Làm gì để hạ nhiệt “cơn sốt” vàng?

14:48 | 08/05/2024

1,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng nay (8/5), giá vàng miếng đột ngột rời “đỉnh” trước phiên đấu thầu. Trước đó, giá vàng tăng lên mức cao choáng váng 87,5 triệu đồng/lượng.
Làm gì để hạ nhiệt “cơn sốt” vàng?
Ảnh minh họa.

Vào lúc gần 10 giờ sáng, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào), 87,3 triệu đồng/lượng (bán ra). May thay, giá đã giảm tới 200.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày hôm trước.

Còn Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giảm 300.000 đồng/lượng, xuống mức 85 triệu đồng/lượng (mua vào), 86,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng giảm một phần là do tác động từ phiên đấu thầu. Nhưng lý do chủ yếu là do trên thị trường quốc tế, giá vàng giảm gần 10 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước, xuống mức 2.315 USD/ounce trong bối cảnh dự báo lãi suất USD có thể giữ nguyên trong thời gian dài.

Tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội, TP HCM không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy. Người bán, người mua trở nên bình tĩnh hơn. Nhiều người khuyên nhau, hãy đợi thêm ít hôm nữa rồi hãy quyết định đầu tư vào... vàng.

Nhà đầu tư và người buôn bán cân nhắc thế cũng phải. Vẫn biết chủ trương tổ chức đấu thầu vàng miếng để gia tăng nguồn cung cho thị trường là cần thiết, nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn để “hạ nhiệt” thị trường. Đã là nhà kinh doanh thì ai cũng hiểu rằng, vàng là nơi trú ẩn của dòng tiền, nhất là khi khi các kênh đầu tư khác trở nên không an toàn, hiệu quả thấp. Cụ thể là, lãi suất tiết kiệm quá thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi...

Từ quý I/2024, điều dễ nhận thấy, vàng là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao. Giá vàng thế giới tăng vọt, lên tới 16%. Giá vàng nhẫn ở nước ta tăng kinh khủng hơn (25% so với quý IV/2023).

Vì sao giá vàng tăng? Trước hết là do cầu mua gia tăng mạnh từ ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia. Quốc gia nào cũng muốn gom vàng khi có những bất ổn địa chính trị, những cuộc chiến quy mô lớn đã diễn ra - cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo dài hơn hai năm qua; căng thẳng Israel-Hamas kéo dài 7 tháng qua và có nguy cơ thổi bùng chảo lửa Trung Đông.

Ngoài các nguyên nhân tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, xung đột vũ trang, còn có nguyên nhân trực tiếp như kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất ngay trong năm 2024 khiến nhu cầu tích lũy vàng tăng cao. Không chỉ có các ngân hàng trung ương các quốc gia gia tăng mua vào, các Quỹ đầu tư, các Nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng chạy theo “chiến dịch” này. Giá vàng liên tục tăng là do cầu tăng đột biến.

Mục đích đấu thầu vàng là có thể xử lý ngay tình trạng vàng miếng trong nước và vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự thận trọng, bởi vì, Việt Nam dù có đạt được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nhất định, nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ, lại phụ thuộc lớn vào các yếu tố xuất nhập khẩu, các tác động trực tiếp từ biến động địa chính trị, xung đột quân sự giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Vì thế chúng ta cần có những giải pháp tổng thể, lâu dài. Theo thông báo của Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm nước ta sản xuất chưa được 1 tấn vàng, trong khi đó nhu cầu lên đến 50 tấn. Bù đắp nhu cầu này phải trông đợi vào việc nhập khẩu vàng, hoặc tăng giá vàng trong nước. Ở đây nảy sinh vấn đề, muốn hạn chế đến mức thấp nhất chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì phải dùng các biện pháp thương mại. Các biện pháp tiền tệ (như việc đấu giá vàng miếng) chỉ nên xem là giải pháp hỗ trợ trong ngắn hạn.

Nhập khẩu vàng để có nguồn vàng dồi dào ở trong nước vẫn là một giải pháp quan trọng. Điều đáng chú ý là, tính toán thật căn cơ, nhập vàng với số lượng bao nhiêu, thời điểm nào, để bảo đảm quan hệ cung - cầu và kiểm soát dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô. Nói gọn lại là, mua vàng để dự trữ, tốt hơn là mang vàng dự trữ ra để đấu thầu, bình ổn thị trường.

Theo chúng tôi được biết, hiện nay trên thế giới gần như chỉ mỗi Việt Nam còn giữ “truyền thống” Ngân hàng Nhà nước độc quyền về vàng, cũng như độc quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng miếng.

Chúng ta hoan nghênh những nỗ lực, những giải pháp kịp thời, nhưng nếu chỉ tìm cách hạ “cơn sốt” thị vàng - một thị trường hiện đang quá “nóng” bằng giải pháp ngắn hạn thì hiệu quả đem lại sẽ không cơ bản và không nhiều.

Hải Đường