Tây Nguyên: Những dòng sông khóc...

07:00 | 08/07/2014

1,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ ở Tây Nguyên các hoạt động khai thác cát trái phép trên các dòng sông lại nhộn nhạo lên như bây giờ. Ngày đêm những con sông phải oằn mình gánh chịu hàng trăm vòi rồng to, nhỏ, tua tủa chĩa xuống tận đáy để hút lên hàng ngàn khối cát. Hệ quả là hàng trăm hécta đất hoa màu của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước mỗi khi lũ về. Bó tay trước việc làm sai trái của con người, những dòng sông đã cuộn ngầu nước đỏ và cất “tiếng khóc” nghẹn ngào cát ơi…!

Tua tủa vòi rồng hút cát

Để phục vụ cho bài viết này, chúng tôi đã vòng đi một chuyến đến các điểm khai thác cát trái phép trên các sông, như: sông Ba, Sê San, A Yun ở Gia Lai; sông Đak Bla, Sa Thầy ở Kon Tum và sông Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk… Trên các con sông trên đều xảy ra nạn đua nhau khai thác cát trái phép. Nhiều bãi cát được các “đầu nậu” hút lên cao từ 5 đến 7m, dài có bãi đến 100m. Hằng ngày có rất nhiều xe ben vội vàng đến lấy cát, rồi cũng vội vàng lao đi trong bụi đỏ mù mịt. Tuy nhiên, để ngăn cản và giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn còn là một “nhiệm vụ” nan giải, khó khăn đối với chính quyền các địa phương.

Nhiều bãi cát được các “đầu nậu” hút lên cao từ 5 đến 7m

Dòng sông Ba ở tỉnh Gia Lai chảy qua địa phận các huyện phía đông như: thị xã An Khê, Kon Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Ayun Pa và Krông Pa... Hằng năm dòng sông này đã bồi đắp một lượng phù sa màu mỡ cho những cánh đồng rộng lớn trồng lúa, ngô, đậu… xanh tốt, bội thu. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép đã làm cho dòng sông này ngày một “nóng” lên. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đến kiểm tra, xử phạt hành chính, cam kết… nhưng chỉ 5, 6 ngày sau mọi chuyện lại tiếp diễn đâu vào đó.

Các hộ dân sinh sống dọc sông Ba tại thị xã An Khê cho biết: Việc khai thác cát ồ ạt với quy mô ngày càng lớn, thường diễn ra trong vòng 15-20 ngày một điểm, rồi chuyển sang điểm khác để tránh cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Nhiều con đường xuống cấp trầm trọng, cát đá vương vãi, dầu mỡ loang đầy, ô nhiễm nguồn nước vì các xe tải, xe ben chở cát quá tải chạy qua.

Có mặt tại sông Ayun, đoạn từ thôn 5 đến UBND xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai) chúng tôi thấy rất nhiều những bãi cát được hút lên nằm sát nhau. Nhiều xe ben xúc cát đầy rồi di chuyển ra hướng Quốc lộ 19. Phía trong bãi vẫn còn mấy cái ống hút cát dài. Một nhóm 5-6 người đang gom cát trên bãi, thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp, họ đã nhanh chóng giải tán và lẩn trốn vào các bụi cây gần đó. Khoảng 2 phút sau, một đối tượng “đầu trọc” từ quán nước ở mép đường bước đến hung tợn: “Bọn bây ở đâu tới? Ai cho chụp ảnh…?”. Để phục vụ cho công việc, nên chúng tôi cũng mềm mỏng “thấy dòng sông đẹp chụp mấy tấm hình kỷ niệm, trong chuyến du lịch”.

Cũng như các địa bàn, các dòng sông ở Gia Lai, tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Krông Ana (đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), diễn ra đã hơn 5 năm nay, nhưng cũng vẫn rất “nóng”. Con sông này hằng ngày cũng phải gánh chịu trên 100 cái vòi rồng hút cát, tiếng động cơ máy, dầu mỡ váng cả dòng sông và cả tiếng la hét tranh giành đất bãi… Ở Kon Tum, đoạn sông Đắk Bla, tiếp giáp với địa phận tỉnh Gia Lai, từ lâu đã là “căn cứ” cung cấp cát cho các công trình xây dựng ở thành phố Pleiku (Gia Lai), thành phố Kon Tum (Kon Tum) và những vùng lân cận. Sông Sa Thầy, sông ở Kon Plông và Kon Rẫy đều trong tình trạng khai thác cát “vượt quá mức” cho phép.

Hậu quả nhỡn tiền

Hệ thống sông ngòi ở Tây Nguyên thường bắt nguồn từ các đỉnh núi cao, độ dốc lớn, nên khi có mưa nước dâng cao và chảy rất mạnh. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho đất đá bị sạt lở, nếu không được bảo vệ tốt và nếu lòng sông bị hút cát như hiện nay. Nhiều dòng sông sau một trận lũ, đất đá hai bên bờ đã bị sạt lở cả một đoạn dài. Như sông Ba đoạn chảy qua Ia Pa, Krông Pa; sông Krông Ana, đoạn chảy qua Krông Bông; sông Đắk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum…

Nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã làm cho đất đá hai bên dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng

Theo điều tra, tại huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) chỉ một cơn bão số 15 (tháng 11/2013), đã có 950ha hoa màu bị ngập và bị sạt lở. Trong đó huyện Krông Pa con số lên đến 800ha; hàng trăm ngôi nhà trước nguy cơ bị sập, do đất bị sạt lở xuống sông. Chính vì vậy, vào mùa mưa lũ, người dân sống bên bờ sông Ba nơm nớp lo sợ.

Già làng Nay Khuông (73 tuổi), ở buôn Hlang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa bảo: “Cứ tình trạng hút cát tự do như thế này, thì chuyện đất ở hai bên dòng sông sạt lở chỗ này, bồi đắp chỗ kia, sau một trận mưa lũ là điều không tránh khỏi. Bà con chúng tôi rất lo lắng vì mùa lũ năm nay đang về, lũ về thì toàn bộ diện tích hoa màu bị ngập úng, đất sản xuất bị nước cuốn trôi. Mùa mưa lũ năm 2013, gần 7 sào đất trồng đậu của gia đình tôi bên mép sông Ba bị trôi hoàn toàn. Tôi đã báo lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Hiện nay tại huyện Krông Pa, có 110 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu nằm trong khu vực bị xói mòn, sạt lở cần được di chuyển đến nơi ở mới. Cũng tâm trạng lo lắng như ông Khuông, anh Trần Văn Bạch ở Ia Pa, không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 1,3ha đất ở ven sông Ba để trồng đậu, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, khi nạn khai thác cát diễn ra ồ ạt trên sông, chỉ qua các đợt mưa lũ từ năm 2009 đến nay, gần như toàn bộ diện tích đất của tôi đã bị cuốn trôi hết”. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sống gần sông, những năm gần đây luôn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn do hậu quả của việc khai thác cát trên.

Trưởng thôn 5 xã Ayun (Mang Yang) Lê Văn Lộc nói: “Từ lâu, khai thác cát đã trở thành một nghề và là cần câu cơm chính của người dân xã Ayun. Trước kia, người dân khai thác thủ công, nay dùng các loại máy cơ giới khai thác. Để tránh cơ quan chức năng kiểm tra, họ khai thác vào ban đêm và thường xuyên di chuyển địa điểm”.

Hiện nay trên địa bàn xã Ayun có đến 12 điểm khai thác cát trái phép, 3 địa điểm có thể cấp phép khai thác cát gồm thôn 5, thôn 3 và làng Bông. Nếu được cấp phép khai thác 3 điểm trên, thì hoạt động khai thác cát ở đây vừa ổn định, vừa tạo việc làm cho người dân, lại vừa tăng nguồn thu ngân sách địa phương và cũng tránh tình trạng gây mất ổn định trật tự xã hội.

Nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã làm cho đất đá hai bên dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương. UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai làm bờ kè hai bên bờ sông Đak Bla đoạn chảy qua địa phận TP Kon Tum mất cả mấy tỷ đồng. Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trái phép, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra và đã xử phạt nhiều cơ sở khai thác trái phép. Ngoài ra, còn tịch thu máy móc phương tiện và bắt tái lập lại hiện trạng ban đầu. Nhưng vì nguồn lợi quá lớn, cán bộ địa phương một số cơ sở đã tiếp tay nên các đầu nậu khai thác vẫn lén lút khai thác.

Đã đến lúc chính quyền các địa phương trên cần có những biện pháp, giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng nơi, từng con sông, từng bản làng; chủ động kiểm tra, rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, bảo đảm đời sống, phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

 

Lê Quang Hồi