Từ việc xuất khẩu gạo, nghĩ về “luống cày thời kinh tế số”

11:26 | 14/05/2024

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tình hình thương mại gạo toàn cầu đang gặp khó. Cơn bão thiếu lương thực đang quét qua nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi. Từ đầu năm 2024 đến nay, số phận hạt gạo trở nên long đong khi nó phải chịu tác động từ nhiều yếu tố.
Gạo khan hiếm và cơ hội của Việt NamGạo khan hiếm và cơ hội của Việt Nam
Gạo Việt ở đâu trên “bản đồ lương thực” thế giới?Gạo Việt ở đâu trên “bản đồ lương thực” thế giới?
Từ việc xuất khẩu gạo, nghĩ về “luống cày thời kinh tế số”
Ảnh minh họa.

Đó là lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Nga, UAE, Ấn Độ. Đó là việc Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn nạn đói ở nhiều nơi. Thế nhưng vào tháng 7/2023, Nga bất ngờ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận (cho phép các tàu vận chuyển ngũ cốc và lương thực đi qua khu vực bị phong tỏa trên Biển Đen). Động thái này khiến giá lương thực tăng vọt, đặc biệt là giá lúa mì, ngô và đậu nành ở châu Âu, Trung Đông, cũng như các khu vực khác. Đó là hiện tượng El Nino ảnh hưởng rất lớn tới sản lượng lương thực, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu gạo. Theo đó, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay.

Biến “nguy” thành “cơ”, các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam đã kịp thời đề ra các chính sách cụ thể, đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (Ấn Độ xuất khẩu 16,5 triệu tấn/năm; Thái Lan: 8,2 triệu tấn; Việt Nam: 7,6 triệu tấn). Tuy nhiên, từ tháng 7/2023 đến nay, Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (trừ gạo trắng basmati), nhằm kiểm soát giá trong nước. Đó là “việc riêng” của xứ sở có nhiều giáo đường nhất thế giới. Còn đối với xuất khẩu gạo nói chung thì lại tạo cơ hội cho các nhà sản xuất gạo như Thái Lan, hay Việt Nam chúng ta.

Lượng xuất khẩu gạo của nước ta chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong “sân chơi” lớn đó, mọi sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu đều ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam. Nhưng lúc này là lúc “ảnh hưởng có lợi”. Chủ trương của các ngành nông nghiệp - thương mại là không chạy theo số lượng và giá cả nhất thời, mà tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt.

Bài toán chất lượnggiá trị đã có lời giải bước đầu. Đó là các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng trồng lúa theo định hướng của ngành nông nghiệp, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Nhà nông sản xuất lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Còn “bà đỡ” của nông dân có vai trò vừa hướng dẫn sản xuất, vừa xây dựng, quảng bá thương hiệu; tìm cách mua nông sản kịp thời, giá cả hợp lý, tránh thả nổi thị trường, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, để tư thương ép giá, nhà nông ta lâm cảnh “nước lã ra sông”. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với đối tác.

Tin vui đến với nhà nông ta, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, bảo đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là do giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%. Gạo 5% tấm được chào bán ở mức 587 USD/tấn vào ngày 10/5, tăng so với mức từ 577-580 USD/tấn hồi đầu tháng.

Cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó nước ta đang tiếp tục rộng mở. Năm nay Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023, ở mức gần 8,2 triệu tấn (riêng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn).

Ở miền Bắc, tại các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... được mùa lớn. Giá bán buôn trung bình gạo bắc thơm lần lượt là 21.667 đồng/kg và 18.357 đồng/kg. Bà con ta vui vẻ bảo nhau theo cách tính tròn số là “20 nghìn đồng/cân”.

Được mùa, được giá. Niềm vui át nỗi buồn, át đi chuyện lình xình đâu đó. Và câu của người xưa “Phi nông bất ổn”, “hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ” lúc này vang lên sâu sắc và thấm thía biết chừng nào, dù đã sang thời của trí tuệ nhân tạo (AI).

Vẫn biết so với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì giá trị xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo đạt khoảng 5 tỷ USD là không lớn (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD). Thế nhưng, có những việc không chỉ tính giá trị bằng tiền, dù là nội tệ hay ngoại tệ. Cùng với lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn góp phần khẳng định thương hiệu và uy tín quốc gia. Việt Nam đã và đang trở thành một đất nước có vai trò, ảnh hưởng quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới.

Riêng với nhà nông, nguồn thu từ bán thóc gạo là không nhỏ. Cuộc đổi đời của nông dân ta vẫn đang có những bước chuyển ngoạn mục. Họ tiếp tục “suy nghĩ trên luống cày” thời kinh tế số. Đương nhiên, bên cạnh cây lúa, cần quan tâm nhiều hơn đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa cao hơn nữa.

Hải Đường