Quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Muốn ổn cũng khó!
Vàng loạn giá: Bình thường hay bất thường?
Có thể thấy rằng, tinh thần quan trọng nhất trong Nghị định 24 là thiết lập lại chức năng quản lý của Nhà nước đối với vàng, nhất là vàng tiền tệ. Ngoài ra, Nghị định 24 cũng được kỳ vọng sẽ là điều kiện chấm dứt tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng, từ đó, tạo điều kiện huy động khoảng 400 – 500 tấn vàng (tương đương 30 tỉ USD) đang tồn tại trong dân dưới hình thức dự trữ vàng vào nền kinh tế.
Điều này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi ông cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch 400.000 đồng/lượng là chấp nhận được, song chênh lệch giá hiện nay vẫn thường xuyên ở mức 2 – 3 triệu đồng/lượng, chứng tỏ có yếu tố tâm lý, yếu tố đầu cơ, làm giá và có cả yếu tố quản lý không tốt. Muốn để giá vàng trong nước thông thương với giá thế giới, Nhà nước phải quản lý hoàn toàn hoạt động xuất nhập khẩu. Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có bước tiến là Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, song việc này phải thực hiện nghiêm túc, triệt để nhằm tránh lách luật.
Và thực tế, ngay những ngày đầu có hiệu lực, những bất cập trên thị trường vàng đã có dấu hiệu dịu xuống khi mà giá vàng thế giới giảm mạnh, giao dịch khá trầm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được kéo xuống mức 430.000 đồng/lượng… Những phản ứng đó của thị trường vàng khiến nhiều người tin rằng, bất cập trên thị trường vàng đã bị xoá bỏ.
Tuy nhiên, như một trò đùa của trên thương trường, những phản ứng đó chỉ mang tính nhất thời khi mà liên tiếp trong những ngày sau đó, thị trường vàng tiếp tục biến động, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn cao từ 1 – 2 triệu đồng/lượng. Ví dụ, ngày 8/6, cùng với đà giảm giá vàng thế giới, vàng miếng trong nước cũng đồng loạt giảm tới 590.000-700.000 đồng/lượng (từ 42,0 triệu đồng/lượng xuống 41,3 – 41,41 triệu đồng lượng) nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại tăng lên tới 1,9 triệu đồng/lượng (vàng thế giới xuống mức 1.589,5 USD/ounce). Và cũng chỉ sau đó, ngày 9/6, giá vàng trong nước lại tăng trở lại mức 42,0 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 6,2 USD/ounce.
Như vậy có thể thấy rằng, chuyện tăng giảm giá vàng trong nước hoàn toàn không phụ thuộc vào những diễn biến của giá vàng thế giới. Vàng trong nước có thể tăng mạnh, tăng nhanh, vẫn “sáng nắng chiều mưa”. Nguy cơ “lách luật” mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nhấn mạnh trước đó dường như đã diễn ra, tình trạng nhập lậu vàng có nguy cơ bùng phát khi mà mức chênh lệch từ 1 – 2 triệu đồng/lượng là rất hấp dẫn với giới đầu cơ, làm “vàng”.
Và theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu tình trạng nhập lậu vàng gia tăng sẽ là yếu tố bất lợi gây bất ổn đến nền kinh tế, tác động không tốt đến tỉ giá USD trên thị trường tự do. Dòng tiền của người dân thay vì đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì lại đổ vào vàng. Nếu điều đó thực sự diễn ra thì mục tiêu của Nghị định 24 xem như thất bại.
Theo ông Nguyễn Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: chênh lệch giá vàng chuyện bình thường, đặc biệt với một thị trường vàng đầy biến động như Việt Nam. Tuy nhiên, khi chênh lệch giá vàng quá lớn thì đó lại là điều bất thường, là một biểu hiện cho thấy vàng đang bị làm giá, neo cao để kiếm lợi bất hợp pháp.
“Những biến động của thị trường vàng trước và sau thời điểm Nghị định 24 có hiệu lực cho thấy, thị trường vàng sẽ còn biến động và không loại trừ khả năng những biến động đó do giới đầu cơ tạo nên để trục lợi”, ông Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
Nút thắt cần tháo gỡ
Với khoảng 500 tấn vàng còn đang được găm giữ trong dân, cùng với đó là mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, sẽ không chỉ có hiện tượng “làm giá” của dân đầu cơ vàng mà ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng sẽ tìm cách “lách luật” trục lợi bằng cách cung cấp ra thị trường các sản phẩm trang sức biến tướng: nhẫn, lắc, vòng khối lượng lớn.
Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, xây dựng đề án huy động vàng trong dân, cung cấp thông tin đầy đủ, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, lợi dụng chính sách để trục lợi. Ngoài ra cần sớm thúc đẩy các biện pháp kéo giá vàng trong nước sát thị trường thế giới, ban hành quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC để người dân không bị thiệt. Việc giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá cao cho thấy vẫn có “bàn tay” làm giá, đầu cơ trong thời gian qua.
Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, những biến động trên thị trường vàng thời gian gần đây xuất phát từ 2 nút thắt cơ bản là: Phải tăng khả năng huy động và sử dụng vàng trong dân. Và để làm được điều này, đòi hỏi việc sử dụng vàng cần đảm bảo giá cả quyền lợi cho người dân. Nghĩa là ngân hàng dùng vàng để kinh doanh lấy lời, có thể phát cho người dân chứng chỉ, đưa chứng chỉ ra là có thể lấy vàng về hoàn toàn; khi kinh doanh vàng trên thị trường có lãi sẽ chia lại tỉ lệ cho người dân để đảm bảo tính công bằng, có như vậy, mới khuyến khích và huy động được lượng lớn vàng đang được găm giữ trong dân.
Nút thắt thứ hai là cần làm cho thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới thực sự xích lại gần nhau bởi khi mà mức chênh lệch 400 ngàn đồng/lượng được coi là hợp lý nhưng lại rất xa vời khi mà trên thực tế, mức chênh lệch trên dưới 2 triệu đồng/ lượng lại thường xuyên diễn ra. Như vậy là có yếu tố đầu cơ, yếu tố tâm lý, quản lý,… không được đảm bảo.
“Chỉ khi tháo gỡ được 2 nút thắt trên, thiết lập sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, chúng ta mới có thể chủ động trong việc điều tiết giá vàng, khi giá vàng cao thì chúng ta xuất khẩu còn khi giá thấp thì lại nhập vào. Nhà nước sẽ điều hành chặt chẽ vấn đề này, có như vậy thì chuyện đầu cơ làm giá mới chấm dứt”, ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.
Nói về Nghị định 24, ông Kiêm cho rằng, Nghị định 24 đã tiến lên một bước, đó là Nhà nước độc quyền quản lý vàng, Nhà nước nhập vàng miếng, Nhà nước kiểm soát và cấp giấy phép cho những người đảm bảo yếu tố kinh doanh… Tất cả những điều đó là hợp lý, tuy nhiên, phải được tiến hành rất nghiêm túc thì mới ổn định bền vững được.
Và để Nghị định 24 được “tiến hành nghiêm túc”, Nhà nước phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ, có như vậy mới mong thị trường vàng ổn định. Còn đối với vấn đề huy động vàng trong dân, để huy động vàng trong dân đạt hiệu quả cao, theo tôi phải đảm bảo cơ chế cho người dân. Bảo đảm làm sao họ không bị thiệt khi đưa vàng ra thị trường. Hơn thế nữa, huy động vàng trong dân phải đảm bảo khả năng kinh doanh sinh lời để an toàn vốn. Ngoài ra, phải tính đến sự thông suốt trong điều hành xuất nhập khẩu vàng, bảo đảm thiếu thì nhập, thừa thì xuất, phù hợp với giá thế giới, không bị đầu cơ…
Thanh Ngọc
{lang: 'vi'}
-
Tin tức kinh tế ngày 7/10: Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm
-
Vừa làm, vừa hoàn thiện thị trường carbon trong nước
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
34,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn trong quý III/2024
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp