Giữ nguyên khoản thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn lực phát triển địa phương
Kiến nghị giữ nguyên khoản thu từ tiền sử dụng đất
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) bày tỏ quan điểm đồng thuận với phương án giao Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đây là cách tiếp cận phù hợp với quan điểm xây dựng pháp luật hiện nay: chỉ quy định nguyên tắc, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) |
Đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định tiền sử dụng đất là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% trong ngắn hạn, đặc biệt đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Theo ông, khoản thu này hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, là nguồn lực quan trọng giúp các địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Đại biểu phân tích, để có thể tạo ra nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, các địa phương phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như lập quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Các chi phí này bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng thu từ các dự án có thu tiền sử dụng đất trong giai đoạn 2020 - 2024, và sẽ tiếp tục gia tăng do lạm phát và thay đổi bảng giá đất mới.
Nếu quy định tỷ lệ điều tiết lại cho ngân sách trung ương, trong khi địa phương vẫn phải gánh các khoản chi nói trên, sẽ gây ra áp lực lớn, làm chậm tiến độ đầu tư phát triển, tăng thủ tục hành chính và giảm tính chủ động của địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh đang triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ chi của các địa phương sẽ càng tăng thêm.
“Vì vậy, tôi đề nghị trước mắt vẫn giữ nguyên khoản thu từ tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100%. Tuy nhiên, để đảm bảo linh hoạt và phù hợp với thực tiễn từng địa phương sau sắp xếp, sáp nhập, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề xuất.
Đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy quản lý đất đai bền vững
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh định hướng lâu dài là cần giảm dần tỷ trọng thu từ tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách địa phương, nhằm đảm bảo tính bền vững trong quản lý tài chính công. Các địa phương cần chủ động thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai minh bạch, đồng thời Nhà nước cần đa dạng hóa nguồn thu ngân sách bằng cách khai thác hiệu quả tài sản công, cải cách chính sách thuế về tài sản, môi trường, phát triển kinh tế số và công nghệ cao.
Góp ý thêm về nội dung thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật tại khoản 11 Điều 19, khoản 7, 8, 9 Điều 20 và khoản 7 Điều 30 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng: Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ, bao quát về các thẩm quyền này. Do đó, việc đưa thêm các quy định này vào Luật Ngân sách Nhà nước là không cần thiết.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ các quy định nói trên để tránh trùng lặp, đảm bảo sự rõ ràng, mạch lạc của hệ thống pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh lại quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về việc phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, nhưng cần gắn với điều kiện bảo đảm thực hiện - nhất là cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính - để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Huy Tùng
-
Tăng phân cấp, phân quyền để ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các tình huống
-
Tù chung thân không giảm án có thực sự nhân đạo hơn tử hình?
-
Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
-
Tập trung ba đột phá chiến lược để tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững
-
Nới cơ chế cho bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
-
Nhật Bản mất vị trí chủ nợ lớn nhất thế giới sau 34 năm
-
Đồng bộ các quy định về vận hành, huy động nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước
-
VPI dự báo giá xăng tăng nhẹ 0,4 - 0,8% trong kỳ điều hành ngày 29/5
-
Hà Nội: "Gỡ vướng" thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước bứt phá
-
Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tê liệt nếu thiếu nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga?