Ngành Năng lượng Việt Nam

Vượt qua thách thức trong kỷ nguyên công nghiệp mới

16:03 | 08/02/2019

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ năm 1993 tới nay, Công ty Siemens đã tham gia thực hiện thành công nhiều dự án cơ sở hạ tầng  quan trọng của Việt Nam. Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TS Phạm Quang Vinh, Giám đốc Ban Nguồn điện - Siemens Việt Nam, về cơ hội và thách thức của ngành năng lượng Việt Nam trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

PV: Thưa ông, những đóng góp nào được ông đánh giá là nổi bật nhất của Siemens đối với ngành năng lượng Việt Nam trong gần 30 năm qua?

vuot qua thach thuc trong ky nguyen cong nghiep moi
TS Phạm Quang Vinh

TS Phạm Quang Vinh: Về lĩnh vực năng lượng, tính đến năm 2017, công suất đặt của Việt Nam vào khoảng 43GW, sản lượng điện khoảng 181 tỉ kWh, trong đó các turbine của Siemens đóng góp khoảng hơn 10% tổng sản lượng điện hằng năm của cả nước. Siemens là nhà cung cấp, xây dựng và bảo trì các nhà máy nhiệt điện turbine khí hiệu quả cao và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam. Trong 20 năm qua, các nhà máy điện do Siemens xây dựng và bảo trì ở Việt Nam đã góp phần sản xuất hơn 175 tỉ kWh.

Siemens đã tham gia vào những dự án điện quan trọng như Nhà máy Điện chu trình kết hợp (CTKH) Phú Mỹ 3 với công suất 740MW; Nhà máy CTKH Cà Mau 1&2 với tổng công suất 1.500MW; Nhà máy CTKH Nhơn Trạch 2 với công suất 750MW. Đây đều là những nhà máy điện hiệu quả nhất và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam.

Năm 2017, Siemens và Gamesa đã hợp nhất mảng kinh doanh điện gió nhằm tạo nên một trong những công ty điện gió lớn nhất thế giới. Hiện tại, Siemens Gamesa đang lắp đặt và thi công trang trại gió Đầm Nại với công suất 39MW. Cuối tháng 9-2018, Siemens Gamesa tiếp tục nhận được hợp đồng cung cấp, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng turbine gió cho Dự án điện gió Phương Mai 3 tại tỉnh Bình Định.

Mới đây, vào tháng 7-2018, Siemens đã được giao hợp đồng cung cấp hệ thống điện cho Tập đoàn Trung Nam tại Việt Nam để đưa nhà máy điện mặt trời lớn nhất cả nước đi vào hoạt động. Đây được coi là dự án kỷ lục, không chỉ vì là dự án điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay, mà còn là dự án quang điện lớn đầu tiên của Siemens ở khu vực Đông Nam Á. Khi đưa vào vận hành, nhà máy có thể đạt tổng sản lượng điện khoảng 425 triệu kWh một năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 200.000 hộ dân và giảm phát thải khoảng 250.000 tấn khí CO2.

Siemens hiện đang là một trong những nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Hàng trăm trạm 110kV và 220kV cùng hàng chục trạm 500kV đang được trang bị các sản phẩm trung cao thế và rơ-le bảo vệ của Siemens. Năm 2017, Siemens đã cung cấp và lắp đặt thành công cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hệ thống quản lý SCADA và trạm không người trực 110kV, giúp kết nối 21 tỉnh, thành phố ở khu vực miền Nam Việt Nam theo phương thức hoàn toàn tự động hóa.

vuot qua thach thuc trong ky nguyen cong nghiep moi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm nhà máy sản xuất turbine khí của Siemens tại Berlin (Trong ảnh TS Phạm Quang Vinh đang cầm micro giới thiệu với Thủ tướng về nhà máy)

Đặc biệt, trong năm 2013, Siemens Việt Nam đã vượt qua các nước khác trong khu vực ASEAN để được Tập đoàn Siemens lựa chọn để thành lập “Trung tâm kỹ sư giám sát quản lý công trình” nhằm phục vụ cho các dự án nhà máy điện CTKH do Siemens nhận thầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhờ vậy các kỹ sư Việt Nam có cơ hội tốt để được đào tạo và làm việc tại một trong những ngành công nghệ cao và phức tạp nhất là nhà máy điện turbine khí CTKH. Cho đến nay đã có hơn 20 kỹ sư được tuyển dụng, đào tạo và tham gia các dự án điện lớn của Siemens ở 19 nước trên thế giới, đặc biệt là siêu dự án ở Ai Cập (14.000MW).

PV: Theo ông, ngành năng lượng Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức nào trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0?

TS Phạm Quang Vinh: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động tới nhiều ngành kinh tế chính của Việt Nam, trong đó có ngành năng lượng. Trong ngành năng lượng, dầu khí và điện có thể đối diện với một số điều chỉnh do xu hướng thay đổi công nghệ hướng tới hiệu quả cao hơn, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng sơ cấp, sử dụng năng lượng tái tạo giúp bảo vệ môi trường.

Riêng ngành điện sẽ đối mặt với những thách thức lớn, như: Tổn thất điện năng (đặc biệt là tổn thất truyền tải và phân phối) vẫn đòi hỏi phải tiếp tục các chương trình cải tạo nâng cao hiệu quả lưới điện; đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho chương trình xây dựng nguồn mới và cải tạo lưới điện; chất lượng và trình độ lao động, đặc biệt là trình độ chuyên môn và quản lý cần được nâng cao hơn nữa.

PV: Vậy Việt Nam phải làm gì để vượt qua những thách thức đó?

TS Phạm Quang Vinh: Theo tôi, một số giải pháp cho Việt Nam trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 là: Phát triển các nguồn điện sạch như gió, mặt trời, khí đốt và LNG; sử dụng các giải pháp số hóa để làm nguồn và lưới điện thông minh hơn; tích hợp các hệ thống IT để bảo đảm độ ổn định của lưới; phát triển các mô hình kinh doanh mới cho việc mua bán điện; phát triển theo hướng phi tập trung, trong đó các nguồn điện tái tạo phát thải thấp kết hợp với lưu điện và các nhà máy điện lớn giữ cho lưới ổn định. Hệ thống điều khiển lưới cũng phải được thiết kế lại cho phù hợp. Việc đầu tư cho nguồn điện phân bố cũng giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tận dụng tỷ lệ dân số vàng, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng người lao động và chất lượng đội ngũ quản lý, tạo khung luật pháp và quy định phù hợp để theo kịp tốc độ phát triển của kỷ nguyên công nghiệp mới.

PV: Siemens có thể hợp tác và hỗ trợ ngành năng lượng của Việt Nam như thế nào để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức?

TS Phạm Quang Vinh: Siemens có thể cung cấp và xây dựng các nhà máy dùng công nghệ turbine khí/hơi hiệu suất cao bảo đảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu sơ cấp. Siemens hiện đang có một danh mục rộng các turbine khí và hơi, đặc biệt là các dòng turbine khí công suất lớn nhất thế giới như turbine thế hệ H và mới nhất là HL.

vuot qua thach thuc trong ky nguyen cong nghiep moi

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 - một trong những nhà máy điện khí đang sử dụng công nghệ của Siemens với hiệu suất trên 57%

Với turbine khí thế hệ HL, Siemens đã mở đường lên một tầm cao mới về hiệu suất. HL là một bước phát triển mang tính cách mạng tiến hóa từ công nghệ turbine thế hệ H vốn đã rất thành công trên thị trường với số lượng bán ra là 88 turbine trên toàn cầu. Dòng turbine HL được xem là sự kết hợp của một loạt các công nghệ và đặc điểm thiết kế mới nhưng đã được thử nghiệm và thừa hưởng sự ưu việt từ những kinh nghiệm phong phú trước đây. Hiệu suất sẽ đạt được 63% với kỳ vọng nâng lên 65% trong trung hạn.

Ngoài ra Siemens có thể cung cấp các thiết bị đóng cắt/bảo vệ và giải pháp truyền tải độ tin cậy cao và tổn thất thấp; các giải pháp số hóa cho nguồn và lưới điện thông minh; thiết bị và giải pháp cho điện gió mang lại hiệu quả cao nhất cho việc đầu tư.

Về điện mặt trời, Siemens đã và đang cung cấp cho các nhà đầu tư năng lượng mặt trời giải pháp tổng thể hệ thống điện của nhà máy (eBoP), giúp cung cấp điện tin cậy và kết nối thông minh với lưới điện.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Tiến Dũng