Người thương tiếng chiêng làng cổ

06:20 | 17/03/2024

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Già làng A Thui đặt tay vào ngực mình, nơi bên trái có những nhịp đập thổn thức của trái tim mấy chục năm đăm đắm với Rơ Ngao. Ông mang niềm thương tiếng chiêng của làng cổ, trao lại cho lũ làng giữ lấy cho mai sau.
Người thương tiếng chiêng làng cổ
Già làng A Thui đặt tay vào ngực mình, nơi bên trái có những nhịp đập thổn thức của trái tim mấy chục năm đăm đắm với Rơ Ngao.

Tiếng chiêng trong làng cổ

Mơ màng theo tiếng chiêng của lũ trẻ trong làng đang tập lại bài chiêng cổ, già làng A Thui (64 tuổi, ở làng cổ Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) như được sống lại một thời ký ức xa xăm. Những tiếng “thập thong! thập thong!” như dìu ông về với mênh mông xa lắc, nơi mà những thế hệ đầu tiên của làng đạp rừng, bạt cây tìm đất để dựng mái nhà bên con suối mới. Hơn 100 năm qua, người làng thiên di đến đây, nhận con suối “long loi” làm đất ở và lấy tên là Kon Trang Long Loi. “Kon Trang” nghĩa là “làng bông lau”, còn “Long Loi” nghĩa là “mới, đẹp”.

Là một nhánh của người Ba Na, lũ làng Rơ Ngao tự ngày ấy đến nay đã sinh ra, lớn lên ở đây, sinh con đẻ cái ở đây, rồi về với ông bà cũng ở đây, trong tiếng chiêng, tiếng trống, trong những điệu vũ cầu mùa, trong mùa cúng giọt nước, trong ngày mừng lúa mới, trong cả lễ thổi tai, hay những mùa trỉa lúa… Và tiếng trống, tiếng chiêng của cha ông in đậm trong máu chảy, trong nghĩ suy, trong cái nết ăn nết ở của lũ làng trăm năm. A Thui cũng như vậy! Từng theo cha từ những ngày còn nhỏ xíu như con dê con chập chững những bước đầu tiên đắm mình vào văn hóa Rơ Ngao. Năm 13 tuổi, vì quá đam mê nên A Thui xin cha mẹ cho đi theo người già trong làng học đánh chiêng, tạc tượng. Hơn 50 năm theo dấu, đắp bồi và để trái tim đắm chìm vào với di sản của cha ông, A Thui cũng đã thấu cảm và sống hết mình như thế. Bây giờ, mấy chục năm rồi, khi tóc đã nhuốm những gợn mây trời, khi mắt đã mỏi với cái nắng nhưng tay ông vẫn chuẩn nhịp chiêng, tai ông vẫn đượm tiếng chiêng và tình yêu với cồng chiêng vẫn cuồn cuộn chảy trong mạch máu của ông như không gì cản nổi.

Người thương tiếng chiêng làng cổ
Lão nghệ nhân A Thui cùng người làng Rơ Ngao cúng giọt nước đầu năm theo đúng phong tục

Giữa căn nhà gỗ mênh mang hơi thở của cha ông, ông bày ra tình yêu của mình, rồi cẩn thận lau chùi kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng cho hết bụi bẩn, tôi mới thấy hết được tình yêu ấy sâu đậm tới mức nào. Ông lau những chiếc chiêng, nâng niu như báu vật, chăm chút chúng như chính những đứa con dứt ruột đẻ ra vậy. Ông bảo, ching chiêng cái nào cũng có hồn cả. Muốn điều khiển được nó, phải hiểu nó, phải coi nó như là người bạn của mình. Có như thế hồn mình, hồn chiêng hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết và vang vọng cả núi rừng này. Đối với ông, chiêng truyền thống lúc nào cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của người dân tộc mình, mỗi bài chiêng truyền thống khi đánh lên đều mang một thông điệp riêng như bài chiêng đánh trong lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào. Còn lễ bỏ mả, ma chay… sẽ có những bài riêng, với nhịp điệu trầm buồn để thông báo cho mọi người, cho các làng bên về sự ra đi của một người nào đó để họ cùng chia buồn.

Người thương tiếng chiêng làng cổ
Người thương tiếng chiêng làng cổ

Trong niềm suy tưởng của mình, ông tấu lên bài chiêng mừng lúa mới, với ước muốn ấm no cho người làng, giàu mạnh cho buôn làng, cho đất nước. Nghe ông tấu lên khúc hoan ca của núi rừng, nhiều người làng cũng lục tục kéo đến, vui với niềm vui của ông và để nghe lại những khúc chiêng tuyệt diệu từ tâm khảm lão nghệ nhân già bung ra, đầy hạnh phúc và khắc khoải. Nhìn trong mắt ông ánh lên niềm vui sướng và hãnh diện, nhiều người cũng vui lây.

Nhớ thương trong ngực trái

Trên miền đại ngàn huyền thoại, khi mà những giá trị của đời sống tâm linh của cộng đồng đang ngày càng mai một theo thời gian, thì vẫn có một người đàn ông ngày ngày lặng lẽ giữ những báu vật tinh thần của làng như thế, “để một lúc nào đó lũ làng còn biết cái sợi dây nối với tổ tiên, với Yang nữa!” như lời ông nói. Ông chỉ tay vào ngực mình, nơi trái tim đập những nhịp đập đầy khao khát với văn hóa dân tộc, rồi ông bảo nỗi nhớ thương cất giữ ở đây, đầy trong trái tim này bao năm qua chưa một giờ nào ngưng nghỉ. Giữ hồn cho cồng chiêng, không muốn tiếng chiêng của làng mai một, nên ông đã lập một đội cồng chiêng để đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh. Ông cùng các thành viên trong đội chiêng của mình đã từng đi biểu diễn khắp miền Nam, miền Bắc, đưa hồn chiêng sống dậy ở những nơi xa. Những ngày không biểu diễn, ông lại về nâng niu những chiếc chiêng và sống lại thời huy hoàng của những đêm hội và dạy đánh chiêng, dạy chơi nhạc cụ cho những người trong làng. Ông bảo, học đánh cồng chiêng ở tuổi nào cũng không muộn, đánh được cồng chiêng cũng không khó, cái khó là phải có tình yêu và lòng đam mê. Đánh cồng chiêng là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng, khi ấy tiếng chiêng mới hay được.

Người làng đều biết, nhiều năm trước khi thấy văn hóa dân tộc dần bị mai một, ông quyết tâm học, ghi chép lại các bài chiêng, đàn T’rưng… cứ thế A Thui đã nhớ trong đầu hàng chục bài chiêng cổ. Và không chỉ đánh chiêng, chỉnh chiêng, ông biết chơi đàn T’rưng, ting ning, tạc tượng gỗ, hát dân ca… Còn lại, hầu hết những loại nhạc cụ truyền thống khác ông đều biết chơi và chế tác, trong đó có cả đàn dây, trống, cồng chiêng và các loại khác như Kơni, B’rưng, K’long Put... ông như một kho tàng về nhạc cụ của đồng bào Rơ Ngao nơi làng cổ này.

Người thương tiếng chiêng làng cổ

Vợ và con gái nghệ nhân A Thui cũng dạy chơi nhạc cụ, hát dân ca

Với ông, những bộ chiêng và cả những bài chiêng cổ ấy quý giá hơn bất cứ thứ gì. Đó không chỉ là niềm tự hào của ông, mà còn là niềm tự hào của người làng, niềm tự hào của cả người Rơ Ngao dưới mái rừng này. Khi mà cơn sốt cổ vật, cơn sốt cồng chiêng đã cướp đi không ít những bộ chiêng cổ, những bộ chiêng quý ở vùng đất này rồi mang đi khắp nơi xa, tản mát đâu đó trên dải đất này, mang ra cả nước ngoài, để rồi những chiếc chiêng ấy cứ nằm buồn thỉu buồn thiu trong những khung kính, trong những bảo tàng, hay trên những chiếc giá thô kệch, vô hồn. Ông bảo, chiêng ching chỉ có ý nghĩa khi nó sống giữa cộng đồng, được hòa nhịp với nhau, vang lên những âm thanh giữa đại ngàn. Cứ mang nó đi xa, xé nhỏ ra để trưng bày chỉ làm nó chết, hồn cốt người Tây Nguyên cũng chết theo nó mà thôi. Ông nói điều đó trong niềm khắc khoải của mình, niềm khắc khoải của một người con của Rơ Ngao đau đáu với văn hóa của mình, đau đáu với sức sống của cồng chiêng, đau đáu với cả sự hiểu biết sai lệch văn hóa của không ít người về cồng chiêng.

Mấy chục năm rồi, khi tóc đã nhuốm những gợn mây trời, khi mắt đã mỏi với cái nắng nhưng tay già làng A Thui vẫn chuẩn nhịp chiêng, tai vẫn đượm tiếng chiêng và tình yêu với cồng chiêng vẫn cuồn cuộn chảy trong mạch máu như không gì cản nổi.

Vợ ông, bà Y Nhuih (54 tuổi) cũng là một nghệ nhân ưu tú. Bà biết rất nhiều bài múa xoang, hát dân ca, đinh bút, hát ru từ người già truyền lại. Cũng từ truyền thống của gia đình mà cả 6 người con của vợ chồng bà đều thành thạo các nhạc cụ dân tộc cũng như những bài dân ca. Bà cùng chồng dạy đánh chiêng, dạy chơi nhạc cụ, dạy hát dân ca cho những thế hệ trẻ sau này. Đến nay, những “lớp học” của ông bà đã truyền dạy cho 26 người già, 65 người trẻ về các loại nhạc cụ và 50 thiếu nữ về dân ca, nhạc cổ. Điều đáng mừng hơn, sau khi được vợ chồng ông A Thui truyền dạy, thanh niên trong làng đã có thể kiếm thêm thu nhập nhờ biểu diễn múa xoang, đánh chiêng phục vụ du lịch. Khi làng Kon Trang Long Loi được công nhận là làng du lịch cộng đồng, với 99% là người Rơ Ngao, các thế hệ trẻ lớn lên đều biết đến các giá trị truyền thống, các bài đánh, múa chiêng. Đây chính là mấu chốt trong việc phát triển làng Kon Trang Long Loi trở thành làng du lịch cộng đồng, mang văn hóa dân tộc để phát triển kinh tế. Vợ chồng nghệ nhân A Thui như linh hồn, như bóng cây Kơnia của làng Kon Trang Long Loi, bởi những đóng góp của vợ chồng ông trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc tại địa phương là không thể đong đếm.

Người thương tiếng chiêng làng cổ
Nghệ nhân A Thui (mũ đỏ) dạy đánh chiêng cho người trẻ trong làng

Nói về ông, mọi người làng đều cảm kích. Ngay cả chính quyền địa phương cũng vui mừng khi người nghệ nhân già ấy giữ được lửa và truyền được tình yêu công chiêng cho thế hệ sau. Ông Trần Anh Dũng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết, nghệ nhân A Thui là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Rơ Ngao trên địa bàn. Ông không những đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ được nhiều công chiêng, ông còn là một nghệ nhân chỉnh chiêng rất tài ba. Những người như nghệ nhân A Thui đã và đang góp sức mình vào bảo tồn văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa Tây Nguyên. Vì có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cả hai vợ chồng nghệ nhân A Thui đã vinh dự được Nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015.

Chiều trên đại ngàn, cái nắng và cái gió cứ nhảy nhót theo những nhịp chiêng của người nghệ nhân già. Ở miền nắng gió ấy, vẫn có người coi cồng chiêng là báu vật, vẫn có người mang niềm thương, “giữ lửa” và truyền lại cho đời sau để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang vào tiềm thức của mỗi người con nơi núi rừng đại ngàn như lão nghệ nhân A Thui ấy.

Vợ chồng nghệ nhân A Thui như linh hồn, như bóng cây Kơnia của làng Kon Trang Long Loi, bởi những đóng góp của vợ chồng ông trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc tại địa phương là không thể đong đếm.

Tiêu Dao

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps