Cả làng cùng tìm việc

07:00 | 16/11/2023

2,205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xưa nay, tìm việc dưới chân mình thật không dễ. Người dân nông thôn chạy đôn chạy đáo tìm việc không hẳn là để làm giàu, xây nhà lầu, sắm xe hơi như người dân thành phố, mà chủ yếu muốn cho bộ óc, cái chân, cái tay luôn động đậy.

Bây giờ là tháng 10 âm lịch. Hơn hai tháng nữa là đến Tết nguyên đán. Vụ gặt đã qua, vụ cấy thì chưa đến. Vụ Đông lâu nay dường như bỏ hẳn. Tiết trời se lạnh, làng trên xóm dưới yên ả trong tháng nông nhàn. Thời trước, khi đất nước còn nghèo, tháng ba ngày tám là quãng thời gian nhàn hạ, chỉ buồn một nỗi “hạt thóc bỏ đi, rỗng lòng thúng mủng”, chẳng hiếm cảnh đời đói quay đói quắt. Nhưng thời trước cha ông ta không chịu để giọt mồ hôi ngủ quên. Ca dao viết: Tháng giêng ăn Tết ở nhà/Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm/Tháng ba đi bán vải thâm/Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về/Tháng sáu em đi buôn bè/Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô…

Cả làng cùng tìm việc
Ảnh minh họa

Thế nghĩa là nhà nông chẳng bao giờ có cảnh nhàn rỗi. Nhắc đến ông thợ cầy bà thợ cấy là nhắc đến những người tất bật tối ngày “quần xắn suốt ngày, bùn vương chăn chiếu”. Nay đời sống ấm no. Chương trình nông thôn mới đã đem lại cho làng quê một khuôn mặt mới. Đường làng ngõ xóm trải nhựa phẳng phiu. Nhà hai, ba tầng mọc lên san sát. Tôi lâu không về quê, cách làng hai, ba cây số mà còn bị lạc, phải mở Google maps ra để chạy xe theo định vị.

Không còn lo đói nữa, nhưng không thể chia việc rạch ròi cho các tháng như thời trước. Nông nhàn dài như... bất tận. Về làng toàn gặp người già và trẻ nhỏ. Người lớn rủ nhau đi làm ăn xa, lên thành phố làm đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, quen nếp gần cả đời người, những nông dân lam lũ quê tôi bỗng thấy lòng dạ không yên khi mùa vụ đi qua. “Nhàn cư vi bất thiện”, do không có việc làm mà sinh ra mất an ninh, trật tự, kéo theo là sự sa sút về đạo đức, thuần phong, mĩ tục. Tệ nạn ma túy, cờ bạc, chè chén liên miên, cũng có nguồn cơn từ đấy.

Theo nhẩm tính của mấy lão nông, thâm canh mỗi sào lúa chỉ mất khoảng tám ngày công lao động, tính chi li cả công cấy, công gặt, công làm cỏ, công làm mạ, tát nước, be bờ, phun thuốc sâu, cho đến phơi thóc.... Những ngày vào vụ cấy, vụ gặt vợ vợ chồng chồng luôn chân luôn tay chẳng kịp thấy mặt nhau. Gặp hôm nắng quắt ngọn tre phải ra ruộng từ lúc tờ mờ đất. Thế nhưng vụ cấy, vụ gặt cũng chỉ gói gọn trong một tuần đến nửa tháng, nhờ có máy cấy, máy gặt làm thay người. Lại nảy sinh tệ nạn “bao thầu” máy cầy, máy gặt. Hộ nào muốn thuê máy thì phải qua “cò”, không được thuê thẳng người có máy. Bị hai lần nộp tiền, bà con tức lắm, làm đơn gửi đi các nơi vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Người đẻ đất không đẻ. Bây giờ diện tích canh tác đã đến “vạch đỏ”. Giá đất nông thôn cũng “sốt”, bà con bảo chả khác thổi bóng bay vậy. Cho nên mới đệ đơn lên cấp trên đề nghị, các ông có dành đất cho các khu công nghiệp cũng phải tính để giữ đất lúa và giữ việc cho nhà nông. Đấy là cách làm trước mắt. Còn về lâu dài, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và ngay đến từng hộ nông dân cũng đã tính đến từ lâu: Bằng cách nào để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn? Làm sao để người nông dân trở thành công nhân trên mảnh đất của cha ông mình?

Cùng với phát triển công nghiệp, các tỉnh đồng bằng còn có thế mạnh về thủy sản, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, trồng cây ăn quả. Từ các nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, đến chế biến gỗ... thật là đa dạng. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn. Thế nhưng, tiêu thụ sản phẩm đang khó vì hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới.

Thế là... chơi lại hoàn chơi. Nhàn mà không vui. Nhàn mà lo trong bụng. Trong mỗi khóm tre xanh, nông nhàn vẫn là chuyện “buồn muôn thuở”. Cả làng bảo nhau lo tìm việc. Nhiều hộ, nhiều người xoay đủ thứ nghề: chăn nuôi, làm trang trại, thu mua phế liệu… Chịu khó bươn chải đấy nhưng cũng muôn vàn cái khó, cái rủi ro. Khó về vốn, về cơ chế, chính sách.

Tìm việc dưới chân mình thật không dễ. Nhiều khi không hẳn là để làm giàu, xây nhà lầu, sắm xe hơi như người dân thành phố, mà chủ yếu muốn cho bộ óc, cái chân, cái tay luôn động đậy. Có việc rồi nhất định có thêm thu nhập, còn lo tích cốc phòng cơ, khi yên hàn lo khi tai ương bất chợt. Điều này bộ óc của một người, một nhà chẳng thể nào nghĩ hết được. Càng cần đến những chủ trương lớn, giải pháp sát thực từ Trung ương cho đến địa phương.

Chúng tôi vừa có dịp đến một số cơ sở cấp xã, phường. Những nơi này đang phác thảo những định hướng lớn từ nay đến giữa năm 2025, bước vào Đại hội Đảng các cấp. Có một điểm giống nhau là cùng bàn đến một vấn đề tưởng như muôn thuở nhưng lại mới, lại nóng hơn bất cứ lúc nào: tìm việc cho dân, làm giàu cho dân. Và cũng có một điểm giống nhau nữa là quyết tâm rất cao từ cơ sở: Cứ làm đi rồi thực tiễn sẽ kiểm nghiệm, đừng trông chờ cấp trên “cho ý kiến quý báu”.

Đó là tinh thần chủ động, là cố gắng cao nhất có thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Cho nên khi nói Đổi mới phải đi liền với Sáng tạo.

Hải Đường

Phục hồi nền kinh tế: Đầu tư công là chìa khóaPhục hồi nền kinh tế: Đầu tư công là chìa khóa
Mệnh lệnh tăng trưởng!Mệnh lệnh tăng trưởng!
Bảo tồn, giữ gìn, phát triển làng nghề để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thônBảo tồn, giữ gìn, phát triển làng nghề để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn