báo lớn như Tuổi trẻ, Thanh Niên…. là một trong những cơ quan báo chí lên tiếng mạnh mẽ nhất cùng Năng lượng Mới - Petrotimes trong cuộc chiến đòi lại bản quyền cho các báo điện tử Việt Nam.

Nhà báo Trần Duy, báo Thanh Niên

 

Nhà báo Trần Duy, báo Thanh Niên kiến nghị: Chúng ta không phủ nhận các loại hình báo chí mới để đưa thông tin tốt nhất cho bạn đọc. Tuy nhiên, các báo cũng nên hi sinh một số lợi ích nhỏ của mình để lên tiếng đòi lợi ích cho cả nền báo chí nói chung. Điều này có lợi cho chính sự phát triển của mỗi tờ báo.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng quản lý Xuất bản – Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM nói: “Đúng là bản quyền báo chí, chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Từ thực tế đó, phải rút ra một vấn đề rằng: Quản lý các trang tin điện tử tổng hợp phải quản lý ngay từ khâu cấp phép, phải siết chặt lại, không thể để hiện tượng cấp phép tràn lan như hiện nay”.

Ông Thanh cũng cho rằng: Việc vi phạm về bản quyền xảy ra ở hầu như cả khối các trang thông tin của doanh nghiệp cũng như của các cơ quan truyền thông báo chí. Tuy nhiên, trong khối các trang tin thuộc doanh nghiệp, việc vi phạm diễn ra nhiều và thường xuyên hơn.

Buổi tọa đàm cũng là nơi mà các trang tổng hợp tin được mời tham dự để tìm tiếng nói chung với các cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ EPI, cơ quan chủ quản của website Báo Mới cũng thừa nhận những thiếu sót trong thời gian vừa qua: “Sau khi Petrotimes lên tiếng, chúng tôi nhận lỗi với các cơ quan báo chí. Chúng tôi đã ngay lập tức sửa sai, trả lại lượng truy cập cho tất cả các báo, đồng thời có văn bản xin phép và thỏa thuận lợi nhuận. EPI muốn thay đổi trang Báo Mới trở thành một “siêu thị tin” là một kênh phân phối cho các báo điện tử. Chúng tôi hứa sẽ đi đầu trong việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

 

Thái độ cầu thị của Báo Mới cũng như cách trang tin này sửa sai nhận được sự chấp thuận của nhiều cơ quan báo chí. Đồng thời, làng báo cũng hi vọng đây là đơn vị đi đầu để các trang tổng hợp tin khác học tập trong việc tôn trọng bản quyền báo chí.

Tổng kết buổi tọa đàm, ông Phạm Quốc Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội Nhà báo sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý các trang web vi phạm bản quyền và có những điều chỉnh kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cơ quan báo chí và người làm báo.

Ông cũng kêu gọi các báo của TP HCM và cả nước cùng lên tiếng đòi quyền lợi cho lao động của chính mình, như cách mà lâu nay, các nhà báo vẫn lên tiếng đòi lẽ phải cho công chúng.

 

Hoàng Thắng - Bảo Sơn