Gạo khan hiếm và cơ hội của Việt Nam

08:32 | 13/03/2024

191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu tại một số quốc gia. Đây là cơ hội cho gạo Việt Nam bứt phá như năm 2023 vừa qua.

Số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường, với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD. Sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 508 nghìn tấn, kim ngạch 342 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn.

Trong tháng 2/2024, giá xuất khẩu gạo tẻ thường 5% tấm của Việt Nam ở mức 638 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 19 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với khối lượng tăng cao so với các năm trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, cho biết ngay trước Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời đã có tin vui khi chính thức trúng thầu đơn hàng 65.000 tấn gạo cho Bulog (Cơ quan hậu cần nhà nước Indonesia).

Theo dự báo từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sản lượng gạo toàn cầu năm 2024 có thể đạt mức gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn, nên khả năng sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn cho các nhu cầu về gạo. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cần bám sát thị trường để thực hiện hiệu quả các đơn hàng đã ký cũng như ký mới cả về giá và chất lượng.

Còn theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2024 nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là từ Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Nhìn nhận về tình hình thị trường gạo trong những tháng đầu năm 2024, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu tại một số quốc gia. Nếu tận dụng tốt lợi thế, giá trị hạt gạo Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt như năm 2023 vừa qua.

Tương tự, đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao, do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Do đó, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024 khoảng 6,5 triệu tấn.

Trước bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Theo Chỉ thị này, những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp và người nông dân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD I), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ đông xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu,

Theo thông tin từ thị trường xuất nhập khẩu gạo thế giới, doanh nghiệp trong nước có cơ hội để xuất khẩu gạo đến các thị trường Indonesia, Philippines vì các nước này đều tăng lượng nhập khẩu. Cho nên, khả năng giá gạo giảm sâu là khó xảy ra. Điều mà các doanh nghiệp phải làm là cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước có thế mạnh xuất khẩu gạo.

Trong tháng 1/2024, Indonesia nhập khẩu 441.930 tấn, trong đó lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237.640 tấn, từ Pakistan là 129.780 tấn, Myanmar 41.610 tấn, Việt Nam là 32.340 tấn; Campuchia 2.500 tấn. So sánh cho thấy, Việt Nam cách quá xa so với Thái Lan và Pakistan.

Theo giới chuyên gia, chuyện tăng giảm giá lúa gạo là bình thường. Nếu chúng ta làm chủ và bám sát thông tin thì sẽ làm chủ được thị trường, nắm bắt các cơ hội xuất khẩu. Nói như Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Indonesia.

Nhận định giá gạo xuất khẩu thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng caoXuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng cao
Tin tức kinh tế ngày 30/11: Xuất khẩu nông sản phục hồi mạnhTin tức kinh tế ngày 30/11: Xuất khẩu nông sản phục hồi mạnh
Tin tức kinh tế ngày 3/12: Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung QuốcTin tức kinh tế ngày 3/12: Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc
Điểm tên các điểm yếu của ngành lúa gạo ViệtĐiểm tên các điểm yếu của ngành lúa gạo Việt
Năm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục gần 4,8 tỷ USDNăm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục gần 4,8 tỷ USD