Hậu siêu bão Haiyan: Ai đang ghi điểm?

08:39 | 14/11/2013

4,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự lạnh nhạt của Trung Quốc với Philippines thể hiện qua khoản viện trợ ít ỏi dành cho quốc gia đối đầu với Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông đang gây sốc cho truyền thông quốc tế. Về vấn đề này nói riêng cũng như việc các quốc gia đã thể hiện vai trò và ghi điểm như thế nào trong việc cứu trợ các thiên tai, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy – Rory Medcalf đã có bài bình luận trên hãng thông tấn ABC (Australia).

>> Tranh chấp biển đảo ảnh hưởng tới viện trợ cho Philippines?

Sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Haiyan ở Philippines làm sốc cả thế giới

Theo ông Medcalf, Trung Quốc với khoản viện trợ ban đầu chỉ với 100.000 USD cho thiên tai tại Phillippines  đã “lãng phí” cơ hội chứng tỏ sự rộng lượng, quả quyết và vai trò của một nước đứng đầu trong công cuộc cứu trợ sau thảm họa.

Mỹ chưa công bố khoản tiền của mình nhưng phản ứng nhanh nhẹn của lực lượng quân sự Hoa Kỳ gửi đi thông điệp tới toàn khu vực.

Điều này cho thấy giá trị mới trong cái gọi là “xoay trục chiến lược” sang châu Á khi các nhà quan sát bắt đầu đặt dấu hỏi hoài nghi về cam kết của Washington.

Tacloban đã trở thành một "thành phố chết" sau siêu bão

Trước thảm kịch của nhân loại, có thể là vô tâm khi bàn đến vấn đề địa lý chính trị liên quan đến cơn bão đã lấy đi mạng sống của hàng nghìn người, chủ yếu sinh sống tại Philippines. Tuy nhiên luôn tồn tại một phần của chiến lược ngoại giao trong việc các quốc gia gửi các khoản viện trợ nhân đạo.

Mặc dù việc làm của họ nhằm an ủi những khổ đau và mất mát, các chính phủ có tính toán đến hình ảnh và tầm ảnh hưởng của mình trong hành động này. Và dù gì thì việc các quốc gia cạnh tranh để đem đến những điều tốt đẹp vẫn tốt hơn là họ cạnh tranh để mang đến những tai ương.

"Hãy cứu chúng tôi!" - Không chỉ em bé này mà cả đất nước và nhân dân Philippines đều đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế

Tính ngoại giao của viện trợ có thể làm sáng tỏ sự thay đổi trong khuôn mẫu của ảnh hưởng, tiềm lực và sự tin cậy trong thế cân bằng quyền lực của khu vực, đặc biệt khi lực lượng quân sự có liên đới.

Một số tiềm lực quân sự, từ các máy bay chở hàng lớn đến trực thăng và các tàu bệnh viện, có giá trị hết sức lớn lao trong việc ứng phó với các thảm họa tự nhiên, những thiết bị này giúp đưa thực phẩm, nước uống, và y tế.

Máy bay quân sự Mỹ tham gia sơ tán nạn dân Tacloban khỏi vùng đất "chết" sau siêu bão Haiyan

Mỹ vốn dẫn đầu thế giới trong việc sở hữu và sẵn sàng sử dụng những tiềm lực đó nhưng một số nước khác, trong đó có Trung Quốc, cũng đạt được điều này trong những năm gần đây.

Ví dụ, Bắc Kinh cũng có tàu bệnh viện Phương châu Hòa bình dùng trong những nhiệm vụ nhân đạo mà tàu của Mỹ như USNS Mercy đã quá quen thuộc.

Khi quyết định phát triển những thiết bị như vậy, Bắc Kinh chắc chắn đã học được bài học từ thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương vào tháng 12 năm 2004.

“Khối NATO Châu Á”

Thảm họa này cũng cho chúng ta bài học rằng cách phản ứng trước thiên tai có thể thể hiện và ảnh hưởng đến liên kết an ninh giữa các nước.

Một điểm đáng chú ý trong phản ứng quốc tế cuối năm 2004 và đầu 2005 là tốc độ và việc duy trì hoạt động của nhóm nòng cốt  4 nước bao gồm, Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia trong việc tổ chức cứu trợ bằng lực lượng quân đội và nhân dân.

Đó là sự sắp đặt có tác động địa chính trị thực sự. Nó đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, tin tưởng và trao đổi giữa bốn cường quốc. Nó là nền móng thúc đẩy đối thoại 4 bên trong vài năm sau khi các quan chức của bốn nước tham gia vào cuộc họp kín để rút ra bài học từ việc tổ chức cứu trợ sóng thần, có thể xem là tiền đề để phát triển đến các mối quan tâm và dự định chung khác.

Nạn nhân siêu bão Haiyan ở Tacloban xếp hàng nhận viện trợ nhân đạo

Đối thoại 4 bên về cứu trợ thảm họa tự nhiên cùng việc Mỹ và Nhật Bản khoa trương về ưu điểm của bình đẳng hàng hải đủ khiến Trung Quốc lên tiếng rằng có một khối “NATO châu Á” được thiết lập để đối phó với sự trỗi dậy của nước này.

Nhóm 4 bên này không tồn tại lâu nhưng 4 nước này đã cải thiện quan hệ song phương với nhau và trong một số trường hợp quan hệ an ninh ba bên được thiết lập từ đó.

Bạn có thể nghĩ rằng lần này, Trung Quốc có thể quyết tâm đóng một vai trò chính để quảng bá một hình ảnh thân thiện, hào hiệp về những động thái  của họ và không tạo cơ hội để các quốc gia khác đến gần với nhau hơn mà không có mình.

Trung Quốc không còn lý do để biện bạch như năm 2004 - thiếu tàu, máy bay và nhân lực phù hợp cho những hoạt động như vậy. Kể cả khi đó, ít nhất thì Bắc Kinh cũng đã gửi đi một khoản viện trợ đáng kể với giá trị 85 triệu USD. Quốc gia này đã nhận được sự biết ơn của Indonesia và sự tôn trọng từ các nước Đông Nam Á.

Không có lý do để không tăng viện trợ nhân đạo

Mọi thứ đã đổi thay, nhưng Trung Quốc hiện có nhiều lý do giúp đỡ người láng giềng đang gặp khó khăn của mình nhiều hơn chứ không ít đi được, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy khẳng định.

Nước mắt Philippines đang rơi. Người anh em trong cộng đồng Liên hiệp quốc của tất cả chúng ta đang cần sự giúp đỡ và xoa dịu nỗi đau từ chính chúng ta

Ngoại giao của khu vực đã có nhiều tì vết do những cạnh tranh quân sự sâu sắc và sự thiếu tin tưởng hơn năm 2004. Nhất là khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông và biển Hoa Đông và bị sự phản đối của các nước láng giềng.

Tranh chấp với Manila đặc biệt trở nên xấu đi với những cuộc đối đầu liên quan đến các tàu cá và tàu chiến, dẫn đến những cảnh báo của cả hai bên về sự sẵn sàng cho xung đột vũ trang và Trung Quốc bác bỏ đơn kiện của Philippines gửi đến một tòa án quốc tế về Luật Biển.

Tàu bệnh viện Phương châu Hòa bình - niềm tự hào của Trung Quốc ở đâu trong lúc này khi láng giềng gặp nạn?

Trung Quốc cũng mạnh hơn. Mức chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc tăng trưởng hai đơn vị mỗi năm,  không những tạo ra hỏa lực mà còn có những thiết bị hàng hải bền vững  có thể dùng trong công tác cứu trợ thảm họa như tàu bệnh viện.

Thêm vào đó, hiện có những nền móng ngoại giao cho các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và châu Á có thể hợp tác khi sử dụng vũ khí quân sự của nhau trong các nhiệm vụ nhân đạo. Dù tên gọi loằng ngoằng, Diễn đàn ASEAN và Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN là vỏ bọc cho nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, cùng điều quân của mình cho mục tiêu tốt đẹp chung.

Trung Quốc có khả năng giúp đỡ và làm như vậy có thể có lợi cho hình ảnh và ảnh hưởng của nước này. Và những tiếng nói của một số nhân sĩ trong nước đồng ý với điều này. Tờ Global Times (Thời báo toàn cầu) của Trung Quốc vốn nổi tiếng với xu hướng chính trị cứng rắn cũng còn có xã luận cho rằng, Trung Quốc nên nắm bắt cơ hội để giúp những người dân Philippines, nhấn mạnh “hình ảnh quốc tế của Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn đối với lợi ích quốc gia”.

Những tranh luận đang diễn ra và Trung Quốc có thể thực hiện khi sự khai sáng về lợi ích riêng thắng được tiếng nói chủ nghĩa dân tộc.

Tập trận hàng hải quốc tế - cơ hội để thực tập chung

Thế nhưng ấn tượng ban đầu sẽ tồn tại mãi. Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã cử thủy quân cùng với tàu, máy bay, cứu thương và hàng hóa đến Philippines. Đó không chỉ là cử chỉ nhân ái đối với một đồng minh.

Tại thời điểm khi sức mạnh và mục tiêu của Mỹ tại châu Á đang bị nghi vấn, điều này được xem là sự nhắc nhở rằng quân đội Mỹ vẫn là nơi đầu tiên và phản ứng nhanh nhất trước những tình huống bất ngờ.

Thủy quân lục chiến Mỹ giúp đỡ Không quân Philippines chuyển người bị thương lên máy bay quân sự

Cứu trợ thiên tai thường là lý do khiến Mỹ đóng quân ở châu Á, bao gồm hải quân ở Darwin. Đây cũng sẽ là thông điệp dự đoán sẽ được đưa ra một cách rõ ràng khi Australia và Mỹ tổ chức cuộc họp quân sự cấp cao thường niên tại Washington vào tuần tới.

Và không chỉ có Mỹ. Australia cũng sử dụng máy bay vận tải quân sự RAAF C-17 để gửi hàng cứu hộ. Ngay cả Anh cũng gửi tàu chiến HMS Daring, đến tham dự International Fleet Review tại Sydney vào tháng trước, tham gia mang hàng cứu trợ.

Quân đội cứu trợ thiên tai được thực hiện tốt nhất khi các quốc gia cùng tham gia và khi họ biết cách làm việc với nhau.

Vì thế những cuộc tập trận đa quốc gia như trận Jervis Bay dẫn đầu bởi Australia và Malaysia có giá trị hơn nhiều. Trung Quốc đã có mặt tại đó. Câu hỏi là họ có làm như vậy lúc này không?

Linh Linh