Shell sẽ đầu tư 1 tỷ USD/năm vào khí đá phiến Trung Quốc

17:56 | 24/08/2012

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan dự định sẽ bỏ ra ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm để khám phá và khai thác nguồn tài nguyên khí đá phiến khổng lồ của Trung Quốc.

Trung Quốc tham vọng là tới năm 2020, khí đá phiến sẽ cung cấp tới 6% nhu cầu sử dụng năng lượng của nước này

Tháng 3 vừa qua, Shell đã giành được hợp đồng chia sẻ sản phẩm khí đá phiến đầu tiên với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Theo đó, hai bên sẽ thăm dò, khai thác và phát triển khí đá phiến sét trên khối Fushun-Yongchuan, trên một diện tích 3.500 km2 trong lưu vực Tứ Xuyên của Trung Quốc.

Sự kiện này mở ra những hi vọng hợp tác và hưởng lợi lớn của Shell tại Trung Quốc, từ loại khí đã làm nên một cuộc cách mạng trên thị trường năng lượng Mỹ vài năm trở lại đây.

Chính Lim Haw Kuang – lãnh đạo hàng đầu của Shell tại Trung Quốc đã khẳng định cam kết đầu tư 1 tỷ USD/năm vào khí đá phiến ở Trung Quốc trong vài năm tới. Và nếu có một sự điều chỉnh nào đó, theo ông Lim, chỉ có thể là đầu tư nhiều hơn.

Trung Quốc nắm giữ trữ lượng khí đá phiến lớn nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn 50% so với Mỹ - nước đi đầu trong công nghệ khai thác nguồn tài nguyên độc đáo này.

Với kỹ thuật bẻ gãy thủy lực, hay còn gọi là “fracking” được phát triển rộng rãi trong những năm gần đây ở Bắc Mỹ, Trung Quốc hi vọng sẽ mở khóa được nguồn tài nguyên quý giá này và tham vọng là tới năm 2020, khí đá phiến sẽ cung cấp tới 6% nhu cầu sử dụng năng lượng của nước này. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với Trung Quốc là địa hình đá phiến hoàn toàn khác với Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn thiếu mạng lưới các đường dây dẫn để đưa nguồn khí tự nhiên dồi dào này tới thị trường.

Shell là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc. Hiện Shell đang hướng tới xây dựng 1 nhà máy lọc dầu và tổ hợp hóa dầu trị giá 12,6 tỷ USD tại miền Đông Trung Quốc – một dự án đầu tư nước ngoài đơn độc lớn nhất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện Shell cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty dầu khí đa quốc gia khác như ExxonMobil, BP, Total, Chevron,… Tất cả các công ty này đều đang cố gắng giành được thị phần lớn hơn ở Trung Quốc – nước được dự đoán có mức tiêu thụ khí đốt tăng gấp 3 lần trong thập kỷ này và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chiếm hơn 1/3 nhu cầu thế giới.



Linh Phương (Theo Reuters)