Vì sao VCCI đề xuất không áp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu?

12:23 | 08/05/2024

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo VCCI, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các nước đang phát triển khác, nếu phải chịu thuế giá trị gia tăng thì có nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần, từ đó mất đi việc làm trong nước và giảm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Vì sao VCCI đề xuất không áp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu?
VCCI đề xuất không đánh thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu

Chi phí sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh

VCCI vừa có ý kiến đóng góp đối với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi).

Theo VCCI, Điều 9.1 của Dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn, tương ứng với từng loại dịch vụ cụ thể như 10% hoặc 5% hoặc không được khấu trừ đầu vào do thuộc diện không chịu thuế.

VCCI cho rằng, chính sách này sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại nước ngoài.

Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là kinh doanh trên môi trường internet, sản xuất nội dung số, sản xuất các ứng dụng, trò chơi điện tử, dịch vụ nghe nhìn, giải trí, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ tư vấn các loại, dịch vụ thiết kế, dịch vụ máy tính, dịch vụ thông tin…

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp này hiện đang phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các nước đang phát triển khác.

Nếu họ phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% hoặc 5% thì có nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần, khó có cơ hội phát triển, từ đó mất đi việc làm trong nước và giảm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.

Đối với lĩnh vực phần mềm, sản phẩm phần mềm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế, tức là các doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng từ 2-3%.

Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế VAT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hoá 0%. Ngành thuế giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện, với nhiều nỗ lực thì tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Trước tình hình thực tế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thuế VAT đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng vẫn cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%, đồng thời quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.

Mở công ty ở nước ngoài vì bị áp thuế VAT

Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành cho phép dịch vụ xuất khẩu cho thị trường nước ngoài được hưởng thuế suất 0%. Song VCCI cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp là vẫn thường bị áp mức thuế 10%. Lý do là cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ được xuất khẩu cho thị trường bên ngoài.

Các doanh nghiệp này đã cố gắng thuyết minh, cung cấp cho cơ quan thuế rất nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, dữ liệu thanh toán ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của khách hàng, hợp đồng, email trao đổi… Thậm chí, có doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên internet đã buộc phải tách sản phẩm của mình thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau nhưng vẫn không được chấp nhận. Trước tình trạng đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp đã thành lập thêm doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thế giới, nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

Hiện nay, Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có hướng dẫn về việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ trên môi trường số và được nhiều quốc gia áp dụng. Việt Nam cũng đã tiếp thu khuyến nghị này của OECD khi thu thuế dịch vụ nhập khẩu, tức là áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài. Vậy việc pháp luật hiện hành không cho doanh nghiệp trong nước sử dụng cơ chế đó để hưởng thuế suất 0% khi cung cấp dịch vụ xuất khẩu là bất hợp lý.

Từ những lý do trên, VCCI đề nghị sửa đổi quy định về thuế VAT đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%. Đồng thời, quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.

VCCI đề nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, đồ uống có đường

VCCI đề nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, đồ uống có đường

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng do mặt hàng này đang phải chịu 2 loại thuế cùng lúc nhằm hạn chế tiêu dùng.

P.V (t/h)