Tái cấu trúc ngân hàng theo hướng nào?

13:42 | 11/11/2011

390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích khi yêu cầu các ngân hàng mạnh mua lại những ngân hàng yếu. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại, nếu các ngân hàng yếu kém không tự sáp nhập, Nhà nước cần phải có biện pháp cưỡng chế để thị trường tốt hơn”.

Trong cuộc trao đổi với báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được NHNN chuẩn bị xong và trong thời gian tới sẽ trình Chính phủ. Thống đốc Bình cho rằng, trong nền kinh tế luôn vận động, biến đổi, để tồn tại và phát triển, việc tái cấu trúc, tự “lột xác” là rất cần thiết khi bộc lộ những yếu kém, hạn chế. Trên thực tế, tái cấu trúc được đặt ra thường xuyên, do vậy, câu chuyện này không có gì là ghê gớm nhưng khi nền kinh tế trong nước chưa ổn định dẫn đến nhiều ngân hàng gặp khó khăn, bộc lộ rất nhiều hạn chế thì vấn đề tái cấu trúc sẽ cấp thiết hơn. Tuy nhiên, vấn đề được các thành phần trong xã hội quan tâm, đặt ra, cần được xác định là tái cấu trúc ngân hàng sẽ diễn ra như thế nào?

Cũng khẳng định việc tái cấu trúc ngân hàng là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho rằng, trong công thức sáp nhập, không có nghĩa cứ ngân hàng quy mô nhỏ là yếu. Nếu quy mô ngân hàng nhỏ cộng với một quy mô nhỏ có thể sẽ có một ngân hàng mạnh với điều kiện hai quy mô đó chỉ nhỏ chứ không yếu. Còn ngân hàng hoạt động yếu kém (do mất thanh khoản, nợ xấu cao) lại cộng với một ngân hàng tương tự thì có thể cho ra kết quả một ngân hàng yếu hơn và sẽ “ra đi” nhanh hơn. Nhưng “phép cộng” này cũng có thể thành công nếu ngân hàng A yếu ở mặt này, còn ngân hàng B yếu ở mặt kia và họ tránh những điểm yếu của nhau, phát huy được những điểm tốt.

Giao dịch tại Ngân hàng OceanBank

Việc để tồn tại nhiều ngân hàng nhỏ mà “khỏe” thì sẽ tốt hơn, chứ không nhất thiết cứ phải gộp hết các ngân hàng vào, bởi việc gộp hết vào chưa chắc đã là tốt hơn. Việc “điều trị” những căn bệnh yếu kém không phải tiến hành với ngân hàng quy mô nhỏ mà cần phải tiến hành với cả những ngân hàng lớn mà không “khỏe mạnh”. Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng cần phải tự giải quyết các “vấn đề” của mình. Nhưng quan trọng hơn là NHNN phải “bắt bệnh” được từng ngân hàng để có phương thuốc phù hợp. “Điều này không hề đơn giản, đòi hỏi phải hết sức thận trọng bởi đây là ngành kinh doanh nhạy cảm, việc tiến hành phải đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống. NHNN cần thiết phải đưa ra thông điệp rõ ràng cho câu chuyện này”, ông Thắm nói.

Đồng quan điểm tái cấu trúc ngân hàng cần phải được tiến hành cẩn trọng, ông Brett Krause, Tổng giám đốc Ngân hàng Citi tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng được niềm tin vào hệ thống ngân hàng là một yếu tố quan trọng ở Việt Nam, bởi đó là mối quan tâm chung của xã hội nếu như không nói tới đã có sự mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng. Một ngân hàng bé không hẳn là một ngân hàng tồi nếu nhắm vào một thị trường nhất định, có chiến lược riêng, mang lại lợi ích, giá trị hấp dẫn và ngân hàng đó có một bảng cân đối tài chính tốt cùng với kỹ năng quản lý rủi ro tốt. Còn những ngân hàng không có chiến lược và bảng cân đối tài chính yếu cùng với việc thiếu vốn – đây mới là một vấn đề.

Thị trường cần những ngân hàng có khả năng tài chính mạnh, trình độ quản lý rủi ro tốt, chứ không nhất thiết là ngân hàng quy mô to, một định chế tài chính mạnh phải bảo vệ quyền lợi của cá nhân và những người xung quanh. Nhưng cấu trúc thành công nhất từ trước đến giờ không phải là một thị trường thích hợp với mọi ngân hàng mà phải tạo ra môi trường cho các ngân hàng khác nhau cạnh tranh. Tôi cho rằng, việc khuyến khích các ngân hàng liên kết với nhau, hoặc hợp nhất và nếu cần thiết thì giải thể những định chế tài chính cũng là một ý kiến hợp lý. Đó cũng là những gì mà các ngân hàng đang và sẽ phải làm trong khoảng một thời gian dài. “Điều đáng mừng là việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã nhận được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan, ban, ngành trong Chính phủ”, ông Brett nói.

Cũng không nằm ngoài quan điểm, tái cấu trúc ngân hàng cần được thực thi, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank nêu quan điểm, cấu trúc lại ngân hàng để ngân hàng tồn tại và mạnh hơn, nhưng nếu đã cấu trúc lại rồi mà ngân hàng vẫn hoạt động chưa tốt thì nên khuyến khích ngân hàng sáp nhập, liên kết với nhau để có pháp nhân mới, chiến lược kinh doanh mới. Điều quan trọng là lượng đổi nhưng chất phải thay đổi tương ứng, nếu không ngân hàng lại “đứng im”. Việc tái cấu trúc ngân hàng không phải lúc nào cũng 1+1=2, mà đặc biệt 2 ngân hàng yếu sáp nhập với nhau chưa chắc đã thành mạnh. Bên cạnh đó, tái cấu trúc không những chỉ thực hiện đối với từng ngân hàng mà còn bao gồm cả hệ thống tài chính, trong đó, có cả cơ quan tạo lập ra thị trường như NHNN, Bộ Tài chính.

Ông Thọ nhấn mạnh: “Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích khi yêu cầu các ngân hàng mạnh mua lại những ngân hàng yếu. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại, nếu các ngân hàng yếu kém không tự sáp nhập, Nhà nước cần phải có biện pháp cưỡng chế để thị trường tốt hơn”.

Về biện pháp đi đến cưỡng chế, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng gợi ý, NHNN cần bắt buộc phải áp đặt việc thực hiện chỉ số vốn an toàn (CAR). Ví dụ, hiện nay NHNN đang yêu cầu CAR của các NHTM là 9%, nếu thấy dấu hiệu chỉ số này tụt xuống 5%, NHNN cần để ý sát sao và khuyến khích ngân hàng đi tìm ngân hàng khác để sáp nhập. Nếu chỉ số này tụt từ 5% xuống 3%, NHNN phải cảnh cáo NHTM nếu không bơm được vốn, tìm được nguồn đầu tư, có thể phải bán đi và sáp nhập. Khi chỉ số này xuống dưới 3%, NHNN cần buộc ngân hàng phải sáp nhập hoặc giải thể.

“Điều quan trọng là trước khi sáp nhập, hai bên cần phải điều tra kỹ lưỡng chiến lược, tổ chức nội bộ, tài chính… của nhau và xem xét phương án hợp nhất liệu có lợi cho cả hai bên. Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết để câu chuyện sáp nhập, liên kết tốt đẹp là cần minh bạch và điều này cần diễn ra ngay trong nội bộ ngân hàng”, TS Hiếu gợi ý thêm.

An Thu