14 năm sau vụ khủng bố 11/9:

Nếu nước Mỹ không thay đổi...

14:56 | 11/09/2015

3,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
14 năm sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ vẫn sống trong sợ hãi. Bị tiêu diệt tên trùm nhưng Al-Qeada vẫn tồn tại mặc dù có phần yếu hơn nhưng lại đẻ ra một tổ chức khủng bố còn tàn ác hơn: IS. Một khi chính sách đối ngoại của Mỹ không thay đổi, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng sẽ phải chịu nhiều vụ như 11/9.
neu nuoc my khong thay doi
Ngày 10/9, người dân ở bang Illinois, Mỹ đã cắm hơn 3000 lá Quốc kỳ để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2011. 14 năm đã trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về vụ khủng bố vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng những người dân Mỹ.

Hôm nay (11/9), nước Mỹ tổ chức các hoạt động tưởng niệm 14 năm sự kiện khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.

Từ hôm qua, người dân ở bang Illinois đã cắm hơn 3000 lá Quốc kỳ để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố kinh hoàng.

Còn nhiều người dân ở New York cũng đã mang hoa đến khu tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9 trong tâm trạng u buồn và tiếc thương vô hạn.

Cả nước Mỹ hôm nay sẽ dành mỗi phút mặc niệm cho bốn thời điểm 8h46, 9h03, 9h59 và 10h28, tức là thời điểm mà hai máy bay của quân khủng bố đâm vào hai tòa nhà ở khu World Trade Center và thời điểm mà hai toà nhà này sụp đổ.

Cũng như mỗi năm, tên của khoảng 3000 nạn nhân sẽ được xướng lên trong các buổi lễ.

14 năm đã trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về vụ khủng bố vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng những người dân Mỹ.

Theo hãng tin AFP, trong ký ức người dân Mỹ vẫn còn in đậm sự kiện 11/9. Hầu như ai cũng nhớ là ngày hôm đó họ đang làm gì khi nhìn thấy hình ảnh tòa tháp đôi ở New York sụp đổ tan tành trong biển lửa và bụi. Theo một cuộc thăm dò, hơn một nửa người Mỹ cho rằng các vụ khủng bố 11/9 đã làm thay đổi cuộc sống của họ.

Ngay trong ngày hôm nay, một nam thanh niên bị cảnh sát Mỹ bắt giữ với cáo buộc âm mưu kích nổ một quả bom áp suất tại đài tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 ở thành phố Kansas.

Vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9 được xem là điểm khởi đầu của cuộc chiến chống khủng bố dường như không có hồi kết của Mỹ.

Ngày 14/10/2001, Tổng thống Bush đã có bài phát biểu công bố một chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” nhằm vào Afghanistan. Hai năm sau, ông Bush tiếp tục đưa quân tấn công Iraq. Cả hai cuộc chiến mà Washington phát động là nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.

14 năm sau, bức tranh về cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn tắc tị. Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn không chỉ đối với nước Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới.

Osama Bin Laden bị tiêu diệt nhưng Al Qeada vẫn hiện hữu và đáng sợ hơn cả là khi tổ chức khủng bố này phân rã nó đẻ ra một tổ chức khủng bố mà cả thế giới hiện đang phải chống trả: tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS). Bên cạnh đó, Taliban và các nhóm khủng bố khác vẫn còn đó. Chưa có bất cứ một nhóm khủng bố nào được xác nhận đã bị tiêu diệt hoàn toàn, trong khi các nhóm mới lại ra đời.

Đây là minh chứng cho thấy, thứ mà nước Mỹ tuyên chiến cách đây 14 năm không những không bị tiêu diệt mà còn tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio mới đây nhận định: “Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một nhóm khủng bố (IS) có khả năng với nguồn lực tài chính dồi dào nhất trong lịch sử cận đại. Chúng có mục tiêu rõ ràng là muốn khủng bố chúng ta. Và đây là một mối đe doạ an ninh quốc gia cực kỳ nghiêm trọng”.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã tiếp tục tạo ra các nhóm khủng bố mới. Hết Al Qaeda sẽ lại đến IS và sau IS có thể lại có nhóm khác. Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ thù hận, từ tư tưởng cực đoan, mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới.

Nhìn xa hơn thì chính sự can thiệp của Mỹ khắp nơi trên thế giới đã tạo ra các nhóm khủng bố như ngày nay. Và nếu nước Mỹ không thay đổi thì chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ bị tiêu diệt.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)