Nhập siêu hơn 2 tỉ USD không phải là tín hiệu xấu
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng có lợi thế như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản... Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.
![]() |
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải giải đáp về tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2021. |
Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến”. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử…
Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc - thị trường chủ lực của nước ta, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đáng lưu ý về tình hình xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua là việc khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết: "Thời gian qua, kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh nên nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta;
Giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu trong khi đó, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay bởi nhiều tỉnh thành phải thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam".
Như vậy là đã rõ, việc cán cân thương mại âm không chỉ không phải là tín hiệu xấu đối với nền kinh tế mà cần coi đó là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện tính linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhạy bén đón đầu nhu cầu của thế giới, chuẩn bị sẵn sàng nguyên vật liệu cho sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cho nhiều thị trường lớn.
![]() |
Xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc vào 3 tháng cuối năm 2021. |
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Để tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, Bộ Công Thương đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Tùng Dương
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 4/4: Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD trong một tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 28/3: Nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ
-
2 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước tăng gần 26%
-
Động lực tăng trưởng năm 2025: Ngành nào sẽ dẫn dắt?