Những việc làm kiểu "luật rừng” ở Tập đoàn Bảo Long

10:12 | 17/07/2012

1,381 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo Năng lượng Mới đã từng có loạt bài điều tra “Sự thật về Tập đoàn Bảo Long” nói về sự sụp đổ của một trong những thương hiệu lớn trong ngành y, dược. Người ta vẫn dùng mỹ từ “rủi ro” khi nói về sự sụp đổ này, tuy nhiên, bản chất vấn đề vẫn không hề thay đổi: Bảo Long đã tự đánh mất mình.

Không chỉ đánh mất thương hiệu, ông Nguyễn Hữu Khai – người đã từng một thời làm nên tên tuổi Bảo Long dường như đã đi quá giới hạn và có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thương vụ “chữ tình”

Ai cũng biết, ông Nguyễn Trường Sơn – ông chủ của Tập đoàn Bảo Sơn đã vì yêu mến nghĩa khí và danh tiếng mà đưa tay cứu vớt ông Nguyễn Hữu Khai – ông chủ của thương hiệu Bảo Long trong lúc khó khăn. Nhưng cái tình giữa họ không tồn tại được lâu vì ông Khai nhiều lần lật lọng. Những tranh cãi về thương vụ mua bán này kéo dài hơn 2 năm nay và tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Dường như đã đi quá giới hạn của sự chịu đựng, ngày 6/9/2011, ông Nguyễn Trường Sơn đã phải gửi đơn tố giác lên Cơ quan Công an, quyết đưa ông Nguyễn Hữu Khai ra trước pháp luật.

Theo đơn trình báo gửi Cơ quan Công an, ông Sơn cho biết: Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS ngày 3/3/2011, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn và một số thể nhân đã giao kết hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần. Kèm theo đó là toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm tại: Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long; Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long.

Trụ sử Tập đoàn Bảo Long

Thực hiện nghĩa vụ hợp đồng Bảo Sơn (phía nhận chuyển nhượng) đã chuyển thanh toán cho phía chuyển nhượng 100% giá trị hợp đồng là 227 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hữu Khai – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long đã tiến hành các thủ tục pháp lý tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mục đích là chuyển giao quyền sở hữu 100% vốn cổ phần của các cổ đông cũ sáng lập cho ông Nguyễn Trường Sơn. Theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Trường Sơn trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long.

Sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, ông Nguyễn Trường Sơn với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long đã nhiều lần ký hợp đồng cho ông Nguyễn Hữu Khai với tư cách là đại diện Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long vay tổng số tiền là 41,8 tỉ đồng và nhận khoán vốn 10 tỉ đồng khác. Ông Sơn cho ông Khai thuê lại một phần tài sản là mặt bằng đất và tài sản trên đất cùng bản quyền 15 thương hiệu thuốc của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long.

Nhận được thanh toán 227 tỉ đồng cùng 51,8 tỉ đồng tiền vay và nhận khoán vốn, phía ông Khai cho biết vẫn còn dư nợ 145,7 tỉ đồng nên đề nghị xin vay thêm để trả nợ. Nhưng ông Nguyễn Trường Sơn và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn không đồng ý với lý do phía ông Nguyễn Hữu Khai không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, không trả tiền thuê tài sản, tiền thuê bản quyền, vốn, lãi vay và lợi nhuận từ nhận khoán vốn như các hợp đồng đã cam kết.

Nguyện vọng vay vốn trả nợ không được đáp ứng, dư nợ nhiều không có tiền trả nợ, sợ bị các tổ chức và cá nhân đòi tiền nên ông Nguyễn Hữu Khai đã qua một tờ báo ra ngày 29/8/2011, loan tin thất thiệt vu cáo bôi nhọ danh dự thương hiệu Bảo Sơn và một số người khác. Công khai lật lọng dựng chuyện Bảo Sơn hiện “chưa trả, còn nợ phía ông Khai 125 tỉ đồng”.

Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi ông Nguyễn Hữu Khai trực tiếp kích động tổ chức lực lượng đánh đập, chửi bới, nhục mạ, xua đuổi chuyên gia, cán bộ nhân viên mới của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long ra khỏi trụ sở. Ông cho tái chiếm, thậm chí hủy hoại nhiều tài sản mà mình vừa bán.

Chưa hết, còn có nhiều tin nhắn đến điện thoại của các thân nhân gia đình và ông Nguyễn Trường Sơn cùng nhiều cán bộ của Bảo Sơn khủng bố đe dọa giết, gây nổ, bắt cóc và làm cho thương tật suốt đời. Việc này gây ra nhiều hoang mang cho gia đình ông Sơn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.

Dù sau đó, ông Khai đã có gửi thư nói về tình “anh em” và ngỏ ý xin “thương lượng” nhưng đây có lẽ là giọt nước làm tràn ly lòng kiên nhẫn của ông Nguyễn Trường Sơn. Ông đã đưa vụ việc này trình báo với Công an Hà Nội.

“Lương y” nhắn tin dọa giết người?

Trong cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Trường Sơn, chúng tôi còn được ông cho xem một loạt các tin nhắn gửi từ số điện thoại lạ với những lời lẽ xúc phạm, thậm chí là đe dọa tính mạng của gia đình ông (một số câu từ tục tĩu chúng tôi xin không trích dẫn):

Khoảng 21 giờ 22 phút ngày

30/8/2011, ông Nguyễn Trường Sơn nhận được tin “… bọn tao thề sẽ cho thằng con trai duy nhất và 4 đứa cháu tàn phế suốt đời. Chỉ vài năm nữa mày chết đi mà không sống tử tế thì vợ và con cháu mày sẽ không yên với bọn tao đâu. Để xem mày chết có nhắm mắt được không?”.

“Bọn tao biết sáng nào lúc 7 giờ 45 phút thằng con trai mày cũng đi học bằng xe ôtô Lexus màu đen…”.

Một lúc sau, con gái của ông Sơn cũng nhận được tin: “Loại ngu như mày mà cũng đòi làm giám đốc à? Nếu 3 bố con mày không bỏ thói ăn cướp của người khác thì bọn tao thề sẽ cho 2 đứa con mày và 3 đứa trẻ khác trong nhà mày tàn phế suốt đời xem chúng mày nhiều tiền có sướng không. 3 bố con mày tự suy nghĩ đi, nhìn cái mặt mỹ viện của mày khiến bọn tao muốn nôn quá”.

Chưa hết, một số cán bộ của Bảo Sơn cũng nhận được các tin nhắn đe dọa tương tự: “… Mày mà còn giúp thằng chó giám đốc của mày đi ăn cướp nữa thì bọn tao sẽ cho mày, đứa con của cả vợ cũ và vợ mới của mày tàn phế suốt đời”.

Kế toán Công ty Bảo Sơn thì nhận được tin lúc 21 giờ 30 phút: “Nếu mày còn giúp thằng chó giám đốc của mày đi ăn cướp nữa thì bọn tao sẽ xử cả gia đình mày”.

Những tin nhắn này đều được nhắn từ cùng một số điện thoại. Lo sợ bị đe dọa tính mạng, nhiều cán bộ của Bảo Sơn đã phải bỏ trụ sở làm việc. Ông Nguyễn Trường Sơn đã trình báo và Cơ quan Công an đã vào cuộc để điều tra làm rõ.

Cơ quan Công an đã làm rõ: Tất cả những số điện thoại nhắn tin đe dọa đến các thành viên trong Công ty Bảo Sơn đều có liên quan đến nhau. Nghiêm trọng hơn, Cơ quan Công an còn khám phá ra việc chiếc điện thoại ông Nguyễn Hữu Khai vẫn sử dụng từ trước đến nay đã có lần được cài simcard của một nhân viên Phòng Tổ chức hành chính có tên là Phùng Thị Ngọc. Và chính số sim điện thoại của nhân viên này đã nhắn tin để khủng bố, đe dọa giết gia đình ông Trường Sơn.

Để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi đe dọa giết người, toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã dược chuyển sang Phòng Cảnh sát Hình sự – Công an Hà Nội để điều tra.

“Thần y” buôn thuốc lậu

Công an Hà Nội đã cùng với Thanh tra Sở Y tế và Đội Quản lý thị trường số 14 đồng loạt tiến hành kiểm tra các địa điểm kinh doanh thuốc chữa bệnh của Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long và Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Một loạt các địa điểm kiểm tra gồm: Trụ sở chính công ty ở Cổ Đông, Sơn Tây; quầy bán thuốc và trưng bày giới thiệu sản phẩm, kho hàng ở An Khánh, Hoài Đức; Phòng khám y học cổ truyền ở chùa Láng, Đống Đa; cơ sở khám y học cổ truyền ở 433 Bạch Mai.

Gần 7.000 sản phẩm thuộc 115 loại thuốc đông dược đã bị tạm giữ. Trong đó có 476 sản phẩm chỉ được lưu hành nội bộ thì Bảo Long lại mang ra bày bán lưu hành tràn lan ngoài thị trường. 3.133 sản phẩm thuốc không có số đăng ký do Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp. 1.700 đơn vị thuốc “Thái Bạch đan” đã hết hạn sử dụng nhưng lại lưu giữ ở kho hàng thành phẩm mà không có cảnh báo hết hạn. Ngoài ra còn hàng nghìn đơn vị thuốc, trong đó có cả thuốc sản xuất ở Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những tin nhắn đe dọa được gửi đến gia đình ông Sơn

Nghiêm trọng hơn, qua đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều tài liệu có nội dung phản ánh việc trốn thuế, sản xuất kinh doanh trái phép nhiều loại thuốc chữa bệnh không đăng ký cấp phép của Bộ Y tế.

Khi cơ quan chức năng đưa đi giám định 3 loại thuốc, thì trong đó có thuốc Kim Mâu Hoàn (tráng dương bổ thận) thì phát hiện có một hóa chất tương tự Viagra trong Tây y. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và ông Khai đã ký nhận.

Thanh tra y tế quyết định đình chỉ khám chữa bệnh của ông Khai vô thời hạn. Cơ quan quản lý thị trường ra quyết định thu hồi tất cả các sản phẩm của ông Khai để tiêu hủy, phạt Công ty CP Đông Nam dược Bảo Long 30 triệu đồng, rút giấy phép sản xuất vĩnh viễn; phạt Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long 62 triệu đồng và rút giấy phép kinh doanh 9 tháng. Sau quá trình tham gia đoàn liên ngành, Công an Hà Nội đã phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Với những căn cứ, tài liệu từ Cơ quan Công an, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm về thuế tại Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long và Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Thông tin bước đầu xác định có dấu hiệu của hành vi trốn thuế trong sản xuất kinh doanh và trốn thuế rất lớn trong chuyển nhượng vốn xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Đây là nội dung đang bị xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những dấu hiệu phạm pháp

Cơ quan Công an đã lấy lời khai của rất nhiều người liên quan và xác định được rằng: Từ khi thành lập vào năm 2007 cho đến khi bán doanh nghiệp, công ty của ông Nguyễn Hữu Khai đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Khai.

Ông Nguyễn Hữu Khai chỉ đạo thành lập xưởng sản xuất Bảo Đông 2 tại thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây từ năm 2008 để chuyên sản xuất hàng trăm loại thuốc đông dược không đăng ký và không được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp phép sản xuất hoặc thuốc chỉ được lưu hành nội bộ không được tiêu thụ ra thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm lại được tung ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với doanh thu mỗi năm hàng chục tỉ đồng để ngoài hạch toán kế toán của doanh nghiệp trốn thuế rất lớn.

Với danh nghĩa Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, ông Nguyễn Hữu Khai đã tổ chức huy động vốn dưới hình thức “cổ đông góp vốn” để thu tiền của nhiều cá nhân tự quản lý sử dụng để ngoài hạch toán kế toán quản lý tài chính theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Tính đến ngày 16/1/2012, ông Khai đã huy động vốn của 265 người với tổng số tiền hơn 83 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả. Việc này có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 22/3/2011 và 28/4/2011, ông Nguyễn Trường Sơn đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn ký kết “Hợp đồng khoán kinh doanh” số 154/HĐHT/2011 và số 15/HĐHT/2011 với ông Nguyễn Hữu Khai – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Theo 2 hợp đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn giao cho ông Khai (với tư cách là Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long) tổng số tiền là 10 tỉ đồng “để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh theo hình thức khoán kinh doanh hàng tháng”.

Khoản tiền này có thời hạn 12 tháng với lợi nhuận của bên giao vốn là 120 triệu đồng mỗi tháng được thanh toán vào ngày 22 hàng tháng. Sau khi tiếp nhận tiền theo hợp đồng, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) đã theo lệnh của ông Khai chi sử dụng để trả nợ cũ hết số tiền của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn. Việc tiếp nhận và sử dụng tiền vốn nhận giao khoán được ông Khai để ngoài hạch toán kế toán quản lý tài chính. Hiện ông Khai không có khả năng hoàn trả vốn đang chiếm giữ sử dụng trái phép. Việc này có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của ông Khai đang bị xem xét khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Vụ việc tốn nhiều giấy mực của báo chí xem như gần đến hồi kết với sự sụp đổ của thương hiệu Bảo Long và sự vào cuộc của cơ quan pháp luật. Thương hiệu Bảo Long và ông Nguyễn Hữu Khai đã tự đánh mất mình – đây có lẽ là bài học lớn mà nhiều doanh nghiệp cần phải rút ra nếu muốn đứng vững trong cơ chế thị trường.

Xác minh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội:

Theo chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty CP mã số 0500422419 (Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long) hiện có 4 cổ đông sáng lập là Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thanh Thủy và Lê Thị Tuyết Hoa. Trong đó ông Nguyễn Trường Sơn là Chủ tịch HĐQT. Số vốn cổ phần này được chuyển từ Nguyễn Hữu Khai, Nguyễn Hữu Sinh, Nguyễn Văn Huệ, Lê Thúy Hằng, Lưu Tô Phấn.

Việc chuyển nhượng vốn cổ phần và thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh được tiến hành đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Điều tra của Hoàng Thắng

Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012