Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi:

“Ngành năng lượng Việt Nam thiếu vốn trầm trọng!”

07:00 | 12/02/2013

1,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trữ lượng và triển vọng của ngành năng lượng Việt Nam, dù còn nhiều phức tạp nhưng theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Vấn đề là làm sao nền kinh tế sớm hồi phục để trở thành bệ phóng vững chắc cho ngành năng lượng Việt Nam đang đi những bước đầu tiên đúng hướng...

PV: Thưa ông, trong lễ tổng kết sản xuất kinh doanh 2012, ngành than đã đặt ra mục tiêu sẽ tiêu thụ trên 40 triệu tấn than trong năm 2013. Ông nghĩ sao về con số ấn tượng trên?

Ông Trần Viết Ngãi

Ông Trần Viết Ngãi: Nguồn than chủ yếu của Việt Nam là than antraxit thuộc bể than Đông Bắc, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một phần thuộc tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, có chất lượng tốt (nhiệt trị 4.600-8.200kcal/kg). Ngoài ra, vùng ven biển Đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện bể than nâu được dự báo có trữ lượng khoảng 210 tỉ tấn. Kết quả thăm dò và khảo sát năm 2010 của ngành than cho thấy, tổng trữ lượng than của Việt Nam ước khoảng 48,710 tỉ tấn (bao gồm than bể than Đông Bắc, khối nâng Khoái Châu của bể than Đồng bằng Sông Hồng và các mỏ khác).

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ngành than gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng than khai thác năm nay tương đối thấp, chưa tới dưới 30 triệu tấn và con số đó đã hụt khoảng 30% so với chỉ tiêu được giao. Trong bối cảnh xuất khẩu than hạn chế như hiện tại (giá xuất khẩu giảm, than cám 3-4 qua đỉnh...), than tiêu thụ trong nước giảm, khiến giá than thấp hơn thực giá. Than lộ thiên chỉ còn 40%, còn khai thác trong điều kiện hầm lò đã lên tới 60%, cá biệt có những nơi sâu xuống 400m.

Theo số liệu của Vinacomin, hằng năm, 13 vạn công nhân ngành than phải khai thác trong 320km hầm lò, điều kiện càng ngày càng khó khăn, thủ công, khí metal, khí CO2 là những rủi ro khó tránh khỏi. Điều kiện địa chất dưới lòng đất không ổn định, việc chống lò rất khó khăn, dẫn tới nguy cơ gây sập lò, sập hầm tiềm ẩn. Đời sống lao động, công nhân ngành than càng ngày càng xuống. Thu nhập bình quân chung là 7 triệu, riêng thợ lò là 8 triệu đồng/tháng mà trong môi trường như vậy là quá thấp, dẫn đến tình trạng công nhân than, công nhân hầm lò bỏ việc rất nhiều. Tính chung, ngành than bị lỗ tới cả chục nghìn tỉ đồng riêng trong 3 năm từ 2010 đến 2012 này.

Theo kế hoạch Chính phủ giao, đến năm 2015, ngành than phải sản xuất 55 triệu tấn than sạch, tương đương 67 tấn than nguyên khai. Trong điều kiện mở lò mới, mở rộng lò cũ khó khăn như hiện tại, rồi cơ giới hóa chỉ chiếm 2,8% (chủ yếu khai thác thủ công). Đấy là còn chưa nói, theo tổng sơ đồ điện VII, ngành than phải cung cấp cho một mình ngành điện đến năm 2020 là 76 triệu tấn than đã qua sàng tuyển. Cả năm 2012, tổng số than Vinacomin sản xuất được chỉ là 29 triệu, như vậy nhiệm vụ trên gần như là bất khả thi với Tập đoàn.

Về con số trên 40 triệu tấn than Vinacomin phấn đấu tiêu thụ trong năm 2013, tôi cho rằng mọi việc còn phụ thuộc vào năng lực khai thác của Tập đoàn, vì than giữ vị trí rất quan trọng trong bản đồ năng lượng.

PV: Vậy, nút thắt cho những vấn đề của ngành than nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Không chỉ than, mà điện, dầu khí, năng lượng tái tạo thì khó khăn nhất vẫn là vốn. Dự tính để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành than phải xây dựng 28 mỏ mới (mỗi mỏ mới được mở mất 6-7 năm, đầu tư 3-400 triệu USD/mỏ), khôi phục và mở rộng 61 mỏ cũ (7-8.000 tỉ đồng/mỏ). Tức là ngành than cần hàng chục tỉ USD để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao và tự vận động phát triển. Đấy là chưa kể, lượng than có thể khai thác thật (ít tạp - PV) chỉ còn khoảng 40-50% trữ lượng chúng ta tính toán được. Từng có rất nhiều hội thảo, tọa đàm, các bên ngồi lại với nhau rất nhiều, nhưng chung quy vẫn là vấn đề vốn. Nếu không có vốn đầu tư cho công nghệ cao, không có cách nào giúp đất nước tận thu, bắt tài nguyên biến thành năng lượng, quay lại phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Về mặt cơ chế, chính sách, quyết định Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho ngành than chủ động cấp cho các doanh nghiệp chuyên môn được quyền thăm dò, khai thác vẫn chưa được hoàn tất. Nó trói chân, trói tay ngành than, không cho các đơn vị thành viên của Vinacomin cái quyền chủ động thăm dò, tìm kiếm - quyền tưởng chừng đương nhiên. Thăm dò khai thác là khâu thượng nguồn, bởi vậy ảnh hưởng của nó đến các khâu tiếp theo trung nguồn và hạ nguồn là rất lớn. Bên cạnh đó, ngành than chịu rất nhiều thuế và loại phí, chiếm một phần lớn trong chi phí đầu ra, dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội lên. Ví dụ như giá thuế xuất khẩu. Các quốc gia trong khu vực, thậm chí là những quốc gia xuất khẩu than như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia... đều là 0%. Ngành than rất mong mỏi Chính phủ quan tâm đưa thuế xuất khẩu than từ 10% xuống 0% để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nội địa.

Nhà máy Thủy điện Hủa Na sẽ hòa vào lưới điện Quốc gia năm 2013

PV: Trong những đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lên Chính phủ, công nghiệp điện được xếp sau công nghiệp khí và công nghiệp than. Lý do vì sao, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Đó chỉ đơn giản là về quy hoạch tổng thể, chứ không phải xếp theo mức độ quan trọng, bởi đã là năng lượng thì ngành nào cũng quan trọng cả! Quan điểm của hiệp hội là có quy hoạch tốt công nghiệp khí, công nghiệp than thì mới có thể tính toán được cho ngành điện, cho dù tổng công suất điện của chúng ta không hoàn toàn đến từ nhà máy điện khí hay điện than. Theo tính toán của hiệp hội, sau khi Thủy điện Sơn La - là công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á - đi vào hoạt động, tình trạng thiếu điện sẽ tạm không gây sức ép lên nền kinh tế vĩ mô trong 2-3 năm nữa. Các nhà máy nhiệt điện than thế hệ mới đều hướng tới công nghệ đặc biệt, sử dụng than cám 6 (tro xỉ nhiều, nhiệt lượng thấp).

Ngành điện đang phát triển ổn định. Mỗi năm tổng công suất 26.000MW của hệ thống điện Việt Nam sản xuất được 200 tỉ kWh, góp phần lớn vào kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng. Năm 2020, ngành điện đạt được công suất 75.000MW, đạt ngưỡng công nghiệp đúng như mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

PV: Trong nhiều đánh giá của quốc tế cũng như trong nước, tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt không hề nhỏ. Hiệp hội Năng lượng đã có đánh giá nào về tiềm năng trên không?

Ông Trần Viết Ngãi: Với mục tiêu tạo điều kiện và cơ chế tối đa cho việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió có tiềm năng và khả năng khai thác lớn nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-TTg, ngày 29/6/2011, về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó yêu cầu cần thiết phải thiết lập quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và các tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió. Một trong các nhiệm vụ của công tác lập quy hoạch là phải đánh giá được tiềm năng lý thuyết, tiềm năng kỹ thuật của nguồn điện gió. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của nhiều nước đang phát triển, việc đánh giá tiềm năng gió với độ tin cậy cao tại Việt Nam chưa được tiến hành.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn trong khu vực: hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt. Nhiều nghiên cứu của EVN đã xác định được các điểm thích hợp cho sản xuất điện gió, tương đương với công suất 1.785MW. Miền Trung có tiềm năng gió lớn nhất, với 880MW tập trung chủ yếu tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là miền Nam, với 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Trong khi đó, để có thể tính toán giá bán hợp lý cho điện gió lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố công nghệ. Hầu hết, các nhà đầu tư đều cho rằng, 1kWh điện gió phải được bán với giá 9/10 cent, thậm chí là 11 cent thì mới có lãi.

Các nguồn điện tái tạo khác như điện sinh khối, điện thủy triều, điện mặt trời, điện từ nhiên liệu sinh học... cũng có tiềm năng nhưng chúng ta chưa nên bàn quá nhiều khi nhiều vấn đề trước mắt còn chưa giải quyết xong, ví dụ như vốn.

PV: Nhu cầu đầu tư, tái đầu tư, ứng vốn... của ngành năng lượng đã thấy rõ. Tuy nhiên, dư luận sẽ hiểu như thế nào cho đúng trước thông tin tăng giá điện, giá xăng dầu và giá than đang diễn ra hàng ngày, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Đơn cử như ngành điện, là nơi tôi hiểu rất rõ. Năm 1999 đến 2001, EVN lỗ nặng vì hạn hán kéo dài. Thủy điện dừng, Tập đoàn phải nhập dầu về, thay đổi công nghệ tạm thời đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội, quốc phòng - an ninh. Chỉ trong 3 năm đó, EVN đã lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng. Mà mọi người nên hiểu và thông cảm, ngành điện đi vay là vay bằng ngoại tệ, cụ thể là USD. Mà trong thanh toán quốc tế, vay ngoại tệ nào, trả ngoại tệ đấy, trượt giá là ghê gớm. Trong 10 năm qua, chỉ riêng phần lãi phải trả của ngành điện (nợ gối đầu, đầu tư nguồn điện mới, nâng cấp đường dây truyền tải...) đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng, trong đó trượt giá là chính. Nói một cách chân thành thì, nếu không tăng giá điện thì ngành điện không lấy đâu để bù lỗ.

Nhân dân cứ tưởng tượng, khi ngành điện lỗ, không phát triển thì nền kinh tế vĩ mô chẳng có cách nào để phát triển, vì điện chết là xi măng chết, thép chết. Vấn đề nằm ở chỗ minh bạch, công khai thông qua thông tin đại chúng, EVN làm chưa được tốt, khiến người dân hiểu nhầm. Thị trường phát điện cạnh tranh đã được thử nghiệm, vì vậy tính tích cực minh bạch hóa giá bán điện, để nhân dân và khách hàng thấy rằng, việc tăng giá điện là hợp lý, tuân thủ nghiêm túc lộ trình của Chính phủ là điều cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hữu Tùng (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc