Người dân có quyền phẫn nộ khi bị từ chối cung cấp thông tin!

08:17 | 19/02/2012

1,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người dân có quyền được chất vấn người đại diện của cơ quan chức năng khi nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng tới đời sống của họ thông qua chức năng giám sát của báo chí. Vì vậy, khi môi trường ấy trở nên tồi tệ thì người dân cần được biết thông tin về nguyên nhân cũng như những nỗ lực giải quyết của các cơ quan chức năng.

So với những vấn đề nóng bỏng của xã hội như câu chuyện kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, chuyện hàng loạt những dịch vụ y tế tăng giá, chuyện bà Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với TP HCM về việc xây dựng đề án giảm quá tải bệnh viện… thì cái mẩu tin chưa tới 200 chữ “Nhiều nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp” trên báo Tuổi trẻ ngày 15/2 chắc không có gì đặc biệt thu hút để nhiều độc giả có thể dừng mắt đọc và suy nghĩ.

Theo Tuổi trẻ và nhiều báo khác đưa tin, vào sáng ngày 14/2 tại Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật VN phối hợp với Đại sứ quán Anh đã tổ chức hội thảo mang tên là “Tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho nhà báo”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông cùng nhiều phóng viên các báo thường trú các tỉnh miền Trung.

Ngăn cản báo chí tác nghiệp là ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân (ảnh minh họa)

Tại hội thảo, RED đã công bố kết quả điều tra trực tiếp ngẫu nhiên đối với 384 người làm báo trong thời gian từ ngày 1/7-15/8/2011 trên khắp cả nước, có đến 87,9% phóng viên báo chí bị cản trở tác nghiệp được nhận diện trong khoảng 12 nhóm hành vi như: né tránh cung cấp thông tin (52,6%); gây khó dễ (47,66%); có ý ngăn chặn gián tiếp hoạt động tác nghiệp (33,85%); mua chuộc để không đăng tin… (24,48%); thu giữ phương tiện (20,57%); đe dọa (18,49%)… Riêng tại Đà Nẵng, trong kết quả khảo sát ngẫu nhiên đối với 22 nhà báo, có đến 21 người xác nhận từng bị cản trở bởi nhiều hình thức. Trong đó, né tránh cung cấp thông tin chiếm tỉ lệ cao nhất rồi đến gây khó dễ, ngăn chặn gián tiếp…

Trước đây chúng ta từng nghe nhiều vụ việc nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp, bị các cơ quan công quyền từ chối cung cấp thông tin, nhất là những vấn đề xã hội nóng bỏng và nhạy cảm. Nhưng đến bây giờ chúng ta mới biết được một con số khảo sát mang tính tương đối, con số ấy làm tất cả đồng nghiệp không khỏi bất ngờ và hoang mang khi có tới gần 90 % nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp. Thật khó có thể hình dung ra đã có bao nhiêu vụ việc đã không được minh bạch, bao nhiêu tiêu cực đã “chìm xuồng” từ gần 90% vụ cản trở, né tránh cung cấp thông tin cho báo chí thời gian qua!

Liên tưởng đến câu chuyện về một anh trưởng phòng môi trường ở một thị xã của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc bị đình chức do không trả lời phỏng vấn báo chí vừa qua. Đây là một câu chuyện nhỏ ở một nơi xa nhưng nó gợi đến một trong những quyền lợi quan trọng nhất trong một xã hội dân chủ: quyền được tiếp cận thông tin. Câu chuyện ấy có lẽ sẽ không có gì quan trọng để khiến mọi người phải quan tâm. Song, với quan chức nhà nước, những người được biết đến với vai trò là công bộc của dân thì đó là câu chuyện đáng để tranh luận. Anh trưởng phòng này đã bị đình chức sau khi đã từ chối một cách thô lỗ yêu cầu phỏng vấn của nhà báo xung quanh những bức xúc của người dân về tình trạng môi trường địa phương. Có thể có cái nhìn cảm thông cho anh trưởng phòng này vì anh ta bức xúc khi bị làm phiền bởi việc công khai số điện thoại. Thử tưởng tượng bất cứ người dân nào cũng có thể gọi điện chất vấn anh ta qua số điện thoại công khai thì cuộc sống của anh ta sẽ biến thành địa ngục, không ức chế mà thô lỗ mới là lạ.

Dĩ nhiên bất cứ câu chuyện nào cũng có thể có những góc nhìn cảm thông. Việc công khai số điện thoại cá nhân của viên chức Nhà nước là cần thiết, song quyền được tiếp cận thông tin của người dân là một trong những quyền lợi cơ bản được thiết lập trong một xã hội dân chủ, nơi mà các cơ quan công quyền hoạt động nhờ vào tiền đóng thuế của người dân. Người dân có quyền được chất vấn người đại diện của cơ quan chức năng khi nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng tới đời sống của họ thông qua chức năng giám sát của báo chí. Vì vậy, khi môi trường ấy trở nên tồi tệ thì người dân cần được biết thông tin về nguyên nhân cũng như những nỗ lực giải quyết của các cơ quan chức năng. Và trả lời báo chí là trách nhiệm của người đại diện cơ quan ấy, không có bất cứ lý do gì để từ chối.

Bản chất vấn đề là như thế, song sẽ không ít quan chức Nhà nước vẫn bày tỏ sự cảm thông với nỗi đen đủi của anh cán bộ này. Bởi ý thức về sự minh bạch thông tin đến người dân một cách kịp thời lâu nay vốn dĩ không được phổ biến như là một trách nhiệm của những người đại diện cơ quan chức năng.

Trong thời gian qua, người dân đã nhiều lần chịu thiệt thòi vì thiếu thông tin. Chuyện nước tương bẩn ở TP HCM, chuyện mắm tôm gây dịch tả, chuyện cá kèo nhiễm độc, chuyện trái bưởi gây ung thư, chuyện nước ôzôn có thể chữa bệnh tay chân miệng…. đều gây ra những thiệt hại nặng nề đến những người dân, đó là những bài học đau lòng với những người dân khi mà cơ quan chức năng không kịp thời đưa ra thông tin chính xác. Vậy nhưng không có bất cứ một cán bộ nào bị kỷ luật hoặc nhẹ nhàng hơn là khiển trách về việc này.

Trách nhiệm công khai những thông tin liên quan đến đời sống cộng đồng là một trách nhiệm không thể thiếu trong một xã hội dân chủ. Và người đóng thuế để vận hành những cơ quan công quyền có quyền đòi hỏi trách nhiệm đó ở những người đại diện cơ quan trên.

Điều 4 của "Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” năm 2007 đã quy định rõ: Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình nhằm định hướng và cảnh báo kịp thời trong xã hội. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là hai ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.

Quy chế rõ ràng là như thế nhưng trên thực tế khi có những tin đồn thất thiệt lan ra, khiến người dân hoang mang cả tháng trời mà chẳng thấy bóng dáng người phát ngôn ở đâu! Phóng viên dẫu có chạy tới hết cơ quan này đến cơ quan nọ cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, những lời giới thiệu vòng vo rồi cuối cùng mọi thông tin đều là số 0.

Người dân có quyền đặt câu hỏi về sự chậm trễ này, có quyền nghi ngờ khả năng phản ứng trước thông tin của các cơ quan chức năng. Và đặc biệt người dân có quyền phẫn nộ khi bị từ chối cung cấp thông tin. Qua kết quả khảo sát cụ thể của trên gần 400 nhà báo, phóng viên về việc bị cản trở tác nghiệp mà Hội thảo “Tạo dựng môi trường làm việc an toàn cho nhà báo”công bố vừa qua thì thiết nghĩ, đã đến lúc ta cần phải có những biện pháp, chế tài hợp lý để đảm bảo trách nhiệm minh bạch thông tin với cộng đồng của những người đại diện các cơ quan chức năng.

{lang: 'vi'}

Trúc Vân