Người nông dân kỳ dị và ngôi nhà được gắn bằng bát đĩa cổ xưa

09:04 | 31/10/2013

3,707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm nay, ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) người ta vẫn thấy có một người nông dân chuyên đi cóp nhặt các đồ gốm, sứ cổ từ xa xưa rồi đem về gắn tất cả vào tường, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.

>> Ấn tượng ngôi nhà gắn đầy bát đĩa cổ

Ngôi nhà độc nhất vô nhị

Đất Vĩnh Phúc xưa nay nổi tiếng vì có nhiều người chơi và buôn đồ cổ. Trong số này có ông nông dân Nguyễn Văn Trường (thôn Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có một niềm đam mê vô hạn với những món đồ sành sứ từ xa xưa.

Với bản chất của người nông dân, nhưng lại mang nặng niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu đồ cổ; chính vì vậy cứ hễ có thời gian rảnh rỗi ngoài giờ đi làm nông ông lại say mê tìm hiểu, sưu tầm; dù là mảnh gốm sứ vỡ hay sứt mẻ ông đều gom góp đem về nâng niu, gìn giữ, bởi với ông “các hiện vật cổ đều có hồn và đượm chứa nét văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ, hơi thở của một xã hội”.

Bên ngoài căn nhà của ông Trường

Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bê tông, hai bên nhà cửa san sát. Nhìn từ xa, ngôi nhà của ông Trường có lối kiến trúc cung đình xưa. Ngay lối cổng vào, phía trên mái vòm được trang trí bằng những bình cổ xen kẽ với những chiếc bát đĩa cổ với đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ...

Phía bên phải từ cổng vào là một hòn non bộ khổng lồ. Trên hòn non bộ được gắn hàng nghìn mảnh gốm cổ. Giữa hòn non bộ là một khóm trúc rủ bóng mát xuống khoảng sân hẹp. Điều đặc biệt, trên bụi trúc đó được treo đủ các loại từ bình tông nhôm, chày, cối, đèn bão, xoong nồi cổ.

Bên trái cổng đi vào là ngôi nhà cấp bốn đã cũ. Phía ngoài hiên là con chó đá được gắn những chiếc cúc áo thời Pháp, những đồng tiền cổ. Cả trong lẫn ngoài của bốn bức tường cũng đều được dán kín bằng đủ loại bát đĩa cổ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trường cho biết: Trước đây, ông từng là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1986 ông về quê mưu sinh bằng nghề sơn rong bàn ghế thuê kiếm sống. Cũng nhờ làm nghề này nên ông Trường mới có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đến được nhiều nhà.

Có lần ông đến sơn bàn ghế thuê cho một ông trùm buôn đồ cổ ở Vĩnh Yên. Nhìn thấy những thứ đồ đó ông rất mê mẩn, ngắm nghía không biết chán. Thấy ông Trường có vẻ say mê, ông chủ ấy nói: “Chú làm nghề này đến nhiều nơi hễ ở đâu có đồ cổ thì mua về bán lại cho tôi”. Thế là ông Trường bắt đầu theo con đường mua bán đồ cổ từ đó.

Ban đầu đến với nghề ông Trường “mù tịt” chẳng biết gì về đồ cổ nhưng với tinh thần chịu khó học hỏi nên chỉ trong thời gian ngắn ông đã trang bị được khá vốn kiến thức về lĩnh vực đồ cổ.

Thời gian đầu, ông thường dẫn mối cho ông trùm đồ cổ kia khá nhiều và được tiền dẫn khách. Sau này, khi ông đã thực sự am hiểu về nó, ông bắt đầu quay ra sưu tập chúng. Nếu may mắn gặp được mối hàng thì bằng mọi cách ông xoay tiền mua chứ không chịu nhượng lại cho người khác.

Thế là cứ làm việc, gom góp được chút tiền là ông lại “mua” hết cái đống bát đĩa “cũ” mà nhiều người hồi đó có thì bỏ đi chẳng ai lấy.

Đến nay, với hơn 20 năm sưu tầm bát đĩa cổ. Cũng có thời gian dài ông phải gác lại thú đam mê để kiếm tiền sinh nhai. Tới khi các con ông lớn một chút, ông Trường lại tiếp tục cái nghiệp “không giống ai” như vợ ông (bà Nga) nhiều lần than phiền, thậm chí là phẫn uất khi thấy chồng cứ bỏ vợ bỏ con, bỏ công bỏ việc mà chạy theo "mấy thứ đồ cũ rích".

Rong ruổi, lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để săn đồ cổ chỉ với chiếc xe đạp. Có thời điểm ngày nào ông cũng đạp xe dọc tuyến sông Hồng từ Việt Trì lên tới tận Yên Bái, Lào Cai để vừa nhặt nhạnh, sưu tầm vừa tìm mua những bát đĩa cổ, có khi chỉ là mảnh vỡ của bát đĩa cổ.

Ông Nguyễn Văn Trường trong ngôi nhà dán hàng nghìn cổ vật

Đời nhà Lý, Trần...đều gắn lên tường

Có ba lý do để ông Trường không trưng bày những bát đĩa cổ trong tủ mà lại gắn nó lên tường nhà. Thứ nhất, ông sợ nếu để bát đĩa cổ trong tủ, những lúc mang ra mang vào cho mọi người xem sẽ khiến đồ cổ sẽ có thể bị vỡ. Lý do thứ hai, ông Trường cho rằng nhà mình còn tuềnh toàng, cửa giả không chắc chắn nên sợ trộm vào lấy mất. Nhưng với ông lý do quan trọng hơn cả: “nhiều khi có khách hỏi mua, tôi sợ mình nghèo, bí tiền sẽ mềm lòng mà bán mất nên tôi nghĩ ra cách là phải gắn nó lên tường mới bảo tồn được mãi mãi.

Ngày trước tôi đi sưu tập được nhiều lắm, có ngày sưu tập được đến 20 cái là chuyện bình thường. Nhưng hiện nay thì hiếm hơn nhiều rồi. Có những hôm đi cả ngày đường mà chẳng mua được chiếc nào”, ông Trường cho biết.

Ban ngày ông đi sưu tầm. Đêm đến ông lại hì hục trộn xi măng và cát để gắn bát đĩa lên tường. Vất vả là thế nhưng ông không thấy mệt. Bởi chính ông cũng không hiểu vì sao mấy cái “bát đĩa cũ” lại có ma lực hấp dẫn ông đến vậy.

Ông Trường đang giới thiệu một chiếc bát cổ có từ thời nhà Thanh (Trung Quốc)

Hôm nào mà mua được món hàng tâm đắc là đêm đó ông lại ngồi ngắm nghía cả đêm. Mãi sau này, ông mới dành dụm tiền mua được chiếc xe máy cũ. Nhiều lúc đang đi gom nhặt đồ, chiếc xe máy của ông lăn đùng ra hỏng. Trên xe lại chở đến hàng chục cân đồ gốm ông phải đẩy xe đi bộ hàng km, rồi có những lúc đồ mua được bị rơi vỡ tan tành. Xót đứt ruột nhưng ông vẫn cố gắng lượm những mảnh vỡ mang về.

“Hơn hai mươi năm săn tìm đồ cổ nhưng khó khăn nhất là không có tiền. Mỗi chuyến đi tôi chưa bao giờ có quá 1 triệu đồng. Phần lớn số tiền này, tôi đều phải bán lúa, vay mượn hay đi ứng trước tiền công làm thuê. Chuyến đi nào tôi cũng phải nhịn đói lấy tiền mua đồ cổ. Có những bận, tôi còn chấp nhận làm thuê cho người ta vài ngày đổi lấy những món đồ", ông Trường chia sẻ.

Hầu hết những bát đĩa cổ được ông sưu tầm, mua về đều được gắn trên tường nhà ông đều thuộc thời Lý. Ngoài ra, còn có những chiếc bát đĩa cổ có niên đại vào đời nhà Trần,  Nguyễn... rất quý hiếm.

Nhiều người chơi đồ cổ đã đến nhà và "gạ" ông nhượng lại cho họ món này, đồ kia với giá cao nhưng ông Trường một mực khước từ. Ông bảo: “Tôi đã bỏ công ra sưu tầm cũng là vì đam mê nét văn hóa cổ xưa chứ không phải là vì mục đích thương mại. Nếu như tôi định bán thì tôi đã không gắn hết các đồ cổ này lên tường như thế. chơi đồ cổ một khi đã hiểu rồi thì ham lắm chứ không như những trò khác chỉ thích được một thời gian”.

Cả gian nhà cấp bốn của ông Trường được gắn vô vàn chiếc đĩa đẹp mắt.

Để hoàn thành bức tranh ghép bằng những tác phẩm gốm sứ trên tường nhà và hàng rào xung quanh nhà, ông Trường đã phải bỏ ra mất 16 năm. Nguyên liệu để tạo nên bức tranh không lồ ấy là hơn 8 nghìn chiếc bát, đĩa cổ, 90kg xèng, 20kg tiền xu, hơn 20kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, và vô vàn những mảnh gốm cổ...

Nhìn vào công trình đặc biệt ấy đủ hiểu, nếu không thực sự có niềm đam mê cháy bỏng thì không thể nào làm được. Nhiều người dân trong xóm, ngoài làng biết chuyện còn mang đến biếu ông những đồ vật gốm, sứ trong gia đình mà trước đó nhiều lái buôn đồ cổ đã ngã giá bằng con lợn, tạ thóc; nhằm góp vốn làm giàu thêm “bộ sưu tập” của  ông  nông dân mê đồ cổ.

Dù theo ông các đồ cổ trong bộ sưu tập ông sở hữu có giá trị kinh tế không cao, nhưng hẳn giá trị lịch sử, văn hoá của nó khó bề mà đo được. Việc làm của ông nông dân Nguyễn Văn Trường những tưởng là chuyện của một ông gàn dở, nhưng lại mang đầy ý nghĩa văn hoá; khi mà cuộc sống đô thị đang từng ngày len lỏi, đô thị hóa nhanh chóng mọi ngóc ngách ở các làng quê, thì ý thức và vấn đề bảo tồn văn hoá thật đáng quý.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc