Lỗ hổng kiến thức

07:08 | 15/03/2012

800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nên chăng đã đến lúc nếu không nói là quá muộn cần phải kiện toàn, xiết chặt công việc đào tạo trí thức trên đại học, nếu cần, cũng phải tái đào tạo. Không thể chạy theo số lượng, hữu danh vô thực.

Do nhiều năm nay tham gia một lớp học đặc biệt mang tên Nghệ thuật phô diễn và giao tiếp, ứng xử nên tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều người trẻ có bằng cấp cao dự lớp học này. Đây là một lớp giúp cho người học cách nói năng lưu loát, trôi chảy, có thể lôi cuốn người nghe và luôn thấy tự tin, tự chủ, luôn chủ động trước mọi đối tượng dẫu họ có hơn mình về mọi phương diện (tuổi tác, học vấn, đẳng cấp, chức vụ, địa vị…). Vì tôi hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nên dễ nhận biết, cảm ứng với những người cùng lĩnh vực.

Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực này có những lỗ hổng kiến thức không thể ngờ. Một tiến sĩ tâm lý học không biết mấy chữ “hào khí Đông A” từ đâu mà có. Một tiến sĩ xã hội học không rõ Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật xuất hiện trong giai đoạn nào của lịch sử. Người này có lần đi qua vườn hoa Lý Tự Trọng ở cuối phố Quán Thánh (Hà Nội) hỏi tôi: “Có phải Lý Tự Trọng là nhân vật từng bóp nát quả cam do căm thù giặc không?”. Thật hết biết!

Những năm về trước, các bộ môn như Triết học, Tâm lý học, Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử học… nằm trong lĩnh vực khoa học xã hội. Nhưng về sau, có một bộ môn riêng gọi là Xã hội học xuất hiện và rồi gắn với nó là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ xã hội học ra đời. Đó là gì vậy? Không lẽ lại là một môn chùm lên mọi ngành khoa học như đã nói? Không, 3 từ xã hội học đã hẹp hơn rất nhiều và vì vậy mà vị có học vị cao của bộ môn này mới phát lộ ra những hạn chế.

Tôi có quen một người vừa mấy năm trước còn là giảng viên non yếu tại một trường bồi dưỡng nghiệp vụ của một đoàn thể. Anh ta nói năng ấp úng, lên lớp bị học viên kêu nhiều. Bỗng nhiên, trường này nâng đời lên đại học, rồi anh ta đi học cao học, trở thành thạc sĩ và nay là tiến sĩ. Không rõ anh ta dạy những gì trên lớp nhưng mọi kiến thức sơ đẳng về văn học, lịch sử anh ta đều rất lơ mơ ví dụ như không phân biệt được “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo”. Đã là người mang học vị cao nhất (tiến sĩ) trong lĩnh vực xã hội học thì mọi kiến thức sơ đẳng của bất cứ bộ môn nào nằm trong lĩnh vực này đều phải am tường, hiểu biết đến nơi đến chốn.

Không thể nghĩ chỉ tiến sĩ lịch sử mới hiểu về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi; tiến sĩ văn học mới nắm vững “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo”. Và như vậy, đương nhiên, một thạc sĩ, tiến sĩ về dân tộc học, tâm lý học, cũng phải biết rõ về văn học dân gian, vì đó là dân tộc mình, là đời sống tâm lý, tinh thần ông cha mình. Một cô thạc sĩ tâm lý học không biết rất nhiều câu thành ngữ như “đắm đò, giặt mẹt”, “tát nước theo mưa”, “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Thậm chí, một tiến sĩ xã hội học hỏi tôi: “Trăm voi không được bát nước xáo” nghĩa là gì?

Giờ đây số lượng nhiều vô kể. Thạc sĩ lại càng đông gấp bội. Rất nhiều chức sắc, bên cạnh chức giám đốc, nhà quản lý còn thêm thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đầy danh giá. Nhưng sức thuyết phục thực sự đến đâu? Họ đóng góp được những gì thiết thực cho nền khoa học nước nhà thì hình như chưa có cơ quan, tổ chức nào làm một cuộc tổng điều tra để biết rõ thực hư. Những ai có tài, có trí tuệ, có đóng góp thực sự; những ai chỉ có cái “mẽ” để lòe thiên hạ, để làm phương tiện tiến thân, thậm chí đã bôi bác, vấy bẩn những danh hiệu rất danh giá. Tất cả đều cần được minh định. Thành ra thật, giả, vàng, thau lẫn lộn. Nên chăng đã đến lúc – nếu không nói là quá muộn – cần phải kiện toàn, xiết chặt công việc đào tạo trí thức trên đại học, nếu cần, cũng phải tái đào tạo. Không thể chạy theo số lượng, hữu danh vô thực.

{lang: 'vi'}

Nguyễn Đình San

petrotimes