Quản lý tài sản công, thật khó!

14:26 | 24/07/2017

1,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho dù thời gian đi qua mới quá nửa năm nhưng nhiều người dự đoán rằng, một trong những mục tiêu kế hoạch sẽ đạt thấp trong năm 2017 chính là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mục tiêu của năm nay sẽ cổ phần hóa 45 doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, 6 tháng đầu năm mới thực hiện được... 6 DN.

Quả thật, cuộc dịch chuyển nguồn lực phát triển từ nơi hiệu quả thấp sang nơi có hiệu quả cao hơn đang là một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế nước nhà. Tinh thần này đã thể hiện rất rõ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.

quan ly tai san cong that kho
Khách sạn Kim Liên

Thế nhưng, thực tiễn đang diễn ra khá chậm chạp. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ mới đây, khi phân tích nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã nhận định: “Có việc ngại trách nhiệm. Những thứ trưởng làm trưởng ban chỉ đạo khi ký là run, nên gửi nhiều văn bản hỏi cho yên tâm...”, bởi sợ rằng có thể xác định không đúng giá trị DN, đặc biệt là đất đai, hoặc làm thất thoát vốn Nhà nước.

Quả thật, thực tiễn đã chứng minh rằng, quản lý tài sản công thật khó. Lắm lúc, dù vắt óc ra để tìm phương án tối ưu cho việc sinh lời của tài sản công, khi gặp rủi ro ngoài ý muốn là dễ mang tội hoặc lỗi. Có người nhận xét, quản lý tài sản công ít nhất khó gấp 3 lần quản lý tài sản tư. Để quản một đồng tài sản công thì ít nhất cần có 3 người, một là thủ trưởng, hai là kế toán, ba là thủ quỹ. Bên cạnh đấy còn là các tổ chức hỗ trợ, như thanh tra nhiều cấp, rồi đến nhiều tổ chức tai mắt quần chúng như công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...

Còn tài sản tư, chủ sở hữu chỉ nghĩ một hồi, ký “xoẹt” một cái là xong.

Ngẫm ra, có lẽ cũng nên thông cảm cho những người gánh vác trách nhiệm quản lý tài sản công “run tay” khi đặt bút ký. Chẳng hạn cái chuyện thoái vốn ở khách sạn 3 sao nằm tại 2 lô đất “vàng” là 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (TP Hà Nội) tưởng như một ví dụ rất đáng đem ra bàn luận.

Đây là tài sản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Sau một thời gian dài liên doanh với một công ty khác, nay phải thoái vốn theo chủ trương của Nhà nước.

Điều khó nhất là định giá tài sản để thoái vốn. Vì là mảnh đất “vàng” có diện tích khoảng 1.000m2, nếu không phải thần thánh thì ai cũng dễ bị cám dỗ. Và nếu không phải là tài sản công thì mấy ai đã dám nổi lòng tham? Thế là các con số định giá mảnh đất cứ như là đạo cụ của nhà ảo thuật. Lúc thì 3-4 triệu đồng/m2, lại có lúc lên đến 28-30 triệu đồng/m2(!?). Tình thế khiến các nhà quản lý của ta hoa cả mắt, theo nhiều cách hiểu khác nhau.

Có người mách nhỏ rằng, chỉ tính riêng việc so sánh với bảng tính giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại vị trí này (nếu tình huống xấu nhất xảy ra với VNR), thì giá trị cũng cao hơn rất nhiều lần giá trị các bên đã tính để góp vốn. Theo khung giá đất do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2013, giá đất mặt đường Lý Thường Kiệt là 78 triệu đồng/m2.

Trước những “ảo thuật gia” ấy, chỉ cần quan liêu một chút, thiếu thông tin một chút, nể nang một chút... là cái giá 28-30 triệu đồng/m2 ấy có thể được phê duyệt.

Thế nhưng, con đường cổ phần hóa DNNN không đến nỗi bi quan quá như ví dụ nêu trên, bởi chủ trương, chính sách của Nhà nước luôn khuyến khích công khai và minh bạch, nhất là thông qua một giải pháp phổ biến, đó là đấu giá.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ đấu giá Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) hồi tháng 12-2015. Giá khởi điểm là 30.600 đồng/cp với tổng giá trị khoảng gần 112 tỉ đồng. Phiên đấu giá đã diễn ra khá sôi động với các bước giá nhảy vọt. Khởi đầu nhà đầu tư bỏ giá thấp nhất là 46.000 đồng/cp, giá cao nhất là 102.000 đồng/cp. Ngay liền sau đó, bước giá cao nhất là 102.000 đồng/cp đã bị phá vỡ bằng một lệnh mua của nhà đầu tư khác với giá cao nhất 274.200 đồng/cp tương đương tổng giá trị lô cổ phiếu này lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, gấp gần 10 lần so với kỳ vọng.

Nêu ra hai vụ việc trong tiến trình cổ phần hóa DNNN để có thể chứng minh rằng, quản lý tài sản công khó thì khó thật, nhưng cũng không phải là quá khó. Bởi khi đó, trí tuệ và sự khôn ngoan của những người gánh trách nhiệm cần phải được nâng lên đến tận cùng và toan tính cá nhân phải hạ thấp xuống tận đáy.

Chẳng hạn như sự việc ở Khách sạn Kim Liên ấy, người phải ký quyết định cuối cùng chắc cũng sẽ run tay, nhưng đấy không phải cái run tay do lo ngại trách nhiệm mà là cái run tay vì sung sướng và hạnh phúc bởi đã hoàn thành xuất sắc một thử thách đầy khó khăn và cám dỗ.

Trong năm 2017, theo dự kiến, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong tổng số 137 DNNN theo lộ trình đến 2020. 6 tháng đầu năm, cả nước mới chỉ hoàn thành cổ phần hóa 6 DNNN và đã công bố giá trị DN, đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN. Dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 DN trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm.

Nguyễn Long Vân