Tái cấu trúc ngân hàng: Động thái tích cực

09:14 | 19/12/2011

690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 6/12/2011, lần đầu tiên trong lĩnh vực tín dụng tại Việt Nam có sự hợp nhất ngân hàng sau khi Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tự nguyện hợp nhất.

Cả 3 ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TP HCM, với tổng vốn điều lệ (tính tới cuối tháng 9) là 10.600 tỉ đồng và tổng tài sản 154.000 tỉ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm. Sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả 3 ngân hàng, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, NHNN sẽ cân nhắc tỉ lệ tham gia vốn Nhà nước trong ngân hàng này.

Theo những thông tin chính thức, 3 ngân hàng trên trong 3 quý vừa qua đều không đến nỗi nào, thậm chí còn khởi sắc. Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Sài Gòn, lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng lần lượt là 432,4 tỉ đồng và 400,5 tỉ đồng. Được biết, ngân hàng Đệ Nhất, lợi nhuận trước thuế của 9 tháng là gần 220 tỉ đồng. Giữa tháng 11, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) vừa mua nhà và đã dời trụ sở đến Ficombank Tower, đồng thời đàm phán mua tiếp phần còn lại của tòa nhà 27 tầng này.

Tuy nhiên, các thông tin ngoài lề về thanh khoản ngân hàng lần đầu tiên được một đại diện ngân hàng nhà nước xác nhận. Trong cuộc họp báo ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa BIDV và 3 ngân hàng vừa qua, Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn thừa nhận, tại 3 ngân hàng trên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng, đến nay đã tạm thời ổn thỏa. Theo đó, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, thì các ngân hàng lại cho vay trung và dài hạn. SCB từng cho vay một nhóm 8 doanh nghiệp bất động sản với giá trị cho vay hơn 16.000 tỉ đồng

Theo thông báo, để vượt qua khó khăn về thanh khoản, 3 ngân hàng này tự nguyện hợp nhất thành một ngân hàng mới. Tên gọi của ngân hàng sau hợp nhất sẽ được chọn lựa trước ngày 25/12/2011. Các nghĩa vụ nợ, cũng như các điểm giao dịch của 3 ngân hàng sẽ được chuyển sang tên của ngân hàng mới này. Cũng theo NHNN, sau hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ hơn 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 150.000 tỉ đồng.

Đối với người gửi tiền, Phó thống đốc Trần Minh Tuấn khẳng định, quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. Ông Tuấn cam kết các khoản tiền gửi được đảm bảo và quá trình củng cố hoạt động ngân hàng mới sẽ cần khoảng 3 năm. Trong năm đầu tiên sẽ tập trung xử lý nợ xấu.

Còn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói rằng, BIDV sẽ tham gia toàn diện vào quá trình xử lý 3 ngân hàng theo chỉ đạo, giám sát của NHNN, đảm bảo chi trả tiền gửi của khách hàng, tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn Nhà nước.

Đánh giá về việc hợp nhất 3 ngân hàng, TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh khẳng định: Có 3 thành công mà NHNN đã đạt được. Thời điểm sáp nhập hoàn toàn hợp lý, cách làm hoàn toàn tốt và cuối cùng là khiến cho chỉ số tác động niềm tin của khách hàng vào hệ thống NHTM ngày càng cao. Việc sáp nhập này không hề vội vã, thời cơ và thời điểm chín muồi. Thông điệp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rất kỹ từ trước đó. Việc sáp nhập của NHNN cần được ủng hộ.

Theo các chuyên gia, việc hợp nhất là cần thiết và là động thái tích cực trong việc tái cấu trúc ngân hàng. Tuy nhiên, việc này vẫn được cho là khá cập rập bởi đề án hợp nhất còn chưa xây dựng xong. Có ý kiến vì sao là BIDV mà không là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị được giao đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Lý do được đưa ra cả 3 ngân hàng này đều là con nợ ngân hàng BIDV.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, từ trước đến nay BIDV đã cho 3 ngân hàng này vay tổng cộng 2.400 tỉ đồng trên tổng số tài sản đảm bảo nợ là 30.000 tỉ đồng. Theo đó việc hợp nhất 3 ngân hàng trên tinh thần tự nguyện; và giữa BIDV và 3 ngân hàng tới nay chỉ mới là hoạt động tín dụng thông thường, chưa hề có sự đầu tư hay góp vốn. Do đó, BIDV chưa đặt vấn đề tham gia vào 3 ngân hàng dưới dạng sở hữu hay góp cổ phần. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức từ NHNN, BIDV sẽ đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại 3 ngân hàng này.

Công bố thông tin BIDV chưa đầu tư vào ngân hàng hợp nhất được cho là sẽ không gây ảnh hưởng tới thời điểm ngân hàng này đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) cuối tháng 12 tới. Được biết thời gian qua, BIDV đã liên tiếp có các hoạt động hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Cuối tháng 10, ngân hàng này công bố dành 8.000 tỉ đồng hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu. Chưa đầy nửa tháng sau, BIDV hỗ trợ thanh khoản 5.000 tỉ đồng cho Ficombank, một trong 3 đơn vị tự nguyện hợp nhất.

Trong báo cáo thường niên 2010 của SCB, Tổng giám đốc Vũ Thị Kim Cúc đặt mục tiêu đưa ngân hàng này trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của Việt Nam. Với cổ đông của Ngân hàng SCB, tiền thân từ Ngân hàng Quế Đô, mục tiêu này có được trao cho Ban Lãnh đạo ngân hàng hợp nhất hay không không quan trọng bằng việc thực hiện “sự hoàn thiện vì khách hàng” như bà Đặng Thị Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT SCB đã nhắc tới trong báo cáo thường niên. Bởi khách hàng có hài lòng, lợi ích cổ đông mới bảo đảm.

Sau khi công bố sáp nhập, hoạt động tín dụng của 3 ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí vẫn có nhiều khách hàng đến gửi tiền. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng, đây là tín hiệu tích cực về tăng cường sức mạnh hệ thống ngân hàng. Theo Fitch, động thái này được xem là có liên quan tới kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được tuyên bố gần đây. Các ngân hàng nhỏ ngày nay thường dựa nhiều hơn vào nguồn vốn ngắn hạn nhạy cảm với lãi suất hoặc nguồn vốn liên ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng, điều này làm gia tăng các nguy cơ thanh khoản và Chính phủ nhất thiết phải can thiệp để giải quyết bài toán thanh khoản này.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế cho rằng, xu hướng tăng nguồn vốn mới gần đây của một số ngân hàng cũng như củng cố và sự tham gia của các ngân hàng ngoại sẽ giúp tăng cường sự phòng vệ trước môi trường biến động và nhiều thách thức. Đồng thời, Fitch cũng nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong dài hạn là rất tích cực.

Tại Mỹ việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng là điều rất bình thường. Với họ, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chỉ đem lại điều tốt đẹp giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Mặt khác cũng là để giải cứu cho ngân hàng trước những khó khăn. Chỉ tính trong vòng 3 năm từ 2008 đến 2010, Mỹ đã diễn ra 308 ngân hàng mua bán, sáp nhập.

Bảo Ngân