Số phận Tổng thống Assad đã được an bài?

13:40 | 04/11/2015

17,889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang được cả thế giới bàn tán. Quan trọng hơn, Nga cũng bắt đầu ngả theo phương án: hòa bình cho Syria sẽ được đánh đổi bằng sự ra đi của ông Assad.
so phan tong thong assad da duoc an bai
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm hồi tháng 10/2015

Việc duy trì quyền lực cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải là vấn đề trên nguyên tắc đối với Moskva, điều đó tùy thuộc vào quyết định của người dân Syria. Tuyên bố này của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/11 được cho là có khoảng cách so với sự ủng hộ mà Nga dành cho Tổng thống Syria, vì trước đó Moskva từng khẳng định ông Assad phải có vai trò trong bất kỳ Chính phủ lâm thời nào.

Bà Zakharova nói rằng số phận của Tổng thống Syria nên được người dân Syria quyết định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh việc tồn tại một nhà nước Syria là yếu tố chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố. “Nếu không có nhà nước Syria, sẽ chẳng có ai đứng ra chiến đấu chống khủng bố”-bà Zakharova nói.

Cũng trong ngày hôm qua, người đứng đầu của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, tướng Andrey Kartapolov, cho biết quân đội Nga đã thiết lập được mối liên kết với lực lượng nổi dậy ở Syria và đạt được thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin và chống khủng bố.

Trước đó, Nga thông báo có thể hỗ trợ phe đối lập Syria. Ngày 25/10, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố trên đài truyền hình Rossyia 1 rằng Nga đang xem xét khả năng không kích IS để yểm trợ cho các nhóm đối lập ở Syria như Quân đội Syria Tự do.

Sự thay đổi thái độ của Nga có thể được giải thích bằng việc Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Arập Xê Út sau cuộc tiếp đón ông Assad hồi cuối tháng 10 vừa qua. Đây có thể hiểu như là một tín hiệu báo trước Moskva đang dàn xếp để Tổng thống Syria ra đi êm thắm, miễn là quyền lợi của Nga tại Syria và trong khu vực Trung Đông được bảo đảm.

Trong khi đó, sức ép của phương Tây với Tổng thống Assad tiếp tục gia tăng. Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố trên đài Europe 1 ngày 3/11: “Giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria hiện nay là các cuộc bầu cử được tổ chức vào một thời điểm này hoặc thời điểm khác, tất nhiên là phải đợi khi an ninh được thiết lập trở lại, và ông Bachar al-Assad không thể là ứng cử viên cho đợt bầu cử này”.

Tổng thống Pháp François Hollande lên án cuộc bầu cử giả mạo năm 2014, trong đó ông Assad đã tái đắc cử dễ dàng với số phiếu rất cao. Theo nguyên thủ Pháp, giải pháp duy trì Tổng thống Assad đã dẫn tới ngõ cụt, với nhiều chiến tranh hơn và nhiều khủng bố hơn. Tổng thống Hollande cảnh báo việc để cho lãnh đạo tham gia vào cuộc bầu cử mới đồng nghĩa với sự bất lực của các bên trong việc tìm ra một giải pháp cho Syria.

Tổng thống Pháp cũng để ngỏ khả năng Paris mở rộng không kích nhắm vào các trại huấn luyện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Pháp là một trong các quốc gia có lập trường cứng rắn nhất về số phận của Tổng thống Bachar al-Assad, với quan điểm là không thể cho phép một lãnh đạo, đã là nguồn gốc của xung đột, nội chiến và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria từ năm 2011, tiếp tục có khả năng nắm quyền trong tương lai, ngược lại với quan điểm của Nga và Teheran.

Trong hội nghị mở rộng về Syria tại Vienna tuần trước, các bên nhất trí cần phải tổ chức bầu cử tự do tai Syria, với sự tham gia của mọi công dân Syria, kể cả cộng đồng hải ngoại, dưới sự giám sát của LHQ.

Vẫn liên quan đến Syria, mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quyết định gửi một nhóm cố vấn gồm vài chục quân nhân tới Syria cuối tuần trước để hậu thuẫn phe đối lập chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoàn toàn không có nghĩa là hủy bỏ cam kết của Washington không đưa quân tới Syria chiến đấu trên bộ. 

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti