Sức công phá của bình gas gia đình như một quả bom

12:54 | 05/11/2011

4,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Sự việc xảy ra tại phường Bách Khoa như tiếng chuông cảnh báo đối với toàn xã hội. Dùng gas để đun nấu là một tiến bộ vượt bậc của con người thế nhưng không một ai biết những chiếc bình gas nó như quả bom trong nhà..." Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai cho biết.

>> Toàn cảnh giải cứu hai cháu bé trong vụ sập nhà

Như Petrotimes đã đưa tin, khoảng 6h sáng 3/11, tại nhà số 25, ngõ 22 Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng đã xảy ra vụ nổ khí gas nghiêm trọng, làm sập căn nhà 2 tầng. Hậu quả, anh Trần Nhật Minh (41 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thu Ngân (37 tuổi) bị thương nặng, hai cháu Trần Duy Anh (7 tuổi) và Trần Thị Tâm (14 tuổi) bị trần nhà sập xuống, tử vong.

Ngay khi nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC và Công an quận Hai Bà Trưng, Công an phường Bách Khoa đã đến cứu hộ, cứu nạn và làm rõ. Tại hiện trường, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do ngõ vào ngôi nhà bị sập nhỏ, phải đi qua một khu chung cư trần thấp nên xe cứu hộ không thể tiếp cận.

Đến 10h sáng, xe cẩu đi từ ngõ 30 Tạ Quang Bửu vào đã phải phá một bức tường ngăn cách, tạo khoảng trống tiếp cận hiện trường. Dãy nhà để xe ở khu chung cư cũng bị phá dỡ một phần để xe cẩu tiếp cận. Đến 11h45 thi thể cháu bé thứ 2 mới được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Phải mất 6 tiếng lực lượng cứu hộ mới đưa được hai cháu bé ra ngoài.

Sau khi hay tin, phải mất 6 tiếng lực lượng PCCC mới đưa được hai cháu bé từ dưới đống đổ nát rộng chưa đầy 12m2 ra ngoài. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân làm hai cháu bé bị thiệt mạng là do bị gạch đá đè lên trong thời gian quá lâu.

Để trả lời rõ những hoài nghi của dư luận, chiều ngày 4/11, PV Petrotimes đã có buổi làm việc, trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai và Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai. Đây là đơn vị PCCC trực tiếp cứu hộ – cứu nạn tại số nhà 25 ngày 3/11 vừa qua.

Thiếu tá Thắng, người trực tiếp chỉ huy cứu hộ – cứu nạn tại hiện trường, lý giải về hoài nghi của dư luận: Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng CPCCC Hoàng Mai đã điều ngay một xe PCCC cùng với 8 chiến sĩ đi cùng xe. Ngay khi tới hiện trường, chúng tôi đã cử hai các chiến sĩ PCCC xác định vị trí các cháu nhỏ bị mắc kẹt. Chính vì vậy, chúng tôi đã áp sát đống đổ nát và gọi tên hai cháu xác định vị trí và tình trạng sức khoẻ các cháu. Sau một hồi lâu gọi tên nhưng không nhận được bất kỳ tín hiệu trả lời nào từ phía đống đổ nát”.

“Bên cạnh đó, sau khi kiểm tra hiện trường, chỉ có một khoảng trống còn lại, đó là nơi mẹ cháu bé bị kẹt và đã được đưa ra trước đó. Còn nơi hai cháu bé mắc kẹt bị cả tấm bê tông lớn đè lên. Sau khi kiểm tra, chúng tôi xác định, hai cháu bé bị kẹt trong đống đổ nát không còn khả năng sống sót. Mặt khác, trên nóc đống đổ nát còn có cả nguyên tầng tum của ngôi nhà nặng hàng chục tấn, thiết kế bằng sắt đè lên. Nếu chỉ một sơ suất nhỏ, cả lồng sắt trên sẽ sập và lao vào nhà liền kề. Chính từ các nhân tố trên, chúng tôi quyết định công tác tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn các cháu nhỏ thận trọng, bình tĩnh không nóng vội”, Đại tá Thắng chia sẻ.

“Hiện trường xảy ra vụ hoả hoạn nằm sâu trong ngõ nhỏ, tất các các thiết bị máy móc, xe cẩu hiện đại đều không vào được. Sau khi xem xét, chúng tôi quyết định cứu hộ thủ công. Chúng tôi phải sử dụng máy khoan, cắt bê tông thủ công bằng tay. Tiến hành cắt từng mảnh nhỏ bê tông ra một, vừa cắt vừa tiến hành chống đỡ và tìm kiếm các cháu. Bên cạnh đó, mặc dù xác định hai cháu bé đã chết, chúng tôi tiến hành khoan cắt bê tông cũng rất thận trọng, tránh tình huống khoan vào người các cháu trong đống đổ nát trên”, Đại tá Lâm tâm sự.

Bình gas là… quả bom trong nhà

“Sự việc xảy ra tại số nhà 25 như tiếng chuông cảnh báo đối với toàn xã hội. Dùng gas để đun nấu là một tiến bộ vượt bậc của con người thế nhưng không một ai biết những chiếc bình gas nó như quả bom trong nhà. Mỗi một ki-lô-gam ga hóa lỏng tương đương với 25 lít khí gas. Nếu như chỉ cần 1 ki-lô-gam gas rò rỉ ra ngoài kết hợp với không khí cũng có thể tạo ra một khối khí nổ rất lớn”, đó là khẳng định của Thiếu tá Thắng.

Lực lượng PCCC chưa được trang bị kiến thức cứu hộ cứu nạn.

Theo Thiếu tá Thắng, nếu như người dân khi phát hiện có mùi gas, phải thật bình tĩnh đi tìm nơi để bình gas và khóa chặt van gas lại. Sau đó tiến hành mở tất cả các cửa của ngôi nhà ra, dùng quạt tay (không được dùng quạt điện), quần áo quạt cho khí ra bay ra ngoài. Bên cạnh đó, mang bình gas đi ra nơi trống, không người, không được mang đến chỗ đông người.

“Khí gas nặng hơn so với không khí, khi gas bị rò rỉ ra ngoài nó sẽ lắng đọng và lơ lửng dưới sàn nhà, các nơi hóc hiểm chứ không bay ra ngoài. Chính vì vậy, khi ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn trên, hai cháu bé và hai vợ chồng không bị khí gas làm cho ngạt thở. Nên khi thấy mùi gas phải rất bình bình kiểm tra các ngóc ngách trong nhà và dùng quạt tay xua đi. Đặc biệt, tuyệt đối không được bật, tắt các thiết bị điện, bếp lửa, diêm, điện thoại… chỉ cần một tia lửa nhỏ có thể khiến cho khí gas bùng nổ”, Thiếu tá Thắng cảnh báo.

Trường hợp ngôi nhà số 25 trên bị khí gas bùng nổ rất có thể khi ngủ dậy, người trong gia đình bật bếp hoặc bật công tắc điện.

Bên cạnh việc cảnh giác với khí gas khi bị rò rỉ, Thiếu tá Lâm cũng khuyên người dân khi dùng bếp ga làm phương tiện nấu nướng thì thường xuyên kiểm tra các thiết bị gas. Dây gas nên 1 năm thay một lần. Còn van gas, 2 năm thay một lần. Các thiết bị này trong quá trình sử dụng bị thức ăn bắn vào nên rất nhanh vị ôxi hóa.

Cũng liên quan đến công tác cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC chỉ được đào tạo về công tác cứu cháy, đối mặt ngọn lửa chứ chưa có bất kỳ một cán bộ nào được trang bị kiến thức về công tác cứu hộ cứu nạn. Trước đây, Sở cảnh sát PCCC chỉ có vài cán bộ được đưa ra nước ngoài tập huấn chứ chưa có bất kỳ cán bộ nào được đào tạo bài bản về công tác cứu hộ cứu nạn.

“Để đảm bảo về công tác cứu hộ cứu nạn và phòng cháy, chữa cháy, Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác phòng cháy chữa cháy cũng như công tác cứu hộ. Hiện nay phương tiện, thiết bị cứu hộ còn thô sơ, cán bộ chuyên môn kém. Tên chúng tôi là PCCC nhưng công tác cứu hộ chúng tôi phải đảm nhiệm. Chính vì vậy, khi tiến hành cứu hộ còn nhiều bất cấp…”, Thiếu tá Thắng chia sẻ.

Thiên Minh