Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm:

Quốc hội thể hiện tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ

18:23 | 08/12/2023

455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/11, sau 22,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Từ góc độ địa phương, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng Khóa X nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh TS. Trần Khắc Tâm đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến kỳ họp.
Quốc hội thể hiện tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ

TS. Trần Khắc Tâm, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng

PV: Từng là ĐBQH, hiện đang là đại biểu HĐND tỉnh và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông quan tâm đến thông điệp nào trong phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội?

TS. Trần Khắc Tâm: Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội Khóa XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá khá đầy đủ tình hình, kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nửa nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó, giữa bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo, đúng đắn, sát sao, kịp thời của Trung ương, các cấp các ngành và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ năm 2024 sắp tới, bên cạnh thuận lợi, đất nước vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhiều hạn chế, yếu kém, những “nút thắt” và “điểm nghẽn”. Nhận thức được những khó khăn phải đối mặt là rất quan trọng để giúp Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, đưa đất nước vượt qua khó khăn, hoàn thành các kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập các giải pháp chính yếu được Quốc hội đề ra. Trong đó, Chủ tịch nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược. Tôi cho rằng đây là điểm cốt lõi nhất cho nền kinh tế trong những năm tới.

Cạnh đó, tôi cũng chú ý tới một thông điệp khác là yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ đến từng cán bộ cũng chính là cơ sở để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội.

Quốc hội thể hiện tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ

Các chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến

kinh tế - xã hội các địa phương thời gian tới.

PV: Ở lĩnh vực giám sát, tại kỳ họp Quốc hội đã tiến hành giám tối cao chuyên đề về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Từ góc độ địa phương, ông có nhận định về những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình trên?

TS. Trần Khắc Tâm: Ba chương trình mục tiêu quốc gia trên có phạm vi, quy mô rất lớn, cùng ý nghĩa nhân văn rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, một phần do dịch Covid-19 bùng phát, một phần do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, việc phân cấp, phân quyền trong triển khai còn nhiều vướng mắc, và ngay tại địa phương thì vẫn có lúc, có nơi chưa chủ động, có tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh… Tình trạng này khiến việc triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Tôi đơn cử như việc giải ngân vốn của cả 3 chương trình. Ở hầu hết các địa phương, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.

Do vậy, là một đại biểu HĐND địa phương, tôi rất hoan nghênh khi tại kỳ họp vừa qua, sau khi tiến hành giám sát tối cao, Quốc hội đã thông qua nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình. Nếu nghị quyết này được thông qua, tôi kỳ vọng các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ sớm về đích và đạt được kết quả như mong đợi. Địa phương cần được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa!

Quốc hội thể hiện tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ
Phối cảnh cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng

PV: Một trong những nghị quyết rất quan trọng khác, tiếp tục được các ĐBQH bấm nút thông qua lần này có liên quan đến cơ chế thí điểm cho các dự án giao thông đường bộ. Lâu nay giao thông đường bộ có phải điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long nói chung không, thưa ông?

TS. Trần Khắc Tâm: Tại Kỳ họp Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù với 21 dự án xây dựng đường bộ. Đây là thông tin rất được chờ đợi đối với người dân cả nước nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Riêng tỉnh Sóc Trăng cũng có 2 dự án được áp dụng cơ chế thí điểm gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Chúng ta đều biết, hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống cao tốc lâu nay là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đây là khu vực có tiềm năng phát triển với diện tích lên tới 40.000 km2 và là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, tới nay cả khu vực rộng lớn và giàu tiềm năng này mới chỉ có hơn 100 km đường cao tốc. Điều này gây ra những khó khăn rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong vùng.

Chính vì vậy, với các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, tôi kỳ vọng các dự án hạ tầng giao thông đường bộ của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sẽ sớm được đẩy nhanh, hoàn thành mục tiêu tới năm 2026, cả khu vực sẽ có từ 400 - 500 km đường cao tốc. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương cũng như giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

PV: Và nếu có một thông điệp được gửi đến cơ quan quyền lực cao nhất, ông sẽ chia sẻ điều gì?

TS. Trần Khắc Tâm: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới nay, Quốc hội đã thể hiện tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ quyết đáp các vấn đề thực tế nhằm hướng tới thực hiện thắng lợi các kế hoạch kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Quốc hội cũng đã thể hiện sự linh hoạt, hiệu quả trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hơi thở của cuộc sống đã vào được tới hội trường Diên Hồng của Quốc hội, đã được các đại biểu của nhân dân lắng nghe, phúc đáp.

Để đảm bảo các quyết sách của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, tôi mong rằng Quốc hội sẽ sát sao, có các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm đảm bảo các quyết sách đó được thực hiện. Giống như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Giám sát của Quốc hội không phải ban hành nghị quyết là xong. Giám sát phải có hiệu lực. Làm tốt phải được biểu dương, sai phạm phải được xem xét xử lý, có khuyết điểm phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm chứ không thể nói chung chung được.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đức Thọ (thực hiện)

Chính phủ ra tay “gỡ dây trói” cho nền kinh tếChính phủ ra tay “gỡ dây trói” cho nền kinh tế
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ của Chính phủNhìn lại nửa nhiệm kỳ của Chính phủ
Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ để xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân hùng mạnh và đoàn kếtChính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ để xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết
[P-magazine] Điều chưa biết về “siêu dự án” 12 tỉ USD sắp triển khai của Petrovietnam[P-magazine] Điều chưa biết về “siêu dự án” 12 tỉ USD sắp triển khai của Petrovietnam