Năng lượng sống thời khủng hoảng

13:58 | 07/02/2012

775 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Phật giáo cũng dạy con người ta sống hạnh phúc dù trong nghịch cảnh: “Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Giữa khổ đau, nếu  sống với thái độ ung dung, biết nhẹ nhàng chấp nhận mọi nghịch cảnh thì sẽ được hạnh phúc.

Năm Nhâm Thìn đã bắt đầu, những niềm vui và nỗi buồn hay nói đúng hơn là những thuận lợi và khó khăn trong năm cũ sẽ được nối tiếp trong năm nay. Những thuận lợi được nhân đôi và được phát huy tối đa, còn những khó khăn bị khống chế, đẩy lùi đó là mong muốn của tất cả mọi người trước thềm năm mới. Song, cuộc sống thì muôn màu và luôn tồn tại những điều ngoài mong đợi phải vượt qua.

Năm 2012, các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ là năm khủng hoảng ảnh hưởng sâu rộng hơn đến đời sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Vậy nên chuẩn bị gì để có thể bảo vệ giá trị tinh thần không leo dốc tỉ lệ thuận với khó khăn của kinh tế? Câu trả lời đó là mỗi người hãy tự tạo ra “năng lượng mới” không chỉ từ những cái mới, cái thuận lợi mà từ cả những cái cái cũ, cái bất lợi, khó khăn. Câu hỏi được đặt ra là tạo “năng lượng mới” bằng cách nào? Trong bối cảnh khủng hoảng, điều tối hậu mà con người phải giữ để không bị ném vào vòng xoáy là không gian chia sẻ giữa những người thân yêu, không hẳn chỉ là gia đình. Trong phong ba, còn lại một nơi để buổi chiều có thể trở về, có người mở cửa đón chờ trong không gian ấm cúng là điều quý giá nhất. Có lẽ điều kinh khủng nhất với mỗi người là khi trở về căn nhà một mình, trong năm qua trên thế giới đã có người đã tự tử vì không thể chịu nổi nỗi buồn, sự cô độc như thế.

Càng ngày càng nhiều người lễ bái

Thay vì suy sụp tinh thần trước những khó khăn, đây là lúc mọi người cần bình tâm nhìn lại, cùng thắp lên một đốm lửa để tự sưởi ấm mình… Một người hạnh phúc thật sự luôn sống với một triết lý rất đơn giản đó là coi tất cả những gì mình đang có, chuẩn bị có đều là niềm vui. Những biến động của cuộc sống, những nghịch cảnh trái ngang cũng không sao làm biến đổi sự yên tĩnh của họ. Họ xem ngay cả nỗi khổ về kinh tế, về tình bạn, tình yêu, con cái, công việc… là sự may mắn với riêng mình.

Bởi suy cho cùng, tất cả đều là ân huệ của cuộc sống. Cái mà mình nên tránh, không nên sử dụng đó là từ “đương đầu”. Không có gì phải đối chọi, phải ai là kẻ thù cả. “Mọi trạng thái của cảm xúc đều phải được trân trọng, và coi đó là một dấu hiệu tích cực. Nghĩ như thế thì phần thưởng hay sự trừng phạt đều có giá trị. Khóc hay cười cũng đều là lối sống tích cực, và khủng hoảng chỉ là một màu khác của không gian sống mà thôi”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nguyên là Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – luật TP HCM đã từng chia sẻ kinh nghiệm sống của mình như thế trong một cuộc tọa đàm về “Giá trị sống thời khủng hoảng” cuối năm.

Trong Phật giáo cũng dạy con người ta sống hạnh phúc dù trong nghịch cảnh: “Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Giữa khổ đau, nếu sống với thái độ ung dung, biết nhẹ nhàng chấp nhận mọi nghịch cảnh thì sẽ được hạnh phúc. Không có gì phải đương đầu, đối kháng, nói như thế sẽ có nhiều người lầm tưởng đến sự bất lực trước khó khăn, song ta không đương đầu mà là xoay chuyển tình thế và tạo ra một thứ “năng lượng mới” để giúp ta tạo dựng và phát huy năng lượng sống tinh thần.

Nghịch cảnh, khó khăn không phải lúc nào mang lại cho con người đau khổ, bất hạnh nếu không nói là đôi khi nó lại mang đến cho con người những thuận lợi khác. Tôi chợt nhớ đến mẫu vui về thằng Tèo lọt bụi tre gai mà tôi đã được đọc đâu đó, một câu chuyện khá ý nghĩa khi sống trong nghịch cảnh. “Chuyện rằng ngày xưa có thằng Tèo con bá hộ vì mãi mê rong chơi nên bị lọt vào bụi tre gai. Do từ nhỏ được nuông chiều hết mực nên Tèo hay khóc nhè. Ông bá hộ vừa đụng vào nhánh tre gai là Tèo đã khóc thét lên, thế là ông bá hộ đành mang cơm ngày 3 bữa ra bụi tre gai nuôi Tèo. Ngày kia có chú của Tèo trên tỉnh về, nghe ba Tèo thuật lại sự tình, chú ấy liền ra gặp Tèo và bảo với ba Tèo là hãy để chú ấy lại một mình và kể chuyện cho Tèo nghe.

Chú kể rằng, gần đây có con quỷ xuất hiện và hay ăn thịt trẻ con, hễ nó mà bắt được ai là bỏ 3 hạt muối lên đầu và nhai rau ráu. Và nghe đâu nó đã nhai cả chục đứa ở xóm trên. Kể xong chú ấy bỏ đi, mặc cho Tèo khóc la inh ỏi. Đi được một đoạn, chú nghe thấy tiếng Tèo chạy theo phía sau…”. Ông bá hộ, phần cơm ngày ba bữa là những thuận cảnh rất có lợi cho Tèo khi đang trong nghịch cảnh là mắc trong bụi tre gai. Con quỷ trong câu chuyện là nghịch cảnh, song rõ ràng nó không phải vô ích! Vậy phải chăng trong cuộc sống này, ta nên ôm ấp và cảm ơn tất cả dù đó là thuận hay nghịch cảnh!

Có một câu hỏi được khá nhiều người quan tâm đó là phải chăng hạnh phúc của con người được thiết lập trên sự giàu có, xa hoa? Năm qua đã chứng kiến những cuộc chạy đua của các chỉ số xa hoa, nào là bùng nổ sân golf, nào là dự án trường đua F1 ở Phú Thọ (TP HCM)… Chắc chắn những sự xa hoa đó không mang lại hạnh phúc cho nhiều người, nếu không nói là chỉ một số rất ít người trong con số triệu dân. Vì sao vậy? Vì nước ta còn nghèo, những dự án ấy chỉ có thể làm thỏa mãn niềm hào nhoáng nhất thời của một số ít người và có thể một phần nhỏ nào đó làm thay đổi diện mạo của đất nước. Song nó chưa thật cần thiết khi mà người nông dân vẫn còn ước mơ vay được vốn để mua con trâu cày. Nói về hạnh phúc, tôi bỗng hình dung đến một con đường đèo chênh vênh trên nóc nhà thế giới. Một con đường đèo chỉ dài hơn 40km, là con đường huyết mạch của giao thông của một quốc gia có tên gọi là Bhutan, một Vương quốc Phật giáo nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Và trên con đường đèo ấy, người ta thường nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của con người. Những người hạnh phúc ấy không có xe ôtô, đương nhiên đất nước Bhutan đó cũng chẳng hề giàu có, song niềm hạnh phúc của họ là có thật. Các cuộc khảo sát, đo đếm uy tính thế giới đều công nhận Bhutan là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Chỉ số hạnh phúc của Bhutan không đến từ một sự tình cờ mà nó được xây dựng một cách rất khoa học bằng khái niệm có tên gọi Tổng giá trị hạnh phúc quốc gia với 72 tiêu chí. Để theo đuổi những tiêu chí này Hiến pháp Bhutan còn quy định các chương trình của Nhà nước phải được đánh giá không chỉ trên lợi nhuận kinh tế mà còn phải mang lại nhiều hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

Tạo ra “năng lượng mới” từ những cái cũ, những cái tưởng chừng như hư hoại để vượt qua những khủng hoảng trước mắt; làm được như thế ta đủ sức đương đầu với những nghịch cảnh, khó khăn. Hay như cách nói của ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục: “Khi chúng ta có một lý do đẹp để sống, sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng của cuộc đời. Biết sống chính là động lực tạo ra năng lực, nếu không, chúng ta sẽ chết trước khi qua đời”.

Lê Trúc