Người dân Hà Nội trong Phân vùng 1 sẽ mua thực phẩm như thế nào?

18:59 | 04/09/2021

537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người dân trong Phân vùng 1 được phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Bên cạnh đó, được mua hàng trực tuyến; các shipper chỉ hoạt động trong Phân vùng 1.

Trong hướng dẫn quy trình cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng trong thời gian giãn cách từ ngày 6/9 đến 21/9 của Công an TP Hà Nội, người đi mua lương thực thực phẩm sẽ được cấp giấy đi chợ có thời gian mua cụ thể; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn.

Người dân Hà Nội trong Phân vùng 1 sẽ mua thực phẩm như thế nào?
Ảnh minh họa

Theo phương án về bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới từ ngày 6/9 đến 21/9 của Sở Công Thương, người dân trong Phân vùng 1 được phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán.

Bên cạnh hình thức mua trực tiếp theo phiếu, người dân được phép mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận huyện. UBND các phường, xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.

Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shipper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

Về kế hoạch cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương cho biết tại Phân vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân. Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài Phân vùng 1, thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ.

Đồng thời, Sở Công Thương sẽ phối hợp Ban quản lý chợ, các địa phương tổ chức bán hàng lưu động hoặc hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa.

Đối với các chợ trong Phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.

Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ.

Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi công an Thành phố cấp mã nhận diện (đối với ô tô) và cấp giấy đi đường cho xe máy.

Ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào Phân vùng 1. Các shipper chỉ hoạt động trong Phân vùng 1.

Tại Phân vùng 2 và Phân vùng 3: Hiện đang có tổng 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động… Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7/8/2021 của UBND Thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, với phương châm chỉ đạo của Thành phố là rà soát thật kỹ, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm an toàn trong lưu thông và cung ứng cho người dân, đặc biệt là các khu vực cách ly, phong tỏa, TP Hà Nội sẽ bảo đảm nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng theo lịch đi mua hàng.

T.H