Số phận hẩm hiu của một đại gia (Kỳ 1)

07:00 | 15/06/2013

1,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rời quân ngũ trở lại với đời thường, anh mong muốn đem trí tuệ và mồ hôi của mình đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước, làm giàu cho quê hương. Nhưng thực tế nghiệt ngã của đời thường đã xô đẩy anh tới bờ vực thẳm.

Kỳ I : Đắng lòng trước nỗi oan khiên

Tự tử mà không chết

Hảo uể oải lần ngược bàn tay lên túi áo ngực. Vẫn nguyên âm thanh lạch xạch của những viên thuốc ngủ. Lóc bóc dưới chân kia là nước hồ theo gió chiều tấp nhẹ vào thân con thuyền nan. Mấy tiếng đồng hồ hóa ra anh chỉ lơ mơ chứ không thiếp hẳn đi. Lơ mơ chắc là do cơn tụt huyết áp chứ vỉ thuốc ngủ 12 viên vẫn nguyên. Hảo mò ra hồ từ trưa, nói với anh em kiếm cho cái thuyền con. Thì cũng tưởng ông giám đốc hay có thói quen buông thuyền một mình dưới hồ thư giãn chi đó nhưng đám trông cá không biết được ông giám đốc nhà mình đương quyết một việc khủng khiếp là tìm đến cái chết!

Tiếng nôn khan thi thoảng vọng lên từ con thuyền nan cùng với thời gian vắng mặt của Hảo đã làm đám coi cá sinh nghi. Nghe anh chàng Tâm thất thanh vẽo vọt nhưng Hảo cứ lơ mơ lịm đi. Cho tới lúc hai chiếc thuyền nan khác tấp sát bên xốc Hảo ra.

Đám coi cá không phát hiện ra vỉ thuốc ngủ lạch xạch trong túi áo ngực ông giám đốc! Khoát tay từ chối gợi ý đi bệnh viện, Hảo được họ dìu vào một gian nhà trống đánh cảm rồi cho uống nước chè đường. Miễn cưỡng ực dần những giọt nước đường từ tay những công nhân kiên tâm theo Hảo về Công ty TNHH Sông Lô những ngày còn gian khó, Hảo láng máng biết được nhiều tháng nay họ chỉ sống bằng mớ cá vụn bòn được dưới khoảng hồ kia...

Nhà máy tuyển quặng Tùy Bá

Cái ngày là chiến binh từng kiệt sức vì những cuộc truy kích tàn quân Polpot và bị truy đuổi lại tại mặt trận đông bắc Campuchia, Hảo từng có nhiều cơn tụt huyết áp nhưng chưa hề có lúc nào đầu óc tối vô hồn như thế này. Sau đó đơn vị Hảo chuyển lên biên giới phía bắc. Một chiều mùa đông năm 1984, khoác chiếc balô lộn ngược, người lấm lem bụi, Hảo nhảy xuống một con phố của thị xã Hà Giang khi đó còn vắng ngắt. Hảo không thể ngờ rằng một phần đời mình sẽ neo đậu lại ở mảnh đất biên cương này.

Năm 1992, đời sống dễ thở hơn, mấy bạn lính từng giữ đất biên cương Hà Giang với Hảo đã thành lập Công ty TNHH Sông Lô (CTSL). Những năm ấy, luồng gió đổi mới lộng thổi làm thông thoáng nhiều ngõ ngách bí bách. Tiềm năng về lao động, đất đai, ngành nghề được khai thông. Chỉ một thời gian ngắn, những phần việc, những hợp đồng tới tấp kéo về... Dần dà, CTSL bé nhỏ đã phải phình ra làm 7 công ty thành viên ba chi nhánh, hàng chục công trình được mở ra. Trong số đó, dự án được coi là lớn có mỏ sắt Tùng Bá, mỏ chì kẽm Na Sơn.

Từ thị xã Hà Giang về xã Tùng Bá của Vị Xuyên, một bên là con đường hoắm sâu vào vách đá và bên này là vực sâu hun hút... Ròng rã từ năm 2000 đến 2006, hơn 60 tỉ đồng cùng công sức đã bỏ ra. Hàng trăm lao động với máy móc cùng bàn tay trần cứ tháng ngày nhích từng mét trong số mấy chục cây số đường để đến được những vỉa quặng nục nạc. Rồi tiền của công sức để xây lắp nhà máy luyện quặng thô thành quặng tinh. Nhà máy luyện quặng? Tại sao không! Thời gian tu nghiệp quản trị kinh doanh trên đất Hoa Kỳ những năm 2001, 2002 đã khiến cho con mắt của nhà quản trị kinh doanh mang bằng thạc sĩ Lê Duy Hảo phải tính đếm, phải ngó xa đến việc, đến thời điểm nước mình không thể tùy tiện để từng chiếc xe khổng lồ sức chở hàng chục tấn quặng thô để xuất sang xứ người.

Không phải chỉ có dự án khai thác quặng mở ra một thời điểm hanh thông cho CTSL. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua cửa khẩu Thanh Thủy đến thị xã Hà Giang trong những năm ấy, chạm ngay vào một công trường xây dựng khổng lồ chiếm hàng chục ha đất. Đó là tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại cho mọi lứa tuổi với hồ bơi du thuyền, ca nhạc khiêu vũ, khách sạn cao cấp... mang tên công viên Hà Phương (CVHP - Hà là địa danh tỉnh, Phương là tên xã cũng có nghĩa là thơm, sông thơm... Hà Giang thơm) do CTSL đầu tư với số vốn trên 40 tỉ đồng. Nếu tổ hợp vui chơi giải trí Hà Phương hoàn tất, nó không chỉ là bộ mặt của Hà Giang mà là vật tô điểm cho cửa ngõ của đất nước.

Vào dịp tết Tân Mùi năm 2003, mặc dù khách sạn chưa xây kịp và nhiều hạng mục của công viên chưa hoàn tất nhưng (theo sự thúc giục của UBND tỉnh tại Công văn số 140/UB-TB ngày 20/9/2002 đẩy nhanh tiến độ xây dựng CVHP không cần cầu toàn, phải tranh thủ mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ) CVHP đã tổ chức khai trương giai đoạn I để đón khách!

Thế nào là không cần cầu toàn? Có lẽ theo quan điểm hơi bị nóng vội của lãng đạo tỉnh nhà, cái việc vui chơi giải trí thế nào cũng xong (!?) nhưng những người thợ của CTSL tại công trường triển khai dự án mỏ sắt và chì kẽm Tùng Bá, Na Sơn không thể không cầu toàn trong quy trình làm đường và xây nhà máy tuyển quặng được! Bởi chỉ sơ sẩy là tai nạn, là mất mạng như chơi, là số tiền mà CTSL đã phải ứng ra trước để thi công khi nghiệm thu chất lượng lơ mơ thì khối lượng công việc sẽ không được thanh toán. Ròng rã năm qua tháng lại như thế khi những tầng vỉa nục nạc, những quặng sắt chì kẽm của Tùng Bá, Na Sơn phát lộ, CTSL chuẩn bị bắt tay khai thác thì đùng một cái, ngày 12/5/2006 UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định giao mỏ chì kẽm Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách (một doanh nghiệp mới của tỉnh thành lập cách đó chưa đầy 1 tháng) hất băng CTSL ra ngoài!

Những lá đơn kêu cứu trước hành động tước đoạt vi phạm pháp luật thời điểm ấy của CTSL tới tấp tìm đến những nơi cần đến... 

Việc giao cho CTSL thăm dò khai thác mỏ chì kẽm Na Sơn và mỏ sắt Tùng Bá là một chủ trương kế hoạch lớn của tỉnh nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản... Theo đó CTSL đã triển khai thực hiện suốt 6 năm trời, chi phí hơn 60 tỉ đồng. Chỉ tính riêng đường vào mỏ Tùng Bá, Na Sơn, tháng 8/2003 chủ đầu tư là Sở Công nghiệp, Công ty Tư vấn Thiết kế Trường đại học Giao thông Vận tải đã xác định giá dự toán hoàn thành là 22, 601 tỉ đồng, chưa tính chi phí hơn 10km đường điện thăm dò khảo sát...

Bao biện lý do, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ rằng, do CTSL không báo cáo kết quả thăm dò nên tỉnh cấp mỏ cho Công ty Hoàng Bách. Đó là báo cáo sai sự thật và lý do đó cũng không thể lừa dối nổi ai bởi lẽ nếu CTSL chậm gửi báo cáo thì UBND tỉnh phải đôn đốc nhắc nhở. Tại sao UBND tỉnh không làm việc đó? Họ không thể có văn bản đôn đốc vì thực tế CTSL đã gửi hồ sơ cấp mỏ đến đúng địa chỉ, đúng thời gian theo quy định pháp luật và có xác nhận của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cục Khoáng sản...

Công viên Hà Phương bị cắt vốn lẫn đọng vốn không được thanh toán. Mỏ Na Sơn, Tùng Bá đang chuẩn bị khai thác thì đùng cái tuột khỏi tay. Nội hai việc ấy đưa Sông Lô đến miệng vực phá sản. Đời sống hàng trăm công nhân tao tác. Trước cái lần buổi trưa mò ra hồ Hà Phương để làm chuyện quẫn, Hảo cũng đã suýt tính quẫn khi một mình lái xe thăm lại mỏ Na Sơn, Tòng Bá...

Lại gập ghềnh lắc lư như khi lên, xe Hảo rời Tùng Bá để xuống dốc. Những vỉa quặng lộ thiên chỗ tím lịm, chỗ nâu vàng sắp vạt một vùng khá rộng, trữ lượng thì không biết bao nhiêu nhưng tỷ lệ sắt nguyên chất đến 60%, mà có lẽ các nhà địa chất cũng phải phát ghen khi tạo hóa đã hào phóng ban cho xứ Hà Giang. Những vỉa quặng mà quân của CTSL đã vất vả mất hàng năm làm đường  đến rồi lại tỷ mẩn bóc tách đất đá cho nó phát lộ, lúc này trước mắt Hảo phút chốc loang lổ như da beo. Không phải cơn tụt huyết áp khiến Hảo hoa mắt mà những bấn bíu trong đầu? Miếng ăn kề miệng mà còn vuột mất! Nỗi tiếc Tùng Bá chỉ là một thôi, Na Sơn đối diện kia mới là mười! Thứ quặng kẽm, quặng chì, mỗi xe xuất sang bên kia biên giới (mỗi đợt xuất mấy chục xe, không rõ họ xuất tinh hay thô?) nghe đâu hàng mấy chục triệu VND, giá trị gấp nhiều lần quặng sắt cùng trọng lượng. Nếu không có việc cướp trắng mỏ ấy thì bây giờ quân CTSL đang khai thác, đang làm cái việc lãi lời, đang thực thi cái việc hoàn vốn!

Lần này lên Tùng Bá, Hảo không vào Na Sơn được. Mặc dù ai cũng biết Hảo đương là giám đốc của cái công ty từng mở đường vào hai mỏ nhưng họ không cho Hảo vào. Họ bảo phải có giấy phép của tỉnh, của Cơ quan Công an. Hảo biết có nhiều chuyên gia và lao động Trung Quốc đang làm việc cho Công ty Hoàng Bách này. Nhưng Hảo biết bên tỉnh Quảng Tây thấy người ta mua quặng về nhưng không đưa về nhà máy để tuyển luyện mà đào hố chôn ở một vùng rộng lớn nói là để nhiều năm sau mới sử dụng? Việc xuất quặng thô liệu gom góp được bao nhiêu ngân sách cho một tỉnh nghèo như Hà Giang? Những mớ tiền thu được của việc bóc tách hối hả của nhiều địa phương xứ mình như vô tình củng cố cho chiến lược an ninh năng lượng ấy của xứ người?

Nằm nán lại đến đêm thấy người đơ đỡ, Hảo bảo anh em đưa về bằng xe máy. Làn gió đêm lạnh nhưng lành của thị xã vùng biên viễn dường như khiến  Hảo tỉnh táo một chút... Hảo bảo cậu lái vòng vèo thêm tí nữa. Xe qua tòa án tỉnh lúc nào không hay. Nhìn thoáng tấm biển, lòng Hảo như chợt ấm lại.

Phiên tòa hy hữu

Phải rồi, nơi đây đã từng diễn ra phiên tòa có thể nói là hy hữu. Phiên tòa ngày 14/9/2007 xét xử sơ thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 01/2007/TLST-HC ngày 23/7/2007. Bên khởi kiện là CTSL. Người bị kiện là UBND tỉnh Hà Giang.

Những chi tiết như thế này Hảo nhớ nằm lòng. Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 2309/QĐ-UB phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác tuyển luyện quặng sắt của CTSL. Công ty đã đầu tư vốn, nhân lực, máy móc để thực hiện dự án nhưng trong khi đang thực hiện thì đùng cái ngày 27/4/2006 UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định số 1058/QĐ-UB hủy bỏ Quyết định 2309 nêu trên. Quyết định đó thực sự là một thảm họa vì ngần ấy năm CTSL đã đầu tư nhiều tỉ đồng công sức để thi công dự án. CTSL đã nhiều lần tìm nhiều cách những là thương lượng gặp gỡ khiếu nại này khác trước một quy định trái pháp luật nhưng vẫn không được giải quyết nên đã quyết định khởi kiện ra tòa!

Hồ cá để hoang của Công ty Hà Phương

Mà tòa án này lại là Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang.

Hảo nhớ khi ấy nhiều người đến gặp anh hoặc nhăn nhó hoặc thở dài thườn thượt: “Hỏng rồi ! Ông bại rồi”... Hảo biết những sẻ chia, những lo lắng thực lòng ấy. Đơn giản bởi nhẽ theo thói thường(?) CTSL đã ngây thơ, đã làm một cái việc hết sức ngớ ngẩn, mong manh! Bên kiện là một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Hà Giang lại trực thuộc UBND tỉnh. Bên bị kiện lại là UBND tỉnh. Người xử kiện lại là Tòa án Nhân dân Hà Giang. Nếu phiên tòa ấy do một cấp nào ngoài Tòa Hà Giang thụ lý và thực hiện việc xét xử thì lại đi một nhẽ?

 Hảo đã trù liệu. Nếu xử không công bằng thì khiếu nại đến cùng!

Nhưng một sự lạ thời buổi kinh tế thị trường đã xảy ra. Người ta thường nói pháp luật công lý dẫu bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể mù lòa. Đó chỉ là một cách nói bởi trên thực tế có biết bao những sự lú lẫn mù lòa?

Có lẽ phải hằn lâu lắm trong tâm trí Hảo chất giọng rành rọt của vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang buổi chiều ngày 14/9/2007.

 Quyết định 585/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang đã vượt quá thẩm quyền, vi phạm các Điều 17 và 127 của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và UBND nên Quyết định 585/QĐ-UBND là trái pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ quyết định 585/QĐ-UBND nói trên...

Không gian phòng xét xử Tòa án Hà Giang vang lên âm sắc dõng dạc của ông thẩm phán kiêm chủ tọa phiên tòa.

Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam... Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang... Quyết định hủy bỏ toàn bộ Quyết định số 585/QQĐ-UBND ngày 5/3/2007 của UBND tỉnh Hà Giang về việc hủy bỏ Quyết định số 2309/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác tuyển luyện quặng sắt ở Hà Giang của CTSL...

Tại nhà, Hảo vẫn lưu lại được một tờ báo dưới Hà Nội tường thuật và nhận xét phiên tòa có những dòng như thế này: “Những người quan tâm đến pháp luật đều ghi nhận sự dũng cảm thẳng thắn và công minh của Tòa án khi bác một quyết định sai trái của Chủ tịch tỉnh. Nó phản ánh bản lĩnh của thẩm phán cũng như ý nghĩa của công cuộc cải cách tư pháp đối với tỉnh vùng cao Hà Giang này. Ý nghĩa của nó càng được khẳng định khi UBND tỉnh rút kháng cáo và bản án không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật để thi hành”.

Người viết bài này gặp doanh nhân Lê Duy Hảo lần đầu cũng là thời điểm mà dư luận đang xôn xao, tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 khóa XII, đại biểu Lê Văn Cuông (Đoàn Thanh Hóa) dõng dạc nói: “Ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã 5 lần không chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”.

Hóa ra những lá đơn của Hảo, của CTSL gửi đi các nơi không phải là vô vọng!

Thời điểm ấy cũng cách phiên tòa hy hữu tròn 2 năm.

Hẳn nhiều người còn nhớ, nhiều phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XII, có một đại biểu Quốc hội đã làm sôi nghị trường bằng chuyện một chủ tịch tỉnh đã 7 lần chống lệnh Thủ tướng...

Ngẫm kỹ, thấy sự “lên bờ xuống ruộng” của doanh nhân này không giống trường hợp nào cả. Mà chuyện ấy có dính dáng đến việc vị đại biểu Quốc hội nọ làm nóng nghị trường lẫn việc ông chủ tịch tỉnh nọ 7 lần chống lệnh Thủ tướng...

Ông Chủ tịch ấy chính là ông Nguyễn Trường Tô...

Mà doanh nhân đó là ai vậy?

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chép của Xuân Ba